T |
ôi có ông bạn họa sí tính nết đến buồn cười. Lão hay khóc. Hễ gặp bạn bè nói chuyện, câu nào đó gây xúc động là lão khóc ngay liền. Buồn quá lão khóc. Vui quá lão cũng khóc. Lão khóc với cả những điều mà không thể ai khóc được. Ví như chuyện gặp một em bé bán kem ngoài đường. Chuyện thấy một cô gái ngoài công viên vô tình làm nát một bông hoa hoặc biết tin Nhà hát xây không đúng kiểu cách... Những chuyện như vậy trong cuộc sống hàng ngày nhan nhản ra chẳng có gì gây xúc động ghê gớm cả thế mà lão cũng khóc được. Mà khóc thật, khóc như mưa lũ.
Trong các cuộc liên hoan chiêu đãi, người ta rất sợ lão, chẳng phải sợ gì cả, cũng chỉ sợ lão khóc. Một số bạn bè trông thấy lão là muốn lẫn tránh. Vì lão khóc dữ quá làm người ta ăn uống mất ngon. Họ thường bảo nhau: “Lão ấy kìa, tránh đi, không có lão khóc thì mệt lắm”. Nhưng rồi ngồi ở đâu lão cũng tìm đến. Lão cầm ly bia đi hết mọi mâm. Đến mâm này lão lên tiếng: “Các bạn ơi… quê hương mình nghèo lắm”- khóc. Sang mâm kia: “Trông các bạn già hết cả rồi thương lắm”- khóc. Tới mâm nọ: “Cuộc đời đáng yêu lắm chúng mày ơi!”- khóc.
Đến trưa tan tiệc mọi người về, lão cũng về. Mọi người bụng no lặc lè. Còn lão bụng thóp rọp như con mèo đói, bước đi ngất ngưỡng.
Hôm lão đi công tác, lúc tàu chuẩn bị rời sân ga, một thằng nhỏ khoảng chừng mười tuổi, bận bộ áo quần lòng thòng, mắt mũi nhọ nhem, vừa bước lên tàu đã cất tiếng:
- Kính thưa các ông các bà, các cô, các bác, các cậu, các dì. Bố mẹ cháu vừa mới qua đời, cháu là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Xin mọi người đi đường hãy rủ lòng thương cho cháu xin bát cháo. Nó nói như đọc. Những đôi mắt liếc nhìn nó một cách dửng dưng rồi quay đi chỗ khác. Sự thay đổi của nó làm thay đổi hẳn mọi sinh hoạt trên toa. Các cô cậu thanh niên đang nói cười vui vẻ thì lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Ông giám đốc từ nãy to mồm khoét lác thì bây giờ im bặt ngồi cóm róm giở báo ra đọc, thỉnh thoảng đôi mắt cứ rướn lên trên bục kính nhìn nó. Các bà đi buôn chuẩn bị soạn xôi, bánh ra ăn thì lại vội thu vào.
Thằng nhỏ chìa tay kèo nài: Cô ơi… cô cho cháu một đồng đi cô. Chú ơi… thương cháu với chú”. Tiếng van lơn tội nghiệp của thằng bé không có tí mảy may lọt vào lòng những con người. Họ không cho nó cũng có thể là tính hẹp hòi ích kỷ, cũng có thể là người ta đã nhàm chán với kiểu ăn xin như thế này. Vì ở đời có kẻ ăn xin lại giàu hơn người lao động. Cái trớ trêu của cuộc sống đã làm mất đi tính nhân văn trong mỗi con người, để lại trong tâm hồn họ những vết chai sạn. Tệ hơn nữa, có người còn xua đuổi nó.
- “Ồn quá! Cút đi! Không có của đâu mà cho”.
Thằng nhỏ vẫn như không nghe thấy. Hình như đôi tai nó vẫn từng quen nghe với những điều nhục mạ thế này. Nó vẫn kiên nhẫn đi đến từng người một:
- Ông ơi tội nghiệp cháu lắm mà ông. Bà ơi thương cháu với bà.
Thỉnh thoảng có mấy bà nhà quê đi bán khoai sắn, dúi vào tay nó mấy đồng bạc lẻ. Nó chắp tay vái cảm ơn. Điều đó làm lão họa sĩ thêm nhiều nghĩ ngợi. Thì ra khi nhân loại càng văn minh lên bao nhiêu thì tâm hồn con người càng phức tạp, độc ác bấy nhiêu, khác với hoàn cảnh nông nghiệp con người sống đơn sơ mộc mạc mà giàu lòng từ thiện. Nghĩ vậy nước mắt lão lại đầm đìa lai láng. Thằng nhỏ kiếm được mấy đồng rồi định bỏ đi, làm lão cứ thấp thỏm. Từ nãy đến giờ lão ngồi chờ đến lượt mình. Lão đã móc ví ra cầm sẵn ở tay mà nó không đến. Lão đã thấy mấy lần nó quất mắt sang lão cơ mà. Người đang chờ cho thì không đến, kẻ trốn tránh thì lại cầu xin, khờ thật. Hay nó biết lão là nghệ sĩ nghèo? Nghệ sĩ là người biết cho cuộc đời, mà còn cho không nữa đấy. Mà tao cũng chẳng nghèo đâu? Tao có tiền nhuận bút. Tiền lương và tiền nhuận bút của tao cộng lại đố thằng nào bằng? Chẳng qua tao nghèo là tao không xảo trá, không ăn cắp, tao sống sòng phẳng với cuộc đời này. Tao uống rượu cũng nhiều mà làm từ thiện cũng không ít. Mày hiểu chưa? Thằng nhỏ?
Lão nhìn thấy thằng nhỏ quay lại, chẳng chờ nó đến gần, lão đưa tay vẫy.
- Thằng nhỏ đến đây bác bảo - Thằng nhỏ chạy đến: “Bác bảo cháu gì ạ?”
- Cho cháu mấy nghìn.
- Cám ơn bác
Thằng nhỏ chộp lấy và xòe tiền ra đếm ngay trước mặt lão. Nó sung sướng khi biết số tiền lão cho đến hai mươi ngàn đồng. Hình như trong nghề ăn xin chẳng mấy khi nó vớ phải những người hảo tâm như vậy. Nó lại cảm ơn lia lịa và bắt chuyện làm quen với lão:
- Bác làm nghề gì mà xịn thế?
- Chẳng xịn đâu, bác chỉ thương cháu thôi.
- Thế bác đi đâu về ạ?
- Bác đi nhận tiền giải thưởng ở Trung ương về. Lão liền mở túi lấy cho thằng nhỏ xem bức tranh được giải trong cuộc thi vừa rồi. Bức tranh vẽ một em nhỏ, lưng cõng em, tay xách bị đang đứng trước cổng trường nhìn vào lớp học, ở dưới đề hai chữ “Khát khao”.
Thằng nhỏ tấm tắc khen:
- Bác vẽ tài quá.
Lão họa sĩ cười, lấy tiếp vài bức nữa cho thằng nhỏ xem. Nó vẫn chưa vừa lòng đòi lục túi lấy các bức tranh xem tiếp. Thôi thì chiều nó, lão lấy cả tệp tranh bày cả lên bàn. Thằng nhỏ lật từng bức ngắm nghía. Bức thì lão vẽ bằng bột màu. Hình ảnh một em bé đánh giày nằm co ro ngủ trên hè phố. Những hạt mưa, những ngọn gió đang dội xuống người em. Nhưng em vẫn đang mơ thấy mẹ. Mẹ được tượng trưng bằng hình ảnh mặt trời mà lão đã phóng bút để cho những nét màu linh hoạt, uyển chuyển, làm cho mặt trời kia không còn là một khối lửa mà lung linh bởi một màu hồng. Mẹ đang cúi xuống nhìn em nhưng bị che khuất bởi đám mây. Bức thì lão vẽ bằng sơn dầu. Những nét vẽ gầy guộc mô tả những em bé trong trại trẻ mồ côi. Lại có bức lão đi vào trường phái trừu tượng vẽ những mầm xanh mọc thẳng vút trên những tảng đá đen.
Thằng bé xem lướt qua những bức tranh rồi nói với lão:
- Xem tranh bác mà cháu nhớ bố cháu quá.
- Vì sao?
- Vì bố cháu cũng làm nghề họa sĩ.
- Bố cháu cũng họa sĩ à? Bố cháu là ai? Tên gì? Ở đâu?
- Nói ra bác không biết đâu. Vì bố cháu là họa sĩ xóm thôi.
- Họa sĩ xóm cũng là họa sĩ. Văn nghệ không phân biệt vị trí. Ồ… thế ra cháu là con một người đồng nghiệp?- Hai cánh mũi lão bắt đầu phập phồng. Lão hỏi tiếp:
- Bố cháu qua đời đã lâu chưa?
- Dạ bố cháu vừa mất được ba tháng thì mẹ cháu lại ra đi nốt.
- Mẹ cháu lại ra đi… - Nước mắt lão nhỏ giọt xuống lưng thằng nhỏ.
Lão lại hỏi:
- Anh em cháu còn những ai?
- Dạ.. ba mẹ cháu ra đi để lại cho cháu ba đứa em nhỏ, đứa lớn nhất tám tuổi, đứa bé nhất ba tháng, khổ cháu lắm bác ơi.
Đến đây thì lão họa sĩ không kìm được, lão ôm chặt thằng nhỏ vào lòng mà khóc rưng rức.
Hành khách trên tàu trông thấy cũng cảm động lây. Các bà nhà quê sụt sùi khóc.
Lão họa sĩ xoa đầu thằng nhỏ:
- Thôi cháu ngồi xuống đây với bác, cháu đừng đi đâu nữa. Bác sẽ cho cháu toàn bộ số tiền trong đêm nay.
Nói xong lão mở ví ra đưa cho thằng nhỏ 100.000 đồng. Thằng nhỏ mừng quýnh. Nó ngồi xuống cạnh lão. Trời đã về khuya. Sương xuống lạnh, con tàu vun vút lao đi trong sương gió. Tiếng động cơ xình xịch và hơi lạnh của gió sương làm cho người ta có cảm giác tê tê buồn buồn. Mọi người ngủ gà ngủ gật. Thằng nhỏ cũng ngủ, nó ngẩn đầu vào vai lão họa sĩ mà ngáy khò khò. Lão họa sĩ ngồi suy nghĩ miên man, rồi lão chợp mắt lúc nào không biết. Đến lúc nghe tiếng đài phát thanh viên báo tin đoàn tàu đã đến sân ga làm lão giật mình choàng tỉnh dậy. Lão đưa mắt nhìn quanh không thấy thằng nhỏ đâu nữa. Lão cúi xuống để chụp cái túi xách thì cái túi xách cũng biến đâu mất, lại đưa tay sờ túi thì ví cũng mất nốt. Mặt mày lão trở bên tái mét, chân tay lão cuống cuồng, lão tìm hỏi thằng nhỏ mà lưỡi cứ ríu lại. Người ta nói rằng lúc nãy thấy thằng nhỏ xách cái túi đi về phía đầu kia. Không kịp hỏi gì thêm, lão lao đi từ đầu đoàn tàu đến cuối đoàn tàu vẫn không thấy nó đâu cả. Lão tụt xuống tàu đứng nhìn bốn phía chơi vơi. Mặt mũi lão bơ phờ nom thảm hại. Lão bắt đầu cất lên tiếng khóc - tiếng khóc hu hu vang lên, như cơn mưa giữa trưa hè uất khí. Một hành khách cùng ngồi tàu bước xuống, vỗ vào vai lão giọng giễu cợt:
- Nghệ sĩ ơi.., ông đã móc trái tim mình biếu cho thằng ăn cắp rồi đấy.
Lão càng thêm uất ức, đứng chôn chân giữa sân ga mà khóc ròng khóc rã.
Từ đó về sau người ta thấy lão có phần giảm khóc. Có điều đáng chú ý hơn là từ một họa sĩ chuyên vẽ về đề tài nhân đạo lão đã chuyển sang vẽ tranh đả kích.
C.H