Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ vật

 Cuối cùng rồi tôi cũng tìm về được nhà chị. Qua hơn nữa tháng trời, từ Quảng Trị đến Cần Thơ, hỏi thăm về huyện xã, lục tìm ở các danh sách liệt sĩ đã hy sinh trong giai đoạn chống Mỹ, bây giờ tôi mới thấy yên lòng khi đã tìm ra tung tích của chị, biết đích xác chị ở nơi này.

Lúc nãy gặp một thằng nhỏ ở ngoài đường cái, tôi hỏi, nó bảo với tôi rằng: "Kia chính là nhà cô Giang liệt sĩ". Nó lon ton chạy trước dẫn tôi vào tận ngõ rồi mới quay về. Đi một đoạn nó còn ngoảnh lại vẫy tay. Thằng bé đến là hay. Tôi đứng nhìn theo nó, cho đến lúc bóng nó khuất vào rừng tre mới thôi. Đứng trước ngõ, tôi chưa vào nhà vội, vừa để sửa lại phục trang, vừa để nghỉ ngơi một tí lấy sức kẻo đi đường dài quá mệt. Dưới bóng cây sầu riêng, tôi thấy khoan khoái, dễ chịu vô cùng. Mùi thơm của hoa trái trong vườn ngào ngạt, hòa quyện trong nắng vàng. Từ trong các vòm xanh cây lá, lũ chim cứ rần rật bay vào bay ra, chúng cất tiếng hót rộn ràng, có lúc nghe da diết làm sao. Tiếng hót của chim và mùi hương của hoa trái đầy ắp cả không gian. Tôi bước vào sân, ngước nhìn hoa cau rơi trắng. Cây rau đứng lặng mà hoa cứ rơi rơi...Tiếng rơi âm thầm, nhỏ giọt, nhỏ giọt...nhỏ xuống sân nhà, nhỏ xuống vai tôi, nhỏ xuống ngực tôi. Tôi đón lấy một bông hoa đậu trên vai áo mơ màng khẽ gọi: "Hoa ơi...".

Có tiếng rục rịch từ trong nhà vọng ra làm tôi giật mình quay lại. Một cô gái trẻ măng có khuôn mặt giống Giang như đúc, ló ra nhìn tôi:

- Chào anh, anh hỏi thăm ai?

- "Vâng...tôi hỏi thăm nhà của cô Giang liệt sĩ, chẳng biết có phải đây không?".

- "Dạ đúng...Đây chính là nhà chị Giang. Xin mời anh vào".

Tôi bước vào nhà, đặt các thứ hành lý xuống giường rồi đến bàn ngồi. Cô gái vừa rót nước mời tôi vừa hỏi:

- Xin lỗi...anh ở đâu về thăm gia đình?

- Tôi ở Quảng Trị cô ạ.

- Quảng Trị à? Thế anh ở huyện nào? Xã nào?

- Ở huyện Vĩnh Linh , xã T...

- Thế anh có biết anh Thành ở thôn Đông không?

- Vâng, tôi chính là Thành ở thôn Đông đây.

Cô bé tròn xoe mắt: “Trời đất! ...Thế ra anh là anh Thành con mẹ nuôi chị Giang đây?”. Tôi gật đầu. Cô bé trở nên cuống quýt: "Em...em...hồi nhỏ nghe chị Giang kể nhiều về anh và mẹ, thế mà bây giờ mới thấy. Giọng cô lại trở nên thân mật và trở nên tíu tít: “Làm sao anh tìm về đây được? Đi đường có vất vả lắm không anh? Mẹ thế nào? Chắc già đi nhiều lắm? thế nào em cũng phải ra thăm mẹ, chị Giang dặn mà...".

Chẳng đợi tôi trả lời, cô nói tiếp: "Thôi anh ngồi chơi để em đi gọi ba về". Cô bé tung mình ra ngõ, mái tóc vờn bay trong nắng vàng.

Tôi ngồi lại một mình, lướt mắt nhìn quanh ngôi nhà một lượt. Ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn mà mọi vật xinh xắn gọn gàng. Ở gian giữa đặt bàn thờ. Trên tường cô treo một tấm bằng "Tồ Quốc ghi công", phía góc dưới tấm bằng là ảnh của một cô gái trẻ. Vừa mới liếc mắt qua tôi đã nhận ra chị. Vẫn khuôn mặt duyên dáng nét huyền, vẫn cái trán nhô cao bướng bỉnh và đôi mắt như nắng rọi vào tôi. Tôi thảng thốt gọi thầm: "Chị.:.Chị đây rồi Giang ơi...".

***

Cách đây hai mươi năm về trước, lúc bấy giờ cuộc chiến tranh chống Mỹ ở vào giai đoạn quyết liệt. Làng tôi, một làng quê trên đất Vĩnh Linh không bao giờ vắng bóng bộ đội. Bộ đội từ Bắc vào. Bộ đội từ Nam ra. Làng trở thành quê chung của người tứ xứ. Nhà cũng trở thành nhà chung của quân và dân. Mẹ cũng trở thành mẹ chung, con cũng trở thành con chung. Chị về nhà tôi cũng trong cái nghĩa chung như thế.

Đêm ấy mưa rơi tầm tả. Các chiến hào và dãy hầm bằng sụt lở hết, nhà chỉ còn lại một chiếc hầm chữ A. Ngồi trong hầm nhìn ra ngoài trời thấy mưa giăng đầy. Mưa có lúc rề rà lê mê, có lúc réo ầm ầm như một cuộc đổ bộ. Bầu trời như dốc hết nước xuống mặt đất. Thỉnh thoảng có tiếng động cơ máy bay Mỹ âm ỉ quần trong cơn mưa rồi đột ngột dội xuống một tràng bom tọa độ. Tiếng bom rất chát, làm cả lòng đất rung lên . Nước òa xuống nóc hầm. Mẹ con tôi phải lấy áo mưa, giẻ rách nhét vào các chỗ thủng của hầm để khỏi ướt. Bỗng từ ngoài vọng vào một tiếng gọi to: "Mẹ ơi cho con vào với". Rồi một cô gái đầu đội mũ tai bèo, vai mang ba lô cóc, quần xắn cao quá gối, lội bì bõm dọc giao thông hào đi vào.

- "Vào đây con" - Mẹ với tay đón chị từ cơn mưa. Nhìn thấy người chị bị ướt sũng, mẹ thốt lên:

- Áo mưa đâu không mặc, để ướt hết rứa con?

- Áo mưa dùng để gói tài liệu mẹ ạ.

Mẹ đỡ ba lô cho chị xong ghé vào tai chị nói với giọng hóm hỉnh: "Thôi lên đây tao nhờ". Chị theo mẹ chạy lên nhà trên, lát sau thấy chị xuống với bộ đồ của mẹ rộng thùng thình. Chị bẽn lẽn ngồi im bên góc giường. Mẹ hiểu ý nói: "Trong nhà chẳng có ai cả, thằng Thành cũng là em út thôi mà. Mẹ lại chạy lên nhà trên. Tôi biết mẹ đi dọn cơm cho chị ăn. Hai mẹ con chúng tôi cũng chưa cơm nước gì. Vì cả ngày hôm nay bom đạn dữ quá, không nấu được cơm. Khi chiều có lặng đi một lúc, mẹ tranh thủ bắc được nồi cơm, bây giờ có chị vào cùng ăn luôn thể. Hai chúng tôi ngồi với nhau không nói câu gì. Mẹ bưng mâm đặt xuống bàn vẫy tay bảo:

- Ta ăn cơm đi các con.

- Dạ vâng - Chị đứng dậy ngồi vào mâm chẳng hề có một lời khách sáo. Chị ngồi đối diện với tôi. Nhưng ánh sáng cây đèn phòng không bị chụp xuống, không sao nhìn rõ mặt chị. Tôi chỉ thấy hồng lên một khuôn mặt và ánh mắt lung linh. Tôi đoán chắc là chị đẹp lắm. Chị chủ động xới cơm ra từng chén, so đũa cho từng người, bưng một bát cơm trao cho mẹ, giọng kính cẩn:

- Con mời mẹ xơi cơm - Chị lại gật đầu sang tôi - Mời...ăn cơm.

Chắc là chị thấy tôi đã lớn, chưa rõ bao nhiêu tuổi chưa biết gọi là gì cho hợp lý, buộc phải nói trỏng. Lúc bấy giờ tôi mới mười lăm. Con trai tuổi mười lăm như tôi mà đã lớn tưởng như mười tám không bằng. Ngực nở như ngực chim ưng. Chân tay săn quắn. Ngồi trước chị tôi chẳng biết dấu đôi bắp đùi vào đâu, cố khoanh lại cho thật gọn, nhưng da thịt cứ lồ lộ ra.. Lúc chiều chạy mưa quần áo ướt hết, tôi phải mặc quần cộc mà. Ngượng quá tôi vùi đầu và cơm, mong sao cho chóng qua bữa. Còn chị, ngồi bắt chuyện với mẹ, thỉnh thoảng có đá sang tôi một vài câu. Qua đối thoại giữa hai người, tôi biết chị mới mười bảy tuổi. Cũng chỉ hơn tôi hai tuổi thôi mà sao trông chị vẻ người lớn hơn nhiều. Con gái làng tôi, có đứa cũng mười bảy mà áo quần ngắn cũn cà cũn cỡn, nói chuyện với con trai tênh hênh bộ ngực núng nính, chẳng biết giữ ý giữ tứ là gì. Đằng này, chị kín đáo tế nhị lắm. Sau này tôi mới biết chị khôn ngoan sớm là vì chị mồ côi mẹ lúc sáu tuổi, đến năm lên mười đã bỏ nhà theo quân giải phóng. Cuộc sống quân đội đã rèn luyện chị sớm trưởng thành.

Đang nói chuyện với mẹ, bỗng giọng chị tắc lại, ngắt quảng. Chị bỏ đũa xuống, tay ôm lấy mặt choáng váng.

- Con sao thế - Mẹ hỏi

- Chẳng sao đâu mẹ ạ!

- Sao nom con có vẻ phờ phạc thế kia?

Chắc biết mình không thể dấu nỗi mẹ nên chị trả lời: "Con sắp lên cơn sốt rồi mẹ ạ. Xin lỗi mẹ… con…”. Mẹ bảo tôi thu dọn vội bát đũa, đỡ chị xuống giường lấy cao xoa cho chị. Chị nằm trong chăn run cầm cập. Cơn sốt mỗi lúc mỗi lên cao. Mẹ vơ hết chăn trùm lên cho chị mà chị vẫn cứ rét. Mẹ lo lắng trút một hơi thở dài.

- Con không sao đâu mẹ ạ. - giọng chị lập bập trong chăn.

- Hình như con bị sốt rét phải không?

- Dạ vâng.

- Thật khổ cho con.

Mẹ đặt tay lên người chị. Ngoài trời mưa lại òa xuống. Cảnh không gian u huyền. Hồi lâu nghe chị lại kêu: “Mẹ ơi con nóng quá" rồi tung hết chăn ra. Mẹ lấy nước cho chị uống. Một ca nước đầy nhưng chị chỉ uống một hơi là hết, xong lại nằm vật xuống giường mồ hôi vã ra như tắm. Mẹ đặt tay lên trán chị vuốt những sợi tóc mái đang bết mồ hôi. Tiếng chị thì thầm: "Mẹ cứ để mặc con, mẹ đi nghỉ kẻo mệt".

Mẹ không trả lời, ngồi phe phẩy quạt cho chị. Bóng mẹ chìm vào đêm lát sau nghe tiếng chị thở đều đều, có lẽ chị đã ngủ yên. Còn tôi, ngồi treo chân lên nóc hầm, mỏi đến tê người và giấc ngủ đến với tôi lúc nào cũng không biết nữa.

Sáng mai thấy chị dậy sớm, ra cửa hầm đứng chải tóc. Bấy giờ tôi mới thấy rõ mặt chị, một khuôn mặt trẻ măng thanh tú và ánh mắt lung linh diệu vợi. Có điều da chị hơi xanh. Cơn sốt Trường Sơn đã lấy đi ở chị cái màu mỡ của người con gái. Tôi thấy thương thương trong lòng.

Chị quay vào dọn dẹp các thứ, cảm ơn mẹ và chào mẹ ra đi. Mẹ nắm tay chị bắt ở lại ăn cơm sáng, mà chị cứ từ chối xin đi cho bằng được.

Tôi đứng nhìn theo bóng chị - người con gái với chiếc mũ tai bèo đang khuất dần về phương mặt trời...

Từ đó mỗi lần đi công tác chị lại ghé qua nhà tôi. Mỗi lần về chị mua cho mẹ mấy quả cau và mấy lá trầu, có lúc vài ba kẹp giấy, để quấn thuốc hút. Chả là quê tôi có phong tục phụ nữ cũng hút thuốc nên được chị cho giấy là mẹ mừng lắm. Mẹ nói với chị: “Lần sau đừng thế nữa, lương lá con chẳng được là bao”. Nhưng chị không nghe cứ mua về. Mẹ đem khoe với bà con xóm giềng. Gặp ai mẹ cũng bảo: "Nom con nuôi tôi nó lo cho tôi đây này". Bà con ai cũng tỏ lòng khen chị. Ở nhà mẹ cũng chuẩn bị con gà, loong nếp, chờ chị ra là thịt liền. Có khi chị ra mà mẹ con tôi đi vắng, là chị tự vào buồng xúc gạo thổi cơm. Mẹ về trông thấy, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Đêm ấy hai mẹ con trò chuyện với nhau suốt sáng. Riêng tôi từ ngày biết tôi kém hai tuổi, chị không còn gọi trỏng nữa mà gọi bằng cậu Thành. Thực tình tôi không muốn chị dùng chữ cậu, mà chỉ gọi bằng Thành thôi. Con gái hơn con trai có hai tuổi thì có nhằm nhò gì. Tôi không bắt chị gọi bằng anh là may. Đằng này chị cứ cậu cậu, làm như tôi nhỏ lắm không bằng. Đã thế lại còn mua cho tôi ngòi bút Trường Sơn, bảo rằng: “cậu phải gắng học cho thật giỏi”. Giọng toàn là bề trên, tức không chịu được.

Một hôm tôi lại nghe mẹ thủ thỉ cùng chị trong hầm: “Biết con chưa có gia đình, nhưng mẹ chẳng biết làm sao được, tiếc lắm...mẹ không có con trai lớn ngang hàng...thằng Thành thì đang còn nhỏ...Thật ông trời chẳng biết thương mẹ".

- Con có mẹ là được rồi!- nghe chị đấm vào lưng mẹ mà cười rúc rích. Lắng đi một chút rồi nghe mẹ lại hỏi: "Tóc con sao rụng hết thế này?” - “Vì do sốt rét đấy mẹ ạ”. Tiếng chị trả lời. Còn mẹ lại trầm trồ: "Gắng mà giữ gìn không có rụng hết, sau này chồng nó chê thì khổ lắm con ạ".

- Ôi! Con chẳng lấy chồng đâu. Giải phóng xong con về ở với mẹ thôi. Ba con đã đi lấy vợ rồi, ở nhà một mình buồn lắm. Con sẽ xin ba con ra đây cùng mẹ, mẹ có bằng lòng không?".

- "Cha mày, mẹ chẳng cầu mong như thế là gì. Tôi nghe chị lặng thinh không nói gì nữa. Mẹ cũng thế, cả hai người lặng đi theo chiều sâu hun hút của đêm. Hai tháng sau thấy mẹ xuống hết mái tóc. Người ta hỏi mẹ: "Sao chưa già mà đã cắt trụi tóc sớm thế?" Mẹ chỉ cười. Tôi cố dò xem, thấy mẹ kết tóc thành một  lõn, đem cất dấu kỹ trong rương. Tôi đoán được ý mẹ thế nào rồi. . .

Có lần ngồi ăn cơm, khi nhắc đến chị Giang, mẹ nhìn tôi cười túm tỉm. Tôi hỏi mẹ cười gì, mẹ không trả lời thẳng mà nói rằng: "Lớn rồi đấy...Nay mai mẹ kiếm cho một cô vợ thật đẹp người đẹp nết". Tôi hỏi mẹ: "Mẹ định ghép đôi con với ai vậy? Mẹ cười hóm hỉnh: “Với ai thì con đã biết rồi, nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một. Có điều con phải gắng học cho thật giỏi để xứng đáng với nó. Nay mai dầu nó có thế nào thì cấm con không được chê".

Tôi xì mẹ một cái, bỏ đi, không ăn cơm nữa. Xì mẹ thì xì nhưng trong bụng sung sướng vô cùng. Tôi muốn mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó nhiều lần, thậm chí cứ nói thẳng ra tên chị. Cái tuổi mười lăm của con trai chúng tôi thời bấy giờ là thế. Khi nói đến tình yêu thì hờn dỗi, nhưng trái tim muốn ôm hết cả những điều mà mồm mình đang từ chối. Thực ra, tôi đã yêu chị hay chưa? Cái đó tôi không thể nào lý giải được. Có lẽ cũng chỉ có một giọt nước nhỏ nhoi nào đó của biển tình rơi vào trái tim tôi để cồn cào lên ngọn sóng...

Rồi một ngày kia, khi mẹ sang ngoại thì chị lại về. Chị về vào lúc nửa đêm. Nghe nói mẹ đã sang ngoại, chị bảo phải đi tìm về cho bằng được. Vì lâu nay chị đi công tác rất xa, lại lâu ngày.

Nhà ngoại ở cách xa đến năm cây số, lại cách sông trở đò, phải qua một chiếc cầu mà ở đó hay bị bom tọa độ. Khi chúng tôi đến bờ sông thì chiếc cầu đã bị bom Mỹ đánh sập. Nước sông xiết quá không bơi qua được, đành phải trở về. Căn hầm chữ A đêm ấy chỉ có hai người. Chúng tôi ngồi tựa lưng vào mé hầm, đối diện nhau mà nói chuyện. Chị kể cho tôi nghe cái chuyện đêm đầu tiên ấy, bấy giờ tôi mới hiểu rõ công việc của chị là luôn luôn đảm nhiệm những giấy tờ công văn, đi công tác lẻ một mình. Sắp đến chị lại vào Nam, nhận một nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ ấy vô cùng trọng đại, thiêng liêng mà có thể phải hy sinh, không trở về. Tôi nghe chị nói mà lòng cảm thấy xốn xang, cổ họng nghẹn ngào muốn nói với chị một lời mà không nói được. Ngoài kia, bom Mỹ nổ rền. Tiếng bom nổ rất gần mà chúng tôi tưởng không nghe thấy, chỉ nghe trái tim mình rung lên từng nhịp đập. Đêm nay còn một đêm nữa thôi là ngày mai chị phải đi xa. Đêm nay lòng đất quê hương ôm ấp chị, ôm ấp hai đứa con để lát nữa từ giã lên đường. Đêm nay, tiếng bom, dồn dập tiếng bom, nhưng lòng đất vẫn ấm, người sưởi cho đất, đất sưởi cho người, hai trái tim sưởi cho nhau mà chúng đâu có biết...

Chị ngồi đó, tóc thả xuống một bên vai, mắt lim dim, thỉnh thoảng hé mắt nhìn tôi: “Cậu đi nghỉ đi".

- Không. Chị nằm xuống kẻo mệt, ngày mai còn đi đường, để Thành ngồi thế này cũng được.

- Không phải ngồi đâu, có võng đây, để tôi mắc cho. Chị lục ba lô lấy ra một chiếc võng dù, móc vào nóc hầm cho tôi và bảo: "Cậu lên võng mà ngủ”.

- Dạ vâng.

Tôi như đứa trẻ ngoan ngoan lên võng nằm im. Còn chị vẫn ngồi tựa lưng vào mé hầm, chân duỗi thẳng, một tay đặt lên đầu võng, một tay áp vào đùi, mắt khép hờ. Chiếc võng đưa trong yên lặng...Yên lặng võng đưa...Tôi giả vờ ngáy cho thật to để chị yên tâm đi ngủ. Nửa giờ sau, chắc là chị đoán là tôi đã ngủ rồi nên mới thẹ thàng cởi áo ngoài ra và lén nằm xuống giường. Chị cố nằm chếch sang một bên để khỏi chạm vào tôi vì võng và giường chỉ cách nhau gang tấc. Thực tình nằm trên võng cho nó dễ coi, chứ võng và giường thì có khác gì nhau. Chị nằm hướng mặt ra của hầm. Ngoài kia trăng sáng quá. Ánh trăng chảy vào cửa hầm tắm lên da thịt chị một màu vàng óng ả nom ngọt mắt. Ánh trăng đậu lên trán, lên má, lên môi, lượn thành đường cong theo người chị và trăn trở theo chị mỗi khi chị cựa mình.

Tôi lại giả vờ ú ớ vài tiếng rồi buông rơi một cánh tay xuống vai chị. Một cảm giác mát ngọt từ thịt da người con gái thấm vào bàn tay rân lên khắp cơ thể. Hai chúng tôi cứ để yên như thế. Hồi lâu, tôi nghe thấy vai chị rung lên, rồi chị cầm lấy tay tôi ấp vào má mình mà khóc. Tôi lén ra khỏi võng, sà xuống cùng chị, khẻ hỏi: “chị...chị sao thế?". Giang mở mắt nhìn tôi đau đáu: "Ngày mai Giang đi rồi, Thành ở nhà giúp mẹ nghe Thành".

Giọng chị nghẹn lại, nước mắt tuôn trào như thuỷ ngân. Tôi gật đầu với chị, vụng về đặt tay lên trán chị vuốt những sợi tóc mai đang dính bết vào má vào môi. Người tôi cúi dần, cúi dần xuống...Chị vẫn lặng yên mở to mắt nhìn lên. Nhưng khi môi tôi sắp chạm vào cánh môi chị thì chị lắc đầu "Không được! Thành...không được" ! ...

Một vẻ nghiêm nghị ánh lên trên đôi mắt chị, buộc tôi phải dừng lại. Lúc đó không hiểu sao nghe chị khóc to hơn. Rồi, bỗng nhiên chỉ vít đầu tôi xuống hôn cho tôi một cái vào má. Nụ hôn thoảng nhẹ như một cái lông hồng nhảy vào làn da. Và chị áp chặt má tôi vào má chị để như thế mà khóc...

Lúc ấy mặt trời đã lên! Lúc ấy tiếng bom dội xuống! Và lúc ấy đến giờ chị phải ra đi.

***

Hai mươi năm rồi chị không về nữa. Và người mẹ thân yêu của tôi cũng đã vĩnh biệt cõi đời. Kể từ ngày ở bên ngoại trở về, biết chị ra đi mẹ buồn nhớ lắm. Mẹ thường đem lõn tóc ra ngồi chải. Mái tóc mẹ dần dần điểm bạc. Phần trắng mẹ không lo mà chi lo phần xanh. Phần xanh, xanh mãi, phần trắng trắng dần. Chải rồi cất. Cất rồi chải. Mẹ chải cho đến lúc bóng xế trăng tà, chải cho đến lúc đầu tóc mẹ bạc trắng mà chị vẫn không về... Cho đến ngày mẹ mất, trước giờ phút hấp hối, mẹ còn đạn tôi phải đi tìm chị, trao cái lọn tóc cho chị.

Bây giờ thì tôi đã đến đây. Lọn tóc không biết trao cho ai, vì chị đã hy sinh rồi. Tôi đứng cúi đầu trước bàn thờ khấn thầm cùng chị, để chị hiểu cho lòng mẹ đợi chờ những tháng năm...

Cô bé đã về ngoài kia, cất giọng sởi lởi: "Anh ạ, ba đi đâu tìm mãi chẳng thấy, anh cứ ở lại chơi đợi ba về". Cô lại rót nước mời tôi và kể cho tôi nghe chuyện chị Giang đã từng kể nhiều về mẹ. Cô chạy vào buồng lấy ra một bức thư và một cái xáy trầu đưa cho tôi, bảo rằng: "Đây là thư và quà của chị Giang chuẩn bị cho mẹ nuôi trước giờ đi cảm tử. Chị chưa kịp gửi đã phải lên đường. Sau lúc hy sinh đơn vị đã gửi về đây cho chị. Đọc bức thư mà nước mắt tôi hai hàng lã chả. Tôi lục túi lấy lọn tóc ra trao cho cô bé và nói rõ tự tình đầu đuôi cho cô bé nghe.

Hai người đang sống được đón nhận trên tay hai vật kỷ niệm của người đã khuất. Vật kỷ niệm còn đây mà mẹ và chị không còn. Cô bé bỗng khóc òa lên và gục vào vai tôi. Ngoài kia vang lên những tiếng chim lảnh lót.

C.H.

Cao Hạnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 25 tháng 10/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground