Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện đời tôi

LTS: Đây là tự truyện của Helen Keller, một phụ nữ vừa mù, vừa câm, vừa điếc. Cuốn sách kể lại hành trình gian nan của bà để vượt lên số phận của mình, qua đó bạn đọc có thể nhận ra nhiều bài học thấm thía, và nó buộc chúng ta đặt lại câu hỏi: Thế nào là hạnh phúc?Một điều quan trọng khác, là tác giả đã nhắc nhở chúng ta tỉnh dậy, để đón nhận những kho báu đã quên đi, hoặc chưa từng nhận ra, để trân quý chúng.
Được sự đồng ý của gia đình cố dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, Cửa Việt trân trọng giới thiệu 3 chương đầu tiên của cuốn tự truyện này.

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

CHƯƠNG I

Chính vì một loại sợ hãi nào đó, mà tôi bắt đầu viết lịch sử đời tôi.

Có thể nói, tôi có một sự lưỡng lự gần như mê tín khi cất bỏ tấm màn vốn đeo bám vào tuổi thơ tôi giống như một làn sương vàng óng. Thật là khó để viết một tự truyện. Khi tôi cố phân loại những ấn tượng sớm sủa nhất của mình, tôi thấy rằng, sự kiện và tưởng tượng trông giống nhau, băng qua những năm tháng vốn nối liền quá khứ với hiện tại. Người đàn bà vẽ lại những kinh nghiệm của đứa trẻ bằng cái trí tưởng tượng của mình. Một vài ấn tượng nổi bật lên một cách sống động từ những năm tháng đầu tiên của đời tôi; nhưng “bóng tối của ngôi nhà tù, thì ở trên phần còn lại.”

Thêm nữa, nhiều niềm vui và nỗi sầu của tuổi thơ đã mất đi sự sắc bén của chúng; và nhiều biến cố trọng đại trong chặng đầu của việc giáo dục của tôi, đã bị quên đi trong cái hào hứng của những khám phá lớn lao. Do vậy, để tránh nhàm chán, tôi sẽ cố trình bày - trong một loạt những phác thảo - chỉ những giai đoạn nào mà đối với tôi, có vẻ quan trọng và đáng quan tâm nhất.

Tôi ra đời vào ngày 27 tháng 6, năm 1880, tại Tuscumbia, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc tiểu bang Alabama.

Gia đình bên nội tôi thuộc dòng dõi của Caspar Keller, gốc Thụy Sỹ, mà đã sang định cư tại Maryland. Một trong những tổ tiên Thụy Sỹ của tôi là vị giáo viên đầu tiên của người khiếm thính tại Zurich; ông đã viết một cuốn sách để giáo dục họ - khá là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hy hữu; mặc dù đúng là, không có vị vua nào mà không có một kẻ nô lệ trong số tổ tiên của họ, và không có kẻ nô lệ nào mà không có một vị vua trong số những tổ tiên của mình.

Ông nội tôi, con trai của Caspar Keller, đã đặt chân lên những vùng đất rộng của Alabama và sau cùng, định cư ở đó. Người ta kể lại rằng, mỗi năm một lần, ông cưỡi ngựa đi từ Tuscumbia đến Philadelphia, để mua hàng hóa dự trữ cho đồn điền, và cô tôi còn giữ được nhiều lá thư ông gửi cho gia đình, tường thuật những chuyến đi ấy một cách sống động và hấp dẫn.

Bà nội tôi là con gái của Alexander Moore - một trong những tùy viên của Lafayette - và là cháu gái của Alexander Sportswood, một Thống sứ của Virginia, thời thực dân. Bà cũng là em họ xa của Robert E. Lee(1).

Cha tôi, Arthur H. Keller, là đại úy trong Liên Quân miền Nam(2). Mẹ tôi, Kate Adams, là vợ thứ hai của ông, và trẻ hơn ông nhiều tuổi.

Ông của bà, Benjamin Adams, kết hôn với Susana E. Goodhue, sống nhiều năm tại Newbury, Massachusetts. Con trai của họ, Charles Adams, ra đời tại Newburyport, Massachusetts, và dời đến Helena, Arkansas. Khi cuộc Nội chiến nổ ra, Charles Adam chiến đấu ở phe miền Nam và trở thành một thiếu tướng. Ông kết hôn với Lucy Helen Everett, cùng dòng họ với Edward Everett và tiến sĩ Edward Everett Hale.

Sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình dời đến Memphis, Tenessee.

Cho đến khi ngã bệnh - cơn bệnh cướp đi thị giác và thính giác của tôi - tôi sống trong một căn nhà bé xíu, bao gồm một căn phòng vuông rộng và một căn phòng nhỏ, nơi mà người giúp việc ngủ. Tại miền Nam, người ta có thói quen xây dựng một căn nhà nhỏ gần thái ấp như là một cái chái, để dùng khi cần đến. Một căn nhà như thế, cha tôi đã xây sau Nội Chiến, và khi kết hôn với mẹ tôi, ông đến sống tại đó. Nó hoàn toàn được bao phủ bởi cây hoa hồng leo và hoa kim ngân. Nhìn từ khu vườn, nó trông giống như một vòm cây rậm mát. Cái hiên nhỏ bị che khuất bởi một bình phong hoa hồng vàng và cây măng leo của miền Nam. Đó là nơi mà những con chim ruồi(3) và những con ong ưa lui tới.

Thái ấp Keller, nơi mà gia đình sống, chỉ cách cái giàn hoa hồng nhỏ bé của chúng tôi vài bước. Nó được gọi là “Trường xuân xanh,” bởi vì ngôi nhà, cây cối và hàng rào bao quanh, được bao phủ bởi cây trường xuân đẹp, có gốc từ Anh quốc..

Cái khu vườn kiểu cổ của ngôi nhà, là thiên đường của tuổi thơ tôi.

Ngay cả vào những ngày trước khi cô giáo của tôi(4) đến, tôi có thói quen đi mò mẫm dọc theo những hàng giậu cây hoàng dương(5) vuông vắn, rậm rạp, và men theo mùi hương, thường tìm thấy những bông hoa violet và hoa huệ đầu mùa. Cũng ở đó, sau một cơn giận dữ, tôi thường đi tìm sự an ủi và để giấu khuôn mặt nóng bừng của tôi trong những chiếc lá và cỏ xanh mát mẻ. Vui biết bao, được đắm mình trong khu vườn đầy hoa đó, được lang thang một cách hạnh phúc từ chỗ này sang chỗ nọ, cho đến khi, bất ngờ chạm vào cây hoa leo đẹp, nhận ra nó nhờ những chiếc lá và những bông hoa của nó, và biết rằng, đó là cây hoa leo vốn bao phủ căn nhà mùa hè xập xệ ở phía xa của khu vườn!

Ở đây nữa, là những cây tiên nhân thảo lướt thướt, cây hoa nhài rủ xuống, và một vài bông hoa hiếm hoi, thơm tho, gọi là hoa huệ bướm, bởi vì những cánh hoa mỏng manh của chúng giống như những cánh bướm.

Nhưng những bông hồng - chúng đáng yêu hơn cả.

Tôi chưa bao giờ tìm thấy trong những nhà ươm cây của miền Nam những bông hồng nào xinh đẹp như những bông hồng leo của ngôi nhà miền Nam của tôi. Chúng thường treo thành những tràng dài từ hiên nhà, sực nức hương thơm, không bị ô nhiễm bởi một thứ mùi trần thế nào; và vào buổi sáng sớm, được tắm mình trong sương, chúng quá mềm mại, quá tinh khiết, đến nỗi tôi không thể không tự hỏi, có phải chúng giống như những bông hoa nhật quang lan(6) trong khu vườn của Thượng đế?

Sự khởi đầu của đời tôi cũng giản dị và rất giống với mọi cuộc đời nhỏ bé khác. Tôi đến, tôi thấy, tôi chinh phục, như bất cứ đứa bé đầu lòng nào trong gia đình. Như thường lệ, có nhiều thảo luận xung quanh việc đặt tên cho tôi.

Việc đặt tên cho đứa con đầu lòng, là không thể nào khinh suất; mọi người đều nhấn mạnh điều đó. Cha tôi gợi ý cái tên Mildred Campbell, một vị tổ mà ông rất quý trọng, và ông từ chối tham gia thảo luận thêm.

Mẹ tôi giải quyết vấn đề bằng cách nêu ra ước muốn của bà, rằng nên đặt tên tôi theo tên mẹ bà, có nhũ danh là Helen Everett. Nhưng trên đường đưa tôi đến nhà thờ, vì quá phấn khích, cha tôi quên béng đi cái tên; đó là điều rất tự nhiên, bởi vì nó là cái tên mà ông không tham gia thảo luận.

Khi vị mục sư hỏi ông về cái tên, ông chỉ nhớ rằng, mọi người đã quyết định đặt tên tôi theo tên bà ngoại tôi, và ông đưa ra tên bà là Helen Adams.

Người ta nói với tôi rằng, ngay khi còn quấn tã, tôi đã phô bày nhiều dấu hiệu của một bản tính cuồng nhiệt, ưa tự khẳng định mình. Mọi sự mà tôi thấy mọi người làm, tôi kiên quyết bắt chước. Ở 6 tháng tuổi, tôi có thể bập bẹ “How d'ye,”(7) và một hôm, thốt lên, “Trà, trà, trà,” khá rõ ràng, khiến mọi người hết sức ngạc nhiên. Ngay cả sau khi ngã bệnh, tôi vẫn còn nhớ một trong những từ mà tôi đã học được trong những tháng đó. Đó là từ “water,” mà tôi phát âm là “wah-wah.” Sau khi đã bị câm hoàn toàn, tôi vẫn tiếp tục phát âm như vậy, cho đến khi tôi học đánh vần cái từ đó.

Người ta bảo tôi rằng, lúc 1 tuổi, tôi đã bước đi. Mẹ tôi vừa mới đưa tôi ra khỏi chậu tắm và giữ tôi trên lòng bà, thì bỗng nhiên tôi bị hấp dẫn bởi những cái bóng chập chờn của những lá cây nhảy múa trong nắng, trên sàn nhà sạch bóng. Tôi trượt khỏi lòng mẹ tôi, và hầu như chạy về phía chúng. Khi sự kích động đã qua đi, tôi ngã xuống và khóc, đòi bà ẵm lên trong vòng tay.

Những ngày hạnh phúc này không kéo dài lâu. Một mùa xuân ngắn ngủi, tràn đầy âm nhạc, với bài ca của chim ức đỏ và chim mocking(8), một mùa hè đầy quả ngọt và bông hồng, một mùa thu vàng và đỏ thắm vút qua nhanh, và để lại những món quà của chúng dưới chân của một đứa trẻ háo hức, vui sướng. Rồi, vào tháng Hai ảm đạm, xuất hiện cơn bệnh, nó đóng lại đôi mắt và đôi tai của tôi, và nhấn chìm tôi vào trong cái trạng thái bất thức(9) của một đứa trẻ sơ sinh. Người ta gọi đó là chứng xung huyết cấp tính(10) ở bao tử và não. Bác sĩ nghĩ rằng tôi không thể qua khỏi. Tuy nhiên, một sáng sớm, cơn sốt rời bỏ tôi, cũng đột ngột và kỳ bí như khi nó đến. Sáng hôm đó, gia đình tôi hết sức vui mừng; nhưng không ai, ngay cả vị bác sĩ, biết rằng, tôi sẽ không bao giờ còn thấy hay nghe một lần nào nữa.

Tôi đoán rằng, tôi vẫn có những hồi ức lẫn lộn về cơn bệnh đó. Tôi đặc biệt nhớ sự âu yếm của mẹ tôi khi bà cố xoa dịu tôi trong những giờ tôi rên rỉ vì lo lắng, đau đớn và hoang mang khi tôi tỉnh dậy sau một một giấc ngủ chập chờn, trằn trọc, và xoay hướng đôi mắt tôi, khô và nóng, về phía bức tường - xa lìa làn ánh sáng đã một lần yêu dấu, đang đến với tôi một cách lờ mờ và ngày càng mờ thêm. Nhưng, ngoại trừ những ký ức thoáng qua này - nếu quả thực chúng là những ký ức - thì mọi thứ đó có vẻ như rất phi thực, giống như một cơn ác mộng.

Dần dần, tôi trở nên quen với sự im lặng và bóng tối vốn bao quanh tôi và quên rằng, trước đây mọi sự đã từng khác hẳn, cho đến khi cô giáo Sullivan đến - người mà sẽ giải phóng linh hồn tôi. Nhưng trong 19 tháng đầu tiên của đời mình, tôi đã kịp chụp bắt được những thoáng nhìn về những cánh đồng xanh rộng, một bầu trời rực sáng, cây cối và những bông hoa, mà bóng tối theo sau cơn bệnh đã không thể xóa đi hoàn toàn(11).

Nếu chúng ta đã thấy một lần, thì “ngày là của chúng ta, và những gì mà ngày đã phô bày.”(12)

*

CHƯƠNG II

 Tôi không thể nhớ lại cái gì đã xảy ra trong những tháng đầu tiên của cơn bệnh của mình.Tôi chỉ biết rằng, tôi ngồi trên lòng mẹ tôi và níu vào váy bà khi bà đi lui tới để làm những công việc nội trợ. Hai bàn tay tôi rờ rẫm mọi đồ vật và quan sát mọi chuyển động, và trong cách này, tôi học để biết nhiều đồ vật. Chẳng bao lâu, tôi cảm thấy nhu cầu truyền thông với những người khác và bắt đầu làm những dấu hiệu thô sơ. Một cái lắc đầu, có nghĩa là “không,” và một cái gật đầu, có nghĩa là “vâng.” Một cái vẫy, có nghĩa là “hãy đến,” và một cái đẩy, có nghĩa là “hãy đi.” Nếu cần bánh mì, tôi sẽ bắt chước tác động cắt thành lát và phết bơ vào chúng. Nếu tôi muốn mẹ làm kem cho bữa ăn tối, tôi ra dấu sự vận hành của cái freezer và rùng mình, tỏ ra mình đang lạnh.

Tuy nhiên, mẹ tôi thành công trong việc làm cho tôi hiểu nhiều thứ. Tôi luôn luôn biết khi nào bà muốn tôi đi lấy cho bà cái gì đó, và tôi thường chạy lên lầu hay bất cứ nơi nào khác mà bà chỉ định. Quả thực, tôi mang ơn bà - sự khôn ngoan đầy yêu thương của bà - về mọi thứ tươi sáng và tốt đẹp trong cái đêm dài của tôi.

Tôi hiểu nhiều về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Lúc 5 tuổi, tôi học cách xếp và cất quần áo sạch khi chúng được mang về từ tiệm giặt ủi, và tôi phân biệt quần áo của tôi với quần áo của người khác.

Tôi biết - qua cách mà mẹ tôi và cô tôi ăn vận - khi nào họ sắp đi ra ngoài, và tôi luôn năn nỉ đòi đi cùng họ. Tôi luôn được cho gọi khi có khách, và khi khách ra về, tôi vẫy tay chào họ - tôi nhớ mơ hồ ý nghĩa của cái cử chỉ đó.

Một hôm, một vài quý ông nào đó ghé thăm mẹ tôi. Tôi cảm thấy cửa trước được đóng lại, và những âm thanh khác mà cho thấy là họ đang đến. Một ý nghĩ đột ngột hiện lên, và tôi chạy lên lầu trước khi bất cứ ai có thể ngăn chặn tôi, để mặc vào cái áo đầm của mình. Đứng trước tấm gương soi - như tôi đã “thấy” những người khác thường làm - tôi xức dầu lên đầu và phủ lên khuôn mặt tôi một lớp phấn dày.

Rồi tôi buộc một tấm mạng qua đầu, để nó che phủ mặt và rơi thành những nếp gấp xuống hai vai, rồi buộc một cái khung(13) to đùng xung quanh cái thắt lưng nhỏ bé của tôi, để nó lủng lẳng ra phía sau, gần chạm cái gấu áo sơ-mi.

Trang điểm xong, tôi đi xuống để giúp chiêu đãi khách.

Tôi không nhớ, lần đầu tiên tôi nhận thức rằng tôi khác với những người khác là khi nào; nhưng tôi biết điều đó trước khi cô giáo đến. Tôi đã nhận thấy rằng, mẹ tôi và các bạn tôi, khi muốn cái gì đó được làm, họ không dùng những dấu hiệu như tôi, nhưng nói bằng miệng họ. Đôi khi tôi đứng giữa hai người đang nói chuyện với nhau và sờ môi họ. Tôi không thể hiểu, và tôi bực bội. Tôi cử động đôi môi và khua tay như điên mà không kết quả. Điều này đôi khi khiến cho tôi điên tiết, đến nỗi tôi đá túi bụi và la hét om sòm cho đến khi mệt lả.

Tôi nghĩ rằng, tôi biết khi nào mình hư hỏng, bởi vì tôi biết tôi làm tổn thương Ella, chị vú của tôi, đá vào chị, và khi cơn giận dữ qua đi, tôi có một cảm giác gần như hối tiếc. Nhưng tôi không thể nhớ trường hợp nào mà cảm nhận này ngăn tôi lặp lại hành vi hư hỏng khi tôi không có được cái mà tôi muốn.

Trong những ngày đó, một đứa bé da đen, Martha Washington, con gái của người nấu bếp, và Belle - một con chó săn già, lông xù, và là một thợ săn giỏi khi nó còn trẻ - là những người bạn trung thành của tôi. Martha Washington hiểu những dấu hiệu của tôi, và tôi hiếm khi gặp khó khăn trong việc bảo nó làm đúng cái mà tôi mong muốn. Tôi thích thú vì đã “ăn hiếp” được nó và nó thường chìu theo sự độc tài của tôi hơn là mạo hiểm một cuộc đối đầu xáp lá cà. Tôi khỏe, năng động, và bất chấp những hậu quả.

Tôi biết khá rõ mình muốn cái gì và luôn luôn làm theo ý thích, cho dẫu tôi phải chiến đấu kịch liệt để có nó. Chúng tôi trải qua rất nhiều thời gian trong bếp, nhồi bột thành những viên, giúp làm kem, xay cà phê, cãi cọ nhau qua bát bánh, và cho những con gà mái và gà tây ăn - chúng lúc nhúc xung quanh những bậc cấp dẫn vào nhà bếp. Nhiều con trong số chúng thì quá thuần hóa, đến nỗi chúng thường mổ thức ăn trên bàn tay tôi và để cho tôi sờ vào chúng.

Một hôm, một chú gà tây trống lớn giật lấy một trái cà chua từ bàn tay tôi và bỏ chạy. Có lẽ, được gợi hứng bởi sự thành công của chú gà tây, chúng tôi mang đến đống củi một cái bánh cake, mà người đầu bếp vừa mới rắc đường lên, và nhâm nhi từng miếng một. Sau đó, tôi bị đau bụng, và tôi tự hỏi, chú gà tây có bị trừng phạt như vậy hay không.

Con gà sao(14) thích ẩn nấp trong tổ ở những nơi hẻo lánh, và một trong những sở thích của tôi, là đi săn những cái trứng trong cỏ rậm.

Tôi không thể nói với Martha Washington khi nào tôi muốn đi săn trứng, nhưng tôi thường gập đôi hai bàn tay lại và đặt xuống đất, có nghĩa là, một cái gì đó tròn trên cỏ, và Martha luôn luôn hiểu. Khi chúng tôi đủ may mắn, tìm thấy một cái tổ, tôi không bao giờ cho phép nó mang trứng về nhà. Tôi làm cho nó hiểu, bằng những dấu hiệu nhấn mạnh, rằng nó có thể té ngã và làm vỡ trứng.

Vựa ngô, chuồng ngựa, và cái sân, nơi mà những con bò cái được vắt sữa, sáng và chiều - là những nguồn thích thú không bao giờ cạn đối với Martha và tôi. Những người vắt sữa thường cho phép tôi giữ hai bàn tay trên những con bò cái trong khi họ vắt sữa, và con bò cái thường “hục hặc,” có lẽ nó không thích sự tò mò của tôi.

Việc chuẩn bị cho Giáng Sinh luôn luôn là một niềm thích thú lớn với tôi. Dĩ nhiên, tôi không biết mọi thứ này có mục đích gì, nhưng tôi thưởng thức những cái mùi thú vị lan tỏa khắp ngôi nhà và những mẩu thức ăn ngon được trao cho Martha Washington và tôi để giữ cho chúng tôi im lặng. Họ cho phép chúng tôi xay những đồ gia vị, chọn nho khô và liếm những cái thìa.

Tôi treo cái bít tất dài của mình, bởi vì những đứa trẻ khác đều làm thế; tuy nhiên, tôi không thể nhớ, rằng cái nghi thức này có gây thích thú đặc biệt nào cho tôi hay không; cũng như, sự tò mò có khiến cho tôi dậy trước ánh sáng của ngày để tìm kiếm những món quà của mình?

Martha Washington cũng rất nghịch ngợm như tôi. Hai đứa trẻ nhỏ được đặt ngồi trên những bậc cấp của mái hiên, một buổi chiều tháng 7 nóng bức. Một đứa thì đen như than, với những lọn tóc hơi xoăn, được buộc với những sợi dây giày, lòi ra trên đầu giống như những cái khui nút chai. Đứa kia, trắng trẻo, với những lọn tóc vàng, dài. Một đứa 6 tuổi, đứa kia, lớn hơn 2 hay 3 tuổi. Đứa nhỏ hơn, bị mù - đó là tôi - và đứa kia, là Martha Washington. Chúng tôi bận rộn cắt những con búp bê bằng giấy; nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi chán cái trò giải trí này, và sau khi cắt vụn những sợi dây giày của mình và xén mọi chiếc lá khỏi cây hoa kim ngân ở trong tầm với, tôi xoay sự chú ý sang những cái “khui nút chai” của Martha. Lúc đầu, nó phản đối, nhưng sau cùng, tuân phục. Nghĩ rằng “ăn miếng, trả miếng” là chuyện công bình, nó chộp lấy cái kéo và cắt phăng một trong số những lọn tóc của tôi, và có lẽ nó đã cắt trụi hết, nếu không có sự can thiệp đúng lúc của mẹ tôi.

Belle - con chó của chúng tôi - là một người bạn khác của tôi. Nó đã già, lười biếng và thích ngủ bên cạnh đám lửa lộ thiên hơn là nô đùa ầm ĩ với tôi. Tôi cố hết sức để dạy nó thứ ngôn ngữ dấu hiệu của tôi, nhưng nó đần và không chú ý. Đôi khi nó giật mình nhảy cẫng lên và rùng mình với sự phấn khích, rồi trở nên hoàn toàn cứng đơ, như những con chó thường làm khi chúng chỉ trỏ vào một con chim. Lúc ấy, tôi không biết tại sao Belle lại hành động theo cách đó; nhưng tôi biết nó không đang làm như tôi mong muốn. Điều này khiến tôi bực mình, và bài học luôn chấm dứt bằng một trận đánh bốc một chiều(15). Belle thường chỗi dậy, vươn mình một cách lười biếng, làm một hai cái khịt mũi khinh bỉ, đi qua phía đối diện của lò sưởi và lại nằm xuống, và tôi, chán nản và thất vọng, bỏ đi tìm Martha.

Nhiều sự việc của những năm tháng sớm sủa đó đã ăn sâu trong trí nhớ tôi, bị cô lập, nhưng rõ ràng và rạch ròi, khiến cho cảm thức về cuộc sống câm lặng, vô mục đích, không có ánh sáng ban ngày đó càng thêm sâu đậm.

Một hôm, tôi làm đổ nước lên cái tạp dề của mình; tôi trải nó ra để phơi khô trước đám lửa đang chập chờn trên lò sưởi của phòng khách. Cái tạp dề không khô đủ nhanh theo ý tôi, nên tôi tiến gần hơn và ném nó ngay trên đống tro nóng. Lửa bùng lên; những ngọn lửa vây quanh tôi, đến nỗi, trong chớp mắt, y phục của tôi đang bốc cháy. Tôi kêu lên kinh hãi, và Viny, bà vú già của tôi, đến cứu.

Ném một cái chăn lên người tôi, bà gần như làm tôi chết ngạt, nhưng ngọn lửa đã được dập tắt.Trừ hai bàn tay và mái tóc, tôi không bị bỏng quá nặng.

Khoảng thời gian này, tôi phát hiện ra công dụng của cái chìa khóa. Một buổi sáng, tôi khóa mẹ tôi lại trong nhà bếp, nơi mà bà phải lưu lại trong 3 tiếng đồng hồ, bởi vì những người giúp việc đang ở trong một phòng tách biệt của ngôi nhà. Bà liên tục đập mạnh vào cửa lớn, trong khi tôi ngồi ở bên ngoài trên những bậc cấp của mái hiên và cười thích chí khi tôi cảm nhận âm thanh loảng xoảng. Đây không phải là cái trò nghịch ngợm nhất của tôi, mà thuyết phục bố mẹ tôi rằng, tôi phải được dạy dỗ càng sớm càng tốt. Sau khi cô giáo Sullivan đến, tôi tìm một cơ hội để nhốt cô trong căn phòng của cô. Tôi lên lầu với một cái gì đó mà mẹ tôi làm cho tôi hiểu rằng, tôi phải giao cho cô Sullivan; nhưng ngay sau khi tôi đã giao nó cho cô, thì tôi đóng sầm cửa lớn, khóa nó lại, và giấu cái chìa khóa dưới cái tủ áo trong tiền sảnh. Tôi không chịu nói, cái chìa khóa ở đâu. Cha tôi buộc phải kiếm một cái thang và đưa cô Sullivan ra ngoài qua cửa sổ - trước sự thích thú của tôi. Nhiều tháng sau, tôi mới đưa ra cái chìa khóa.

Khi tôi vào khoảng 5 tuổi, chúng tôi dời từ ngôi nhà nhỏ có cây hoa leo bao phủ đến một ngôi nhà mới rộng hơn. Gia đình gồm có cha mẹ tôi, hai người anh cùng cha khác mẹ, và về sau, một em gái nhỏ, Mildred. Ký ức rõ ràng sớm sủa về cha tôi, là việc tôi mò mẫm đi xuyên qua những đống nhật báo lớn đến bên cạnh ông, và thấy ông một mình, đang cầm một tờ giấy đằng trước mặt. Tôi rất bối rối không biết ông đang làm cái gì. Tôi bắt chước hành động này, thậm chí còn mang kiếng của ông, nghĩ rằng, chúng sẽ giúp khám phá cái bí mật này. Nhưng trong dăm bảy năm, tôi không thể phát hiện ra cái bí mật đó. Rồi tôi học để biết những tờ giấy này là cái gì, và biết rằng, cha tôi biên tập một trong số chúng.

Cha tôi rất yêu thương, chiều chuộng, và tận tụy với gia đình. Ông hiếm khi rời xa chúng tôi, trừ ra trong mùa săn. Người ta bảo tôi, ông là một thợ săn giỏi, và là một xạ thủ nổi danh. Ngay sau gia đình, ông yêu những con chó và cây súng ngắn của mình. Lòng hiếu khách của ông rất lớn, gần như thái quá: ông hiếm khi về nhà mà không đem theo một người khách.

Niềm tự hào đặc biệt của ông là khu vườn lớn, nơi mà, người ta nói, ông trồng những trái dưa hấu và những trái dâu ngon nhất trong quận; và ông thường mang đến cho tôi những trái nho chín đầu mùa và những trái dâu ngon nhất. Tôi nhớ cái xúc chạm vuốt ve của ông, trong khi ông dẫn tôi từ cây này sang cây khác, từ cây nho leo này sang cây nho leo khác, và niềm vui thích nồng nhiệt của ông đối với bất cứ cái gì làm tôi hài lòng.

Ông là một người kể chuyện nổi tiếng; sau khi tôi thủ đắc ngôn ngữ, ông thường đánh vần một cách vụng về vào bàn tay tôi những giai thoại thú vị nhất của ông, và không có gì làm ông vui thích hơn là bảo tôi tôi lặp lại chúng vào một khoảnh khắc thích hợp.

Tôi đang ở miền Bắc, tận hưởng những ngày đẹp cuối cùng của mùa hè năm 1896, thì nghe tin ông mất. Ông trải qua một cơn bệnh ngắn, chịu đau đớn một thời gian ngắn, rồi, mọi sự kết thúc.

Đây là nỗi sầu muộn lớn đầu tiên của tôi - kinh nghiệm cá nhân với cái chết.

Tôi phải viết về mẹ tôi như thế nào nhỉ? Bà quá gần gũi với tôi, đến nỗi, việc nói về bà là thiếu tế nhị.

Trong một thời gian dài, tôi xem em gái bé nhỏ của tôi như là một “kẻ phá đám.” Tôi biết rằng, tôi đã không còn là “cục cưng” duy nhất của mẹ tôi, và ý tưởng đó khiến cho tôi vô cùng ghen tức. Nó thường trực ngồi trên lòng mẹ tôi, nơi mà tôi thường ngồi, và có vẻ như giành hết sự chăm sóc và thời gian của bà.

Một hôm, một cái gì đó xảy ra, mà với tôi, dường như thêm vào sự tổn thương, còn có sự sỉ nhục. Vào thời gian đó, tôi có một con búp bê ưa thích, mà về sau, tôi đặt tên là Nancy. Than ôi, nó là nạn nhân vô tội của những cơn giận của tôi, đến nỗi, nó đã bị hoàn toàn xơ xác.

Tôi có những con búp bê biết nói, khóc, mở và nhắm mắt; thế nhưng, tôi chưa bao giờ yêu con búp bê nào như tôi yêu Nancy đáng thương. Nó có một cái nôi, và tôi thường trải qua một tiếng đồng hồ hay nhiều hơn, ru cho nó ngủ. Tôi canh chừng cả con búp bê lẫn cái nôi với sự quan tâm ganh tỵ nhất. Nhưng một lần, tôi phát hiện ra em gái nhỏ của tôi ngủ bình yên trong cái nôi đó. Trước sự “ngạo mạn ” của một kẻ mà tôi chưa có chút yêu thương nào ràng buộc(16), tôi điên tiết lên. Tôi lao tới cái nôi, lật úp nó, và đứa bé nhỏ có lẽ đã bị giết, nếu mẹ tôi không kịp đón lấy em trong khi em rớt xuống. Quả thực, khi chúng ta bước vào trong thung lũng của nỗi cô độc được nhân lên đến hai lần(17), chúng ta biết rất ít về những tình cảm âu yếm vốn xuất phát từ những lời nói, hành động và tình bạn thân thiết. Nhưng về sau, khi tôi được phục hồi cái di sản con người của mình, thì Mildred và tôi trở nên quá thân thiết với nhau, đến nỗi, chúng tôi hài lòng nắm tay nhau mà đi, bất cứ nơi nào tùy thích - mặc dù em không hiểu “ngôn ngữ ngón tay” của tôi, cũng như tôi không hiểu những tiếng líu lo trẻ con của em.

*

CHƯƠNG III

Trong khi đó, ước mong tự diễn đạt mình tăng lên. Một vài dấu hiệu mà tôi đã dùng, ngày càng trở nên bất cập, và những thất bại trong việc làm cho người ta hiểu tôi, luôn luôn dẫn đến những cơn bùng vỡ giận dữ. Tôi cảm thấy như thể những bàn tay vô hình đang ngăn cản tôi, và tôi làm những nỗ lực điên cuồng để tự giải phóng mình.

Tôi vùng vẫy - không phải bởi vì sự vùng vẫy có thể giúp giải quyết vấn đề, nhưng vì tinh thần phản kháng quá mạnh mẽ bên trong tôi; tôi thường òa khóc và thân xác mệt nhoài. Nếu mẹ tôi tình cờ ở gần đó, thì tôi bò vào vòng tay bà, quá khổ sở để mà nhớ nguyên nhân của cơn bão cảm xúc đó.

Sau một thời gian, nhu cầu về một phương tiện truyền thông nào đó trở nên quá cấp thiết, đến nỗi, những cơn bùng nổ này xảy ra hằng ngày, đôi khi hằng giờ.

Cha mẹ tôi vô cùng đau lòng và bối bối. Chúng tôi sống xa bất cứ ngôi trường nào dành cho người mù và người điếc(18), và dường như không thể có ai chịu đến một nơi hẻo lánh như Tuscumbia để dạy một đứa trẻ vừa mù vừa điếc. Quả thực, đôi khi bạn bè và người thân của tôi không biết là tôi có thể được học hành hay không. Tia hy vọng duy nhất của mẹ tôi đến từ American Notes của nhà văn Dickens. Bà đã đọc bản tường thuật của ông về Laura Bridgman, và nhớ mơ hồ rằng, cô ta điếc và mù, thế nhưng, đã được giáo dục. Nhưng bà cũng nhớ, với một cơn đau xé lòng và nỗi tuyệt vọng rằng, Tiến sĩ Howe - người đã khám phá ra cách dạy người điếc và mù - đã qua đời cách đây nhiều năm. Rất có thể, những phương pháp của ông đã chết đi với ông; và nếu chúng vẫn còn được áp dụng đi chăng nữa, thì làm thế nào, một bé gái tại một thị trấn xa xôi ở Alabama, lại có thể được hưởng lợi từ chúng?

Khi tôi khoảng 6 tuổi, cha tôi nghe nói về một bác sĩ chuyên khoa mắt lỗi lạc tại Baltimore, người đã thành công trong nhiều trường hợp vốn có vẻ như vô vọng. Cha mẹ tôi đã quyết tâm đưa tôi đến Baltimore, để xem có thể chữa chạy gì được cho đôi mắt tôi không.

Chuyến đi, mà tôi nhớ rất rõ, là rất thú vị. Tôi làm quen với nhiều người trên xe lửa. Một quý bà tặng tôi một hộp vỏ sò. Cha tôi đục lỗ, để tôi có thể xâu chúng lại, và trong một thời gian dài, chúng giữ cho tôi vui vẻ và hài lòng. Người soát vé cũng tử tế. Trong khi ông đi vòng quanh để kiểm vé và bấm lỗ vào chúng, tôi níu vào đuôi áo khoác của ông. Cái bấm lỗ, mà ông để cho tôi chơi, là một đồ chơi thú vị. Cuộn mình trong một góc của ghế ngồi, tôi tự tiêu khiển hằng giờ, làm những cái lỗ nhỏ trong những miếng giấy bìa.

Cô tôi đã làm cho tôi một con búp bê lớn, từ những cái khăn mặt cũ. Nó là một vật buồn cười nhất: không hình thù, không có mũi, miệng, tai, hay mắt - không có gì mà ngay cả trí tưởng tượng của một đứa trẻ có thể chuyển đổi nó thành một khuôn mặt.

Không hiểu sao, sự vắng mặt của đôi mắt lại gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ hơn mọi khiếm khuyết khác gộp lại. Tôi vạch ra điều này với mọi người, với sự kiên trì pha lẫn bực bội, nhưng có vẻ như không ai có đủ điều kiện để cung cấp đôi mắt cho con búp bê. Tuy nhiên, một ý kiến nổi lên trong đầu tôi, và vấn đề được giải quyết. Tôi nhoài ra khỏi ghế và tìm phía dưới nó, cho đến khi tôi tìm thấy cái áo choàng không tay của cô tôi, được đính những hạt cườm lớn. Tôi bứt hai hạt cườm ra, và ra dấu rằng, tôi muốn cô tôi khâu chúng vào con búp bê. Cô nhấc bàn tay tôi đặt lên đôi mắt cô như dò hỏi, và tôi gật đầu một cách cương quyết. Tôi không thể kềm giữ được niềm xúc động vì vui sướng; nhưng, ngay lập tức, tôi mất mọi thích thú đối với con búp bê.

Suốt chuyến đi, tôi không có cơn giận dữ nào, bởi vì có quá nhiều cái để giữ cho tâm trí tôi và những ngón tay tôi bận rộn.

Khi chúng tôi đến Baltimore, bác sĩ Chisholm tiếp chúng tôi rất tử tế; nhưng ông không thể làm gì được. Tuy nhiên, ông nói, tôi có thể được giáo dục, và khuyên cha tôi tham vấn Tiến sĩ Alexander Graham Bell(19), đang sinh sống tại Washington - người mà sẽ có thể cho ông thông tin về những trường học và những giáo viên cho trẻ em điếc hay mù. Theo lời khuyên của vị bác sĩ, chúng tôi ngay lập tức đi tới Washington để gặp Tiến sĩ Bell. Cha tôi buồn và nhiều lo âu, nhưng tôi hoàn toàn không ý thức về nỗi khổ của ông, mà chỉ thấy vui thích và hào hứng vì được di chuyển từ nơi này sang nơi nọ. Mặc dù còn bé, tôi cảm nhận ngay sự âu yếm và mối đồng cảm mà khiến cho tiến sĩ Bell trở nên thân thiết đối với quá nhiều trái tim, cũng như những thành tựu kỳ diệu của ông giành được sự ngưỡng mộ của họ. Ông giữ tôi trên đầu gối trong khi tôi rờ rẫm cái đồng hồ đeo tay của ông. Ông hiểu những dấu hiệu của tôi; tôi biết điều đó, và yêu mến ông ngay lập tức. Nhưng tôi không mơ ước rằng, cuộc gặp gỡ đó sẽ là cánh cửa mà qua đó, tôi sẽ đi từ bóng tôi ra ánh sáng, từ sự cô lập sang tình bạn, kiến thức, và tình yêu.

Tiến sĩ Bell khuyên cha tôi viết thư cho ông Anagnos, giám đốc của viện Perkins tại Boston, nơi mà Tiến sĩ Howe đã lao động vất vả cho người mù và hỏi ông ta, liệu ông có một giáo viên có năng lực để bắt đầu việc giáo dục của tôi hay không. Việc này, cha tôi làm ngay. Và trong vài tuần, một lá thư với lời lẽ ân cần, đến từ ông Anagnos, đảm bảo rằng, đã tìm ra một giáo viên. Đó là mùa hè của năm 1886. Nhưng cho mãi tới tháng 3 năm sau, thì cô Sullivan mới đến.

Như thế, tôi ra khỏi Ai Cập và đứng trước núi Sinai(20), và một quyền lực thiêng liêng chạm vào linh hồn tôi và cho nó thị giác(21), để mà tôi có thể ngắm nhìn nhiều kỳ quan. Và từ ngọn núi thiêng, tôi nghe một giọng nói: “kiến thức là tình yêu, ánh sáng và thị giác.”

*Đỗ Tư Nghĩa dịch theo bản e-book của Gutenberg Project

_____________________

Robert E. Lee: (1807-1870): Đại tướng, Tổng tư lệnh của liên quân miền Nam, trong cuộc Nội Chiến Mỹ.
Confederate Army: Liên Quân các đội quân của các tiểu bang miền Nam nước Mỹ.
Humming-bird.
4 Đó là cô giáo Sullivan. Kể từ đây, để cho gọn, xin được dịch là “cô giáo.”
5 Boxwood: cây hoàng dương.
Asphodel: hoa nhật quang lan.
7 How do you do: một lời chào trịnh trọng, được nói bởi những người đang được giới thiệu với nhau, hay đang gặp nhau lần đầu tiên.
Mocking: Chim mocking. Một loài chim ở châu Mỹ; lông màu trắng đen, có khả năng bắt chước tiếng hót của các loài chim khác.
9 Unconsciousness: bất thức; vô ý thức.
10 Acucte congestion of the stomach and brain.
11 Cần lưu ý: Cô bé Helen Keller bị mù-điếc, nhưng không phải từ lúc mới sinh ra, mà do một cơn bệnh, khi được 19 tháng tuổi.
12 Ở đây, có lẽ Helen Keller trích dẫn từ một tác phẩm nào đó, mà chúng tôi chưa có điều kiện để tra cứu. Về sau, sẽ còn nhiều trường hợp như vậy. Từ “ngày” ở đây là biểu tượng của ánh sáng - bởi vì thế giới của người mù, là thế giới của đêm tối.
13 Bustle : một cái khung tròn, độn trong váy phụ nữ, để làm cho váy phồng ra.
14 Guinea-fowl: Gà sao; loài chim lớn thuộc họ gà lôi, lông xám sẫm có chấm trắng.
15 One-sided boxing match: cuộc đấu box một chiều. Ý nói, đối thủ “chịu trận,” không trả đòn.
16 Vào giai đoạn này, linh hồn Helen chưa tỉnh dậy, nên cô bé chỉ sống với bản năng thú vật, chứ chưa có những tình cảm thực sự của con người.
17 Twofold solitude: nỗi cô độc gấp đôi ý nói, vừa mù vừa điếc.
18  Chúng tôi dùng từ “mù” và “điếc,” thay vì “khiếm thị” và “khiếm thính” - vì thấy hai từ thuần Việt mù, điếc chính xác hơn. Bà Nguyễn Hướng Dương - người sáng lập “thư viện sách nói cho người mù” tại Việt Nam - đã dùng từ “người mù” thay vì “người khiếm thị.” Chúng tôi cũng đồng ý với Nguyễn Hướng Dương về cách dùng từ như trên.
19 Alexander G. Bell 1847 - 1922: Vị này chính là người đã phát minh ra điện thoại.
20  Núi Sinai: Theo Từ điển Wikipedia Đây một ngọn núi trên Bán đảo Sinai của Ai Cập. Theo truyền thống của Do Thái, Kytô giáo và Hồi giáo, thì chính tại núi này, mà Moses tiếp nhận 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời.
21 Sight: thị giác. Đây chỉ là một cách nói của tác giả.

 

HELEN KELLER - Đỗ Tư Nghĩa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 249

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground