Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dì tôi

N

hiều năm sau này, khi mà tôi đã lớn, mẹ tôi mới kể lại là, hồi trẻ độ mười lăm, mười sáu gì đấy, dì tôi mắc một căn bệnh quái lạ. Đang khỏe mạnh thế đột nhiên dì lăn đùng ra, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt, lay gọi thuốc phép gì cũng không tỉnh, nhưng chỉ cần một người đàn ông, mà đàn ông ra đàn ông hẳn hoi, xoa xoa vào ngực là dì hồi tỉnh, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hàng trăm lần dì bất tỉnh nhân sự như thế, cũng hàng trăm lần những người đàn ông trong làng phải thay nhau xoa nắn hà hơi tiếp sức sống cho dì. Bà tôi thở vắn than dài, thôi thì đành đoạn một đời con gái, còn chi đâu nữa mà giữ gìn, ý tứ. Người ta bảo dì lấy chồng mới lành bệnh được, nhưng ngần ấy đàn ông làng, quanh đi quẩn lại, ai không rõ chân tơ kẽ tóc rằng ngực trái dì tôi có nốt ruồi son đỏ, nằm ở chỗ nào, vậy thì ai còn thương xót mà lấy dì làm vợ. Lần lần, dì qua thì con gái lúc nào cũng không hay. Dì tôi vốn đẹp thế, nhưng cứ mòn mỏi chờ đợi cái hạnh phúc được làm vợ, chờ mà biết rằng càng ngày càng vắng bóng…

Quá ba mươi, đột nhiên dì khỏi bệnh. Đôi mắt đen huyền thích nhìn người ra đắm đuối trước đây giờ chỉ còn ẩn ức một nỗi buồn thẳm. Dì xin bà tôi cho ở riêng. Bà khóc lóc mắng chửi dì thậm tệ, nhưng cũng để cho dì đi, bởi chẳng lẽ cứ ăn ở chung với gia đình tôi mãi, mà bà tôi còn sống được bao lâu nữa mà buồn bạn cho số kiếp dì… Dì nhờ bà con dựng hộ một túp nhà bé xíu bên rìa cánh đồng Choi Đủng, nép dưới chân đồi Mụ Dạ. Bà tôi bảo ma đưa lối quỷ đưa đường dì, ai đời lại tìm một nơi xa làng xóm, chỉ có cú mèo với mồ mả mà ở, hay là lại thích rước trai về nhà… Tôi thì phát khóc bởi biết rằng sẽ chẳng còn ai vỗ về an ủi tôi mỗi khi bị bà hay mẹ tôi đánh, lằn đỏ mảng lưng và mông trần.

Thuở đó tôi ngày hai buổi lừa trâu đi chăn. Từ khi có dì ra ở đồi Mụ Dạ, tôi thích rủ lũ bạn lùa trâu đến đó thả. Đám mả chi chít mọc xen giữa bụi bờ lúp xúp nhanh chóng thành chiến địa của chúng tôi. Mỗi đứa chúng tôi chọn một ngôi mả, gọi nó là thành trì của mình, chúi đầu vào đó thụt bừa đất đá và đạn hạt trúng vào nhau, khoái trá làm một vùng tử địa ồn ả mịt mù bụi. Cứ cuối mỗi chiều, mệt mỏi, đứa nào đứa nấy lấm láp đất đai, dụi đầu xuống hổn hển la liệt lẫn với người chết, có đứa ngủ quên giật mình thức dậy, thấy mình ôm chặt lấy nắm cỏ cằn mà mơ được bay lên trời. Những lời dọa nạt của người lớn, ăn nhằm gì với đam mê đất đá tuổi chăn trâu. Mà chúng tôi gần gũi người chết quá rồi, giờ việc gì phải hãi ma sợ quỷ.  Mà nào đã đứa nào bị ma bắt. Ánh ma trơi buổi chập choạng trở về họa chăng cũng soi chút đường khỏi thụt khỏi vấp ngã…

Tôi nhớ mấy mùa đông liền rét mướt, mỗi đứa chúng tôi sùm sụp trong những manh áo tơi, co ro chụm vào nhau thổi nùi rơm rồi xì xụp lượm phân bò khô đốt sưởi. Đồi Mụ Dạ chi chít mồ mả lất phất bông may xơ xác ngả nghiêng khô tàn trong từng đợt gió heo may, bao nhiêu năm sau vẫn cứ hiện rõ mồn một trong ký ức tuổi thơ tôi, sao mà buồn lạnh nhức nhối. Nhưng rồi tôi chóng chán những trò chơi của lũ bạn. Tôi mò về nhà dì. Nhà dì tôi bao giờ cũng có cái để ăn, vả lại nó bao giờ cũng ấm sực và phảng phất một thứ mùi mới nghe thì khó chịu nhưng ngửi lâu đâm nghiện. Người dì tôi cũng thơm một thứ mùi đặc biệt mà lâu rồi, đến bây giờ tôi không gặp lại nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn cứ mường tượng ra. Khi no bụng tôi lim dim gối đầu lên đùi dì, để dì vạch chân tóc bắt chấy. Hồi đó tóc tôi loe hoe vài sợi khét nắng nhưng không hiểu sao chấy nhiều vô kể, đến nỗi dì bắt mãi bắt hoài cũng không thấy hết. Dì vừa bắt vừa lẩm bẩm nộ yêu tôi. Tôi thì sướng run lên vì được chăm chút thì ít mà được hít hà mùi thơm dìu dịu từ người dì tỏa ra thì nhiều. Khi tôi bắt đầu thiu thiu thì dì kể chuyện. Bao giờ dì cũng kể mỗi câu chuyện ấy, nhưng tôi nghe mãi suốt cả thời chăn trâu vẫn không biết chán. Dì tôi kể rằng:

Ngày xửa, ngày xưa cách đây mấy chục đời, trong làng- làng Thủy Quý của tôi bây giờ có một cô gái tên là Dạ, xinh đẹp nhất mực, được đàn ông mê như điếu đổ. Có điều hễ cô đi đến đâu là y như ong bướm bay theo hàng đàn, có chàng trai nào muốn theo, muốn gần cô cũng sợ, không vượt qua nổi vòng vây ong bướm. Sau mới biết nguyên nhân là do bởi từ người cô tỏa ra một thứ hương có sức hút lạ kỳ đối với chúng. Xinh đẹp, nết na nhưng mãi cô vẫn không lấy được chồng, mà đàn ông thì cứ mê cô, bỏ cả vợ con để thẫn thờ nhìn cô thấp thoáng giữa đàn ong bướm. Dân làng bảo nhau rằng cô là phù thủy. Người ta xua đuổi cô, chửi bới nhiếc móc cô. Cô khóc, cô cầu trời khấn phật cho lũ ong bướm đừng theo cô nhưng trời phật chẳng nghe. Cô bỏ ra ở một mình phía sau làng. Bấy giờ chỉ còn lại lũ ong bướm làm bạn với cô. Chúng đem hoa kết mật nuôi sống và điểm trang cho cô. Cuối cùng cô cũng lấy làm vui với cuộc sống như thế.

Một năm nọ trời làm hạn hán, lúa má chết khô cả, đồng nứt đất nẻ đai trắng mắt chờ mưa, người và súc vật đều chết đói, đến trâu bò cũng không có cỏ mà ăn. Liền mấy năm sau vẫn thế. Xóm làng trở nên tiêu điều, hoang vắng, người ủ rũ nhìn nhau mà chẳng biết làm gì hơn. Rất nhiều gia đình đã phải bỏ làng lưu tán. Bỗng có lời sấm truyền rằng làng phải làm lễ tế, phải hiến nạp một cô gái đồng trinh cho Ngọc Hoàng thì mới được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Làng họp mấy bận, nhưng chẳng ai chịu dâng con gái mình cho làng. Các cô gái ngấp nghé mười bốn mười lăm đã lo vật vạ với đàn ông, thì mang mo vào mặt còn hơn kề dao vào cổ lấy máu tế lễ. Cứ thế làng phải chịu cảnh hạn hán kéo dài. Sự sống cơ chừng sắp hủy diệt đến nơi. Các bô lão thở dài, biết làm sao khi mà trời không muốn người làng được sống trên đất tổ tiên của mình…

Riêng cô Dạ, đêm đêm cô bỏ nhà ra đi, một mình dật dờ giữa một rừng ong bướm. Mắt ong bướm soi tỏ gương mặt cô đầm đìa nước mắt rơi nhỏ khắp đường làng, mà sáng mai ra nó thành vàng người ta ký cóp nhặt nhạnh cất giấu đợi mai sau. Lòng cô quặn thắt. Cô thương dân làng, cô thương bao kiếp người sinh ra quại quằn mà chẳng biết cách nào sống cho ra con người.

Thế rồi một ngày đang nắng nhức mắt, trời đột  nổi giông sấm, chớp sáng nhì nhoàng, làm rạn nứt cả bầu trời xanh cao vời chói ngắt không đổi bấy lâu nay. Mây đen vần vũ, rồi từ những kẻ nứt trên bầu trời, ứa ra ngàn vạn giọt nước, nước nhỏ tong tong nước hối hả chảy xuống mặt đất. Đất lâu ngày khát cháy ngộp ngạp no nê nước. Người từ những mái nhà ủ dột lồm cồm bò dậy bung ra trời, hò hét đánh chiêng mõ, chắt ép nước mắt khóc mừng qua đại hạn, càng mừng hơn khi nhìn quanh, chẳng thấy nhà nào mất con gái.

Luôn mấy ngày dân làng reo mừng, cứ thấy vắng cô Dạ. Sau có kẻ tò mò đi tìm. Khi đến căn nhà cô nơi quả đồi sau làng, người nọ sững sờ thấy cô Dạ trần truồng nằm tênh hênh bên một bàn thờ còn đầy chân nhang và leo lét mấy ngọn bạch lạp cháy dở, cùng vô số xác bướm ong chết rũ. Giữa hai bầu vú căng tròn của cô máu ri rỉ chảy. Dấu vết cuộc hoan lạc còn mới nguyên. Nhìn kỹ thấy môi cô còn he hé một nụ cười mãn nguyện. Cả mảnh sân cô bằng mấy cái nong, đất vẫn khô nguyên như vĩnh viễn chưa bao giờ có cuộc may mưa thỏa thê đến thế.

Bấy giờ dân làng mới đắp cho cô một nấm mộ ở ngay chỗ cô đã dâng món tế cho Ngọc Hoàng. Từ đó hàng năm, trong đêm vào đúng ngày cô Dạ chết, trời lại nổi cuồng phong, cát bụi bay mù, đất đá tụ họp về đắp điếm thêm cho ngôi mộ cô Dạ. Lâu dần, sau mấy trăm năm, mộ cô Dạ thành đồi Mụ Dạ bây giờ.

Tôi nhìn theo tay dì chỉ, ngạc hiên thấy quả đồi to vổng dễ đến triệu người dang tay dang chân nằm xuống bên nhau vẫn cứ còn thừa chỗ.

Tôi băn khoăn: “Sao con chẳng bao giờ thấy cuồng phong?”. Dì tôi cười không trả lời mà nói tiếp: “Hễ năm nào trời không nổi giông là y như đó mất mùa”.

***

Tôi lớn lên giã làng ra tỉnh học, ít có dịp để trở về. Rồi cũng phai dần mùi thơm tho ngai ngái từ dì tôi tỏa ra đã ôm ấp lấy tôi suốt những ngày đông thuở ấu thơ. Năm  tôi từ trường tỉnh trở về lần đầu, dì đã đi lấy chồng. Túp nhà bên rìa Choi Đưng vẫn còn nhưng cửa đóng then cài, vườn tược cõi cằn, những gốc cây lâu ngày không chăm tưới. Tôi buồn bã nghĩ đến dì tôi ngần ấy năm trời vò võ canh giữ chốn bạt ngàn mồ mả và những câu chuyện hoang đường từ thuở xa xưa, sắp sửa già nua mới làm cuộc sang ngang muộn mằn. Nghe nói có một người chết vợ ở xã bên qua hỏi dì làm vợ. Cám cảnh ông ta gà trống nuôi con, dì tôi theo về mặc dầu dân làng cười chê. Dì qua bên ấy, sống khổ sở nuôi 5 đứa con chồng, chắt bóp làm lụng cho chúng nên người. Mẹ tôi trách dì tệ bạc. Từ ngày sang bên ấy, dì chẳng đáo về thăm bà con chòm xóm lấy một lần. Mẹ ca cẩm với tôi rằng, ứ thì bây giờ người ta vui thú với chồng con, hơi đâu nhớ người khác…

Tôi ngậm ngùi chẳng biết trách dì hay trách mẹ, vội vàng, tôi không qua thăm dì, lại lo trở lên tỉnh tiếp tục con đường công danh sự nghiệp đang rờ rợ trước mắt.

Vào đại học, tôi càng ít có dịp về làng. Phần vì bài vở, phần vì đường sá xa xôi, lầy lội. Viết thư về nhà, tôi đem chuyện dì ra hỏi, nhưng chẳng nghe mẹ tôi nói gì. Tôi nghĩ chắc đời dì thôi cũng đã yên một bề. Lâu lâu tôi lo thi cử, yêu đương lại quên bẵng mất. Ừ thì con người ta, mấy ai vội lo lắng cho người khác trước khi mà chưa lo xong cho riêng mình.

Cho đến khi đọc thư em gái, tôi mới vỡ lẽ đời dì khốn khó hơn tôi tưởng nhiều. Người vẫn gọi là chồng dì, thuở nào ngon ngọt, giờ mới biết là rượu chè, đánh đập dì luôn. Hai thằng con trai lớn, rắt ranh làm được tiền, cũng quay lại hách dịch, mạt sát, bắt bẻ gì đủ điều, y như dì tới đây chỉ là để ăn bám bố con chúng. Dì tôi nhẫn nhục chịu đựng, hơn nắn đất từng ngày ta dày xéo dưới chân, hay đâu nó nảy thóc ta ăn nảy hoa ta ngửi. Mẹ tôi mấy lần khuyên dì về, nhưng dì chỉ cười mà nói rằng, chừng nào những đứa trẻ kia lớn lên, có thể xoay ở kiếm ăn được dì hẵng về. Khuyên dì không nghe, mẹ tôi giận dỗi bảo là từ dì luôn. Mẹ tôi làm thật, mặc kệ dì, dì muốn thì cứ để dì mang vác lấy, hơi đâu làm phiền lây đến người khác.

Tôi cúi đầu buồn lặng, buồn cho số kiếp dì, nhưng nhiều khi cũng giận, thì ai bảo dì cứ thích khoác nợ vào thân…

Tôi làm xong luận án phó tiến sĩ, ốm một trận thập tử nhất sinh, phải nằm nhà thương mất hai tháng. Bao nhiêu tiền bạc, mẹ tôi đã dốc cho tôi ăn học, giờ cạn kiệt hơi đâu còn mà lo sự sống cho tôi. Nước mắt những cô người yêu chảy quanh, chỉ làm tôi dễ chìm hơn vào cõi mung lung tối mịt của kiếp người. Tôi đã kề bên ngưỡng cái chết. Sự sống mỏng manh những gắng gỏi lập danh lâu nay hóa hư vô phù phiếm, những mỏi mệt đua chen đường đời chốc thành vô nghĩa, chẳng có gì đứng được khi biết rằng một mai đẹp trời lặng lẽ trở về ngủ vùi trong đất đai, để thành đất đai người ta cày xới, cấy trồng. Tôi đã thở dài thanh thản mơ hồ nhìn lại một chặng đời đi qua. Thôi thì…

Nhưng em gái tôi từ quê lên mang theo mấy dòng thư ngoạch ngoạc của dì tôi cùng dăm chỉ vàng, tất cả vốn liếng dành dụm trong bấy nhiêu năm son trẻ không chồng con dì chẳng dám tiêu pha. Thư dì viết: “Dì suốt đời chưa làm được gì cho con, nay con đau ốm dì cũng không thể lên thăm. Dì khẩn cầu cho con mạnh khỏe để trở về với dì”.

Tim tôi mềm nát chợt giẫy mạnh. Tôi bán lấy chút mong manh còn lại và cố trồi lên. Lan tỏa đầy tâm tôi là mùi hương ngai ngái từng ủ suốt thời thơ ấu của tôi. Chập chờn đâu đây những ngày dí đầu trong đất nhắm mắt nghe cát bụi bay mù. Giữa khoảng mặt trời chói rực là ngôi mả lớn cõng trên lưng nhăm nhít ngôi mả nhỏ ký sinh- ngôi mả trời tặng cho người đàn bà tự nguyện dâng trinh tiết của mình cho sự sinh tồn vốn dĩ dễ bị rẻ rúng. Tôi trôi dần trong một dòng suối ngọt ngào mộng mị chập chờn phía chân trời không định kia, một đốm lửa nhỏ còn giữ sáng qua mùa đông chờ đợi tôi.

Tôi đã mạnh khỏe, nhưng mạnh khỏe để đi chứ vĩnh viễn không phải để trở về như dì tôi khẩn cầu. Tôi đi bằng đôi chân rắn chắc, bằng sức lực trai trẻ và bằng ý chí lập danh cháy bỏng nung nấu cả từng mỗi cuộc yêu đương. Tôi bỏ quên làng tôi ít cơm nhiều mả, bỏ quên mẹ tôi già nua, dì tôi khốn khó, chạy đuổi theo xô bồ đời sống tận cõi phồn hoa, nơi dẫu có sống lại trăm lần những người như mẹ tôi, dì tôi cũng chắc gì đặt chân đến. Miễn là thành đạt của tôi làm rạng danh quê hương, gia đình, dòng họ tôi. Từng ngàn muôn thế hệ số đông vẫn tự bóp nặn mình vắt sữa nuôi một hình hài sở dĩ cũng hanh hao để một ngày có thể bám víu lấy nó mà ngưỡng mộ sung sướng. Sự đánh đổi được nhìn bằng con mắt triết học dễ thường chưa bao giờ mới mẻ.

Lần nữa tôi về mang theo vợ con và danh tiếng. Cả làng cả xã cười chào tôi. Ông chủ tịch xã đến tận nhà bắt tay hỏi han và nghe nói chuyện tương lai loài người thế kỷ hai mốt. Trong cuộc vui hội ngộ, tôi có dỏng tai nghe tin tức dì nhưng chẳng nghe ai nói tới. Vả chăng dì tôi đã chết trong trí não mọi người? Tàn cuộc tôi đi tìm dì. Vẫn lối nhỏ gồ ghề lồi lõm lốt chân trâu của một thuở nào tôi cố tình lãng quên trong những ngày ngửa mặt hướng vợi trời cao. Túp nhà dì vẫn bé nhỏ thế, dầu đã thay đổi lứa cột kèo nếp lá mới. Dì đã về đây mấy năm nay, khi lũ con chồng đã đủ lông ác để bay đi. Tôi khẽ khàng bước vào. Dì tôi vẫn ngồi khâu vá không hay biết. Tôi nhận ra dì đang đâm xiên mũi kim vá víu rách nát nơi những manh áo cũ từ thời con gái dì tôi vẫn hay mặc những manh áo cho tôi gối đầu tuốt chấy và nghe dì kể về Mụ Dạ.

- Dì! Tôi gọi không thành lời.

Dì hơi ngửng đầu mà dường như không nhận ra tôi.

- Thằng Đức của dì đây!

- Con đấy ư? Dì hỏi mà không ngạc nhiên hay vồn vã, chỉ là một sự dửng dưng làm tôi quặn thắt. Một lúc dì nhỏ giọng: - Mắt dì mờ rồi, dì chẳng nhìn rõ mặt con. Hình như con cao lớn? Dì chắc con đẹp lắm?

Tôi sẽ chẳng biết nói gì. Se sẽ, tôi ngồi xuống và ôm lấy dì. Dì nhỏ thó gầy gò yếu đuối trong vòng tay tôi. Bấy nhiêu đời người xuân sắc bây giờ đây nhạt nhòa buồn héo. Tôi muốn khóc, nhưng nước mắt chạy trốn tôi. Từ lâu đời đã dạy tôi rằng tôi là đàn ông, tôi là kẻ mạnh, kẻ mạnh cần sự tàn nhẫn hơn là lòng từ bi ít ích lợi. Chỉ nghe một mùi hương ngai ngái xông đầy làm cay mắt. Tôi chợt nhớ câu chuyện thuở thiếu thời dì hằng kể tôi nghe. Sau này đi rất nhiều, đọc rất nhiều, tôi chẳng nghe một ai kể điều gì tương tự như thế hay đấy chỉ là câu chuyện riêng của mỗi dì… Tôi tự hỏi, không biết tại làm sao thuở đó dì lại kể tôi nghe câu chuyện ấy, hay dì muốn sẻ chia mối phấp phỏng linh cảm về một kiếp nhân sinh cho tôi, mà thuở bé, thậm chí cả khi lớn lên rồi, tôi vẫn chẳng đủ sức để hiểu…

Tôi ngỡ ngàng như thế bây giờ mới chợt phát hiện ra dì. Tôi nhìn quanh, chỉ sợ có đàn ong bướm nào đó theo hút mùi hương tỏa xa xưa của người đàn bà vò võ đang ngồi bên tôi đây, tìm đến…

11.4.1995

Trại viết Cửa Tùng

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 11 tháng 08/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground