Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi dòng sông chảy ngược

 Tôi ngồi yên ngắm dòng sông trước mặt. Nước đêm loang loáng tựa nỗi buồn được đánh bóng. Trong nhà, ánh đèn dầu le lói. Đứa bé đã ngủ yên. Đêm vắng quá, sâu mênh mang cơ hồ từ lâu đã ngun ngút sâu đến thế. Bâng quơ vài tiếng chim từ qui vẳng về da diết. Làng mạc tĩnh mịch làm tôi thoáng nghĩ đến chốn ốc đảo không người. Nơi này có lẽ dễ dàng cho những bí mật cần cất dấu bởi sự quạnh hiu đến ghê người. Làng lèo tèo vài chục nóc nhà, sáng vác cuốc ra đồng, chiều về bị bủa vây bằng khói sương lãng đãng và màn đêm đặc quánh. Hình dung nỗi ưu tư chốn nầy, thật khó trong đôi mắt trong trẻo và tâm hồn thánh thiện của người dân ở đây. Một ít ruộng, một ít đất, những ân tạo của thiên nhiên, người ta sống với nhau bằng thứ tình trong suốt mà bền vững lạ kỳ. Cuộc sống ở đây đã tách ra khỏi guồng quay của xã hội một thời tôi trót sống nhầm.

Ở đây giống một nơi có cha tôi những buổi chiều rít ống điếu cày một cách thong thả, mắt dõi theo từng đàn chim di trú ngang trời, không ra chiều nghĩ ngợi cũng chẳng phải không đăm chiêu. Mạ tôi bận rộn với mớ rau bèo. Cha mẹ tôi chỉ độc một mình tôi như để phù hợp với cái làng nhỏ nhoi ít ỏi này. Thuở ấy, hằng đêm dưới ánh trăng đẫm hương cau, mạ tôi vuốt tóc tôi thủ thỉ: “Ngày xưa, khi mới sinh con ra, già Tứ đã nhìn mắt con nói rằng “Hồng nhan đa truân”. Chao ôi là thứ con gái…” Bà nhỗ toẹt miếng bã trầu, vén ống quần lau một đường gọn ghẽ rồi tiếp: “Con gái chi mà mắt ướt rượt. . .khổ đó con ơi...”. Cụ Tứ đã khuất nhưng bóng núi sừng sững cuối chân làng vẫn còn đó như minh chứng cho lời tiên đoán xa xưa. Ai biết trước định mệnh! Tôi thì không tin nhưng sau này, khi chuỗi đời thăng trầm ném vào tôi từ ngọt ngào đến cay đắng, tôi mới mang máng tin bằng những cố gắng thật lòng.

Năm tôi mười tám tuổi, cái làng nhỏ bé này đã quá quen thuộc đối với tôi. Những chiều về muộn mông lung ngó lên trời, những đám phù vân xé lẻ dìu nhau bay khắp nơi khiến trí tưởng tượng khát khao nhỏ bé của tôi bỗng dưng lớn dậy. Một buổi sớm, tôi xin phép cha mạ ra đi. Cha tôi điếng người run run giữ chặt tẩu thuốc, mạ tôi nước mắt ngắn dài “Con ơi , con ăn phải bùa mê thuốc lú của ai... con ơi là con ơi... “. Tôi lặng lẽ ra đi với tay nải con con bỏ lại sau lưng những ánh nhìn sắc mà ngắn ngủn ngây thơ của người làng. Con gái như thế là hỏng! Tôi thương cha mạ, yêu làng này nhưng không thể kìm kẹp mãi trong cái nhỏ bé tựa vũng nước tù đọng này nữa. Tôi ra đi kéo theo bao ánh mắt sững sờ tội nghiệp của các gã trai làng. Bình thản mà như chạy trốn, tôi xót xa cho mình. Thị thành! Nơi ấy có nhiều mây ngũ sắc, có cả một cuộc đời tôi găm sẵn từ lâu.

Thị thành không có dòng sông, không có vẻ yên ắng quạnh hiu như làng quê bé

bỏng ấy, tất cả cái ồn ào náo nhiệt. Người ta sống một cách vội vàng. Tôi xách gói gõ cửa khắp nơi và cuối cùng dừng chân trong ngôi biệt thự sang trọng với công việc của một kẻ hầu. Ông bà chủ đã già, hiền hậu, sống bằng số tiền hàng tháng con trai gửi về từ ngoại quốc. Công việc nhẹ nhàng nhưng khuôn phép. Cuộc sống nề nếp như một bảng quy tắc phải thuộc làu. Ra tỉnh thành tôi rành rọt hơn với một mớ công việc. Pha trà cho ông, pha sữa cho bà, sử dụng máy hút bụi, đi chợ thuần thục cho một bữa tiệc, bật mớ công tắc cho đèn xanh đèn đỏ, và cả tắm rửa, dắt cậu Misa yêu quý của bà đi tè đúng giờ. Con chó Nhật ngoan ngoan trắng như một cục bông. Nhà đến chợ qua quảng đường ngắn hai trăm mét. Chỉ có thế, rồi thôi! Tôi chưa thể hình dung phố xá, những kỳ điệu của cuộc sống này bị biến hóa như thế nào. Thành phố vẫn mịt mù và quyến rũ tôi qua song cửa sắt im lìm lạnh lẽo. Ông bà chú quý mến tôi và tôi phục tùng ông bà một cách ngoan ngoãn, hơn cả Misa yêu dấu của bà. Khát khao về thành phố, về ánh đèn màu sặc sỡ, về những diễm ảo thần tiên... vẫn nằm trong cõi hoang mơ. Hằng ngày ra chợ tôi phải mua những kg thịt từ những người đàn bà to béo phục phịch có khuôn mặt lành lạnh, trả giá con cá từ bà buôn ngoe nguẩy và mua mớ rau từ bà chị thôn quê chân chất hiền lành. Rực rỡ không len vào nơi tận cùng nhất của cuộc sống. Tôi phải cân đong đo đếm, phải toan tính từng bữa chợ. Ở đây không có khung chiều để thấy những phù vân xé lẻ. Đêm đêm, dưới ánh đèn dìu dịu trong góc nhà, tôi nằm đếm nhịp tim mình mà không dám nghĩ vẩn vơ bởi thành phố là nơi qui tụ sự hào hoa, ý nghĩ vượt qua thành phố không

biết sẽ đến vùng nào khác hơn.

Tôi gặp anh khi anh đến nhà ông bà chủ sửa lại bếp. Khác với chiếc bay câm lặng và xô hồ nặng nhẹ, đôi mắt anh biết cười. Tôi nhìn anh và bị hút ngay vào cái nhìn trong lần đầu tiên. Anh biết điều đó và quay đi. Tôi lớ ngớ. Vài ngày sau, công việc xong xuôi, anh đi. Một mảnh giấy nhỏ ghim lại trên góc bàn sau bếp. “Tôi đợi cô tại quán X. Năm giờ chiều thứ bảy”. Tôi rộn ràng. Đôi mắt ướt rượt qua gương long lanh. Cũng pha trà, pha sữa, đi chợ nấu ăn... mà bỗng nhiên mới mẻ nhiều thú vị. Khi thổi vào người ta một tia hy vọng, tất cả cũ kỹ bỗng trở nên mới mẻ lạ kỳ.

Chiều thứ bảy, tôi xin phép ông bà chủ ra phố. Ông bà ngạc nhiên nhưng dường như chỉ ngạc nhiên một cách quán tính rồi đồng ý. Góc quán X không nặng nề như tôi ngỡ mà dung chứa đầy đủ các thành phần từ A đến Z. Anh ngồi quay lưng ra đường nên không thấy tôi đến. Tôi rụt rè đến bàn anh. Cái nhướng mày khó hiểu rồi ngắn ngủn, anh bảo tôi ngồi uống. Anh gọi cho tội một ly nước chanh có thứ hạt đo đỏ hòa vào. Một bản nhạc gì đó vang lên chát chúa. Ở đây mọi cái đều sôi động, không như nơi tôi làm công và hoàn toàn đối nghịch với làng quê nhỏ bé của tôi.

Ngồi như thế rất lâu, đột nhiên anh xoay mạnh người quay lại nhìn sâu vào mắt

tôi. Vóc người mạnh khỏe, gương mặt rắn rỏi và đôi mắt có sức hút mãnh liệt. Khoảnh khắc, toàn thân tôi bị một luồng điện chạy qua. Sau này tôi mới biết mình bị anh thôi miên từ giờ phút đó.

Vài tháng sau, tôi lại khăn gói xin phép ông bà chủ ra đi. Ông bà buồn vì quý tôi thực sự nhưng không ngăn nổi ý định của tôi. Bà cho tôi thêm một ít vốn liếng phòng thân con gái. Tôi nghiêng nón cúi mặt bước ra cổng. Anh đợi tôi ở đó.

Nơi tôi về là một mái nhà tôn vách vá chằng đầy rét rỉ. Anh đẹp ghê hồn nhưng

vẻ đẹp đó không kham nổi cuộc sống. Tôi đam mê ánh mắt sâu đăm đắm và nụ cười khinh bạc nên chấp nhận về đây. Lại giặt giũ, quét tước, bòn mót từng đồng từ tủ thuốc lá con con mới sắm đặt trước nhà và nhặt nhạnh những đồng dư anh mang về. Đêm đêm, ngồi bên ánh đèn dầu hiu hắt tôi ngóng qua những dãy đèn xanh đèn đỏ nhiều màu phía bên kia con kênh. Nơi đó chứa bao nhiêu là diễm ảo. ..

Bon chen, nhọc nhằn, tôi mòn mỏi như con tằm rút ruột nhả tơ. Và anh, vẫn nụ

cười khinh bạc trên những sòng bài, đôi mắt hút lấy con gái người ta. Tôi cay đắng nhận ra điều đầu tiên chốn thị thành ban phát cho tôi là cái bào thai đang lớn dần trong bụng cùng những đêm vắng nhà ngày càng nhiều của anh. Nhưng người dân lao động nghèo không đủ mua nổi một chút xa hoa của thành phố dù ở ngay trong lòng nó. Anh đi tìm những điều mà người khốn khổ có thể có. Và lạ kỳ, dù sao tôi cũng đam mê anh. Có lẽ chẳng bao giờ tôi đủ can đảm từ chối ánh mắt quyến rũ đó nếu không có một ngày bắt gặp anh cùng một phụ nữ trên

chiếc giường trong chính ngôi nhà ấy. Không đợi nụ cười khinh bạc nhếch lên, tôi vơ vội mấy món đồ tư trang ra đi. Thất thểu ngay trong chính nơi tôi cần đến. Cô độc trong lòng phố rộn rã. Con đường làng quê lên thành phố xa hàng trăm cây số tôi đã vượt qua, vậy mà con phố ngắn ngũn của đêm tối lại hoài không thấy đích. Mệt mỏi, tôi khuỵu xuống lề đường.

Tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trên một mảnh chiếu nhỏ, ánh đèn đường hắt xuống in bóng một người đàn bà còm cõi lên tường. Tôi choàng dậy, người đàn bà vụt tỉnh “cô có sao không ?” “Đây là...?. Ừ, vỉa hè chứ còn đâu nữa cô đi đâu mà đang đi lại ngã lăn ra bất tỉnh thế này? Phừ... ừ... Thân gái đêm hôm khuya khoắt. Trông dáng cô không phải là người ở đây, lại bụng mang dạ chửa thế này. Khốn khổ ?”. Người đàn bà cỡ chừng sáu mươi, nói xong chép miệng đến hai, ba lần. Tôi gượng dậy, bà đưa cho tôi nửa cái bánh mì và một ca nước. “Ăn đi, chắc cô cũng đói lắm rồi. Tôi uể oải nhai miếng bánh mì, nó có vị lạ đẫm mùi thành thị nhưng  không đậm đà bằng bát cơm nóng với muối rang như ở quê tôi ”. Tôi cũng ở quê ra cô ạ. Người đàn bà kể lể. Cơ khổ, mùa này đói kém lắm cơ.

Một mùa mà lại. Ra đây làm thuê buổi đầu còn dư một chút gửi về quê. Sau chỉ đủ ăn rồi bây giờ ôm mê nón rách xin của bố thí thế này đây. Này nhé, ngày nào gặp những người dưới quê lên có dăm bảy đồng họ cho mình một ít. Còn vào các nơi đèn xanh đèn đỏ ấy, cô đừng tưởng thế mà no, đến bã bọt mép, rách cuống họng chúng cũng chưa chắc đã ngoái lại nữa là ...”

Vỏn vẹn bảy tháng ở chốn này nào tôi đã những hiểu nơi ấy ra sao. Chỉ thấy loáng thoáng những hào hoa tỏa quang bên ngoài. Khu biệt thự sang trọng thì im lìm. Ngôi nhà rách nát lại ồn ào trong cái kiệt xác tận cùng của xã hội. Tôi ôm mộng tưởng lớn lao của mình ra đi mà không bằng người đàn bà cắp nón ra làm thuê, xin ăn để kiếm sống! Chua chát, nước mắt tôi trào ra. Lần đầu tiên tôi thấy mình khóc. Nước mắt chảy không hẳn vì cực nhọc mà vì thấy những ước vọng của mình bị tan ra từng mảnh. Những giọt nước mắt đặc quánh chưa kịp lăn ra đã khô cứng lại mặn chát. Thà vẫy vùng quẫy đạp tôi còn đỡ cảm thấy ngột ngạt điếng lòng hơn lúc này. Không khôn ngoan mà lại không khờ khạo, điều đó dễ đưa con người ta vào cạm bẫy vô hình của cuộc đời. Người đàn bà đang kể lể thấy tôi khóc thì im bặt, ái ngại nhìn xuống bụng tôi và thở dài nảo nuột. “Thân gái ba chìm bảy nổi. Mà cô lại xinh gái thế kia, ối thằng nó chen nhau vào, mồ tổ, rồi lại dụi nhau ra. Mắt cô ướt lắm, chết bao nhiêu thằng rồi hở ?”. Rồi bà lại hát một câu tê lòng “Làm thân con gái biết đâu mười hai bến nước, biết bến nào trong người ơi. . Mà quê cô ở đâu ? Cơ khổ! Dù sao đi nữa, chim có tổ, người có tông, ai cũng có một nơi mà về, dù ở chẳng còn gì cũng sót lại nắm nhau của mình cô ạ. Người phụ đất chứ đất không bạc người... Cha chả, xong vụ này tôi lại cũng về quê, biết khi nào khỏi phải ngửa nón lên đây lần hồi qua ngày đoạn tháng, ở nhà quê thế mà sướng, là nhà mình, ông bà gia tiên mình, cô nhỉ?!. Tôi lặng im đến tê người. Ngày ra đi tôi chưa kịp hình dung đến điều ấy. Phải chăng  cái lặng lẽ làng quê không đủ quấy lên trong tôi bổn phận con cháu đối với gia tiên?! Tôi ra đi nhẹ nhàng, giờ đây nặng lòng rồi nói ra điều đó. Nước mắt dội ngược vào trong quặn lên tức tưởi. Tôi tấm tức khóc như đứa bé bị vỡ quả bóng bay tuyệt đẹp của mình. Người đàn bà rút tấm khăn ở cổ nhẹ nhàng từ tâm lau những dòng nước mắt sóng sánh ấy của tôi. Tôi bỗng choàng lấy bà, gục đầu vào lòng bà mà nấc lên. Từ  nhỏ đến bây giờ tôi chưa một lần gục vào lòng mạ tôi khóc như thế nhưng sao bây giờ khi gục vào người đàn bà ấy lại tượng đang gục vào lòng mạ tôi. Rất lâu, khi ngước mắt lên, tôi bàng hoàng nhận thấy ánh hào quang lăn ra lừ hốc mắt của bà, lăn mãi đến vô biên...cuối cùng rồi tôi cũng phải trở về nơi làng quê. Có lẽ làng quê là nơi đầm ấm nhất, bao dung nhất cho những cuộc đời. Khi con người ta sa cơ lỡ bước không còn chỗ nương thân thì chỉ biết trở về làng quê thôi.

Tôi ngồi bên bờ sông để đợi chờ cho đến lúc tối trời mới dám về nhà. Bà con cô bác trong thôn, vẫn lui cui với nắm rau bó rạ trên đồng mãi đến lúc hoàng hôn buông xuống mà họ vẫn chưa chịu về. Họ nói chuyện với nhau nghe rất rôm rã. Qua những câu chuyện của họ, tôi hiểu đời sống bà con bây giờ đã khác trước nhiều rồi. Và bạn bè tôi lắm đứa đã đổ đạt.

Tôi bắt mặt nhìn về phía làng ngắm lũy tre xanh đầm ấm, thấp thoáng mái ngói

hồng. Những cột khói lam vườn thong thả hòa vào mây. Những cột khói ấy cứ hòa dần, hòa dần và đẫm vào hoàng hôn. Đến lúc trăng lên, bà con cô bác mới lần lượt ra về. Họ lội nước, lội trăng, và mang theo cả mùi thơm của rơm rạ mà về.

Tôi đứng dậy. Trước mặt tôi là dòng trăng đang chảy. Dòng sông đã trải qua bao biến thiên để từ biển lên nguồn và cuối cùng theo dòng chảy ra khơi. Bỗng tôi nghe nhói đau trong lòng. Đứa con của tôi sắp ra đời. Sau hốt hoàng lo âu, tôi lại thấy bình tâm, bởi mình đã ở trên đất làng. Hơi ấm của rơm rạ đồng quê quấn quýt quanh tôi. Tôi muốn nói với con rằng: Con ơi... Mẹ đã đưa con về đây rồi, chẳng còn lo nữa... Mai này, dẫu chân trời góc biển nào con cũng tìm về với mẹ nghe con...

  Đ.H

 

Đông Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 24 tháng 09/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

14 Phút trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

3 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground