Hoàng đong đưa trên đôi nạng gỗ làm chiếc ba lô tòn teng theo chẳng khác gì một con khỉ trên cành đu rạp xiếc. Nó va vào lưng anh đẫm ướt mồ hôi. Mặc dù cái bi đông nước đã hết, trong ba lô chẳng có cái gì ngoài bộ áo quần và một ít lá trầu tươi nhưng giờ sao nó cứ nặng chùng xuống. Lâu lâu anh dừng lại, đưa tay quệt mồ hôi trên khuôn mặt xám bụi, mắt nhìn về rặng tre xa để xác định phương hướng rồi tỳ hai bàn tay bỏng rốp vào nạng gỗ rán hết sức tung người lên. Tiếng sỏi nghiền dưới chân nạng bịt đồng nghe kin kít. Chẳng ai nỡ để anh đi bằng đôi nạng gỗ trên con đường dài hơn mười cây số về làng cả. Chiều hôm qua, tàn cuộc nhậu, mấy thắng bạn tranh nhau để sáng nay chở anh bằng Dream II, có đứa đương chức cho cả Toyota nữa về làng nhưng anh không chịu. Cũng chẳng phải là kẻ lãng mạn hay thú vui du lịch đi bộ gì nhưng đối với Hoàng có một ý nghĩa khác quan trọng hơn. Ba mươi năm xa quê, bây giờ anh muốn trở về bằng đôi chân của mình mặc dù đôi chân ấy giờ đây đã thay bằng đôi nạng gỗ. Anh muốn kiểm nghiệm lại từng dấu ấn trong ký ức về một con đường nhỏ, một dòng sông, một khu chợ với mấy mái liều tranh tre cùn mục... bao năm rồi khiến anh day dứt khôn nguôi. Có cái gì đó trào lên trong anh ngậm ngùi và hẫng hụt, bâng khuâng và buồn đến man mác. Anh đi... đi như thế cho đến lúc nắng chiều sắp tắt, đây đó có tiếng mẹ gọi con về ăn cơm chiều, tiếng bò ậm ờ trên đê gọi bạn, tiếng hàng dương lao xao, lao xao... Có mấy đứa trẻ đi qua, chúng lấm lét nhìn anh, xì xèo với nhau một điều gì đó tỏ ra bí mật và đắc thắng rồi đôi chân chúng ngúng ngoáy tung lên theo điệu bộ anh liến thoắng, lại cười đùa vui vẻ. Hoàng cũng cười, nhưng nụ cười cứ méo xệch. Hình như có một cái gì đó làm sống lưng anh lạnh toát, bàn tay như không chịu bám vào nạng gỗ nhấy bẩn mồ hôi, có ai đó xốc anh dậy, ném vào quá khứ...
* * *
Đã ba mươi năm rồi, cũng con đường này đây, cũng chừng trạc tuổi bọn trẻ này đây, anh đã ra đi để lại làng quê với bao nỗi buồn u uất... Ngày ấy khi anh vừa tròn mười ba tuổi, mẹ anh đi làm về trở gió ngã bệnh. Cậu bé Hoàng thuở ấy được tiếng hiền lành hiếu thảo. Lớn lên Hoàng chẳng thấy mặt cha đâu cả, nhiều đêm hỏi mẹ, mẹ chỉ im lặng. Nó thấy bọn ác ôn thường lén lút rình rập quanh nhà, có bữa chúng lôi mẹ ra đánh tới tấp. Miệng mẹ dính đầy máu, tóc tai rũ rượi, nó khóc thét lên trong nỗi kinh hoàng, khiến đêm nào nó cũng mê sảng. Cũng từ đó mỗi lúc trái gió trở trời mẹ lại ốm liệt giường.
Tính mẹ thích ăn trầu. Ngày bà nội Hoàng còn sống mẹ thường giã trầu cho nội ăn nhưng nó chẳng thấy mẹ ăn bao giờ. Sau ngày nội qua đời, nó thấy mẹ ngồi hàng giờ trước bàn thờ tay giã trầu, miệng lầm bầm khấn vái nội rồi đặt cơi trầu dưới chân đèn. Tàn tuần nhang mẹ lại đem trầu ra ăn. Nước mắt mẹ lăn tròn qua gò má hòa vào nước trầu đỏ như máu đang túa ra. Có lẽ vì vậy mẹ nghiện trầu như bây giờ? Đã qua ngày thứ ba mẹ vẫn chưa dậy được. Hoàng tự tay nấy cháo, thứ cháo nấu bằng gạo nước mặn đỏ quạch, ăn vào nghe mùi cám. Mẹ ăn được nửa chén gọi nó lại bảo:
- Con giúp mạ qua chợ Hôm mua về mời nội. Phần mạ thiếu trầu cũng nhạt miệng lắm - Mẹ run run lần tay vào chiếc bao cát làm gối lấy ra một đồng bạc đen nhẻm có in hình ông Diệm, miệng thều thào - Nhớ đi giữa đường không được chơi với bọn trẻ, có mệnh hệ gì là mẹ chết mất. Mau lên nghe con!
Thường ngày mẹ không dặn dò như vậy, cùng lắm ra khỏi ngõ mẹ cũng chỉ gọi lại chụp lên đầu nó chiếc mũ lác rộng vành, sửa lại cổ áo cho ngay ngắn. Hôm nay mắt mẹ cứ chằm chặp đến đờ đẫn. Hoàng gật đầu rồi nắm chặt lấy đồng tiền bước ra cửa. Đến cái giếng đất cuối sân nó ngập ngừng ngoái lại: "Cháo con nấu nhiều lắm mạ ơi! Ráng ăn nghe mạ!". Mẹ gượng dậy nhìn nó nhưng cơn đau làm bà choáng váng sấp mặt vào gối. Nó có ngờ đâu rằng đó là lần cuối cùng được nhìn thấy người mẹ suốt đời cực khổ nuôi con giữa bốn bề bom đạn. Trưa hôm đó Hoàng ra đi để rồi hôm nay mới trở về thì mẹ không còn nữa...
Bọn trẻ từ lâu đã dừng lại trò chơi khi chúng phát hiện ra anh lẫy bẫy làm rơi một chiếc nạng gỗ xuống bờ ruộng. Bỗng dưng Hoàng ôm mặt khóc. Bọn trẻ ngỡ mình vô tình gây nên tội thì tỏ ra hoảng sợ. Chúng xúm lại ra điều ân hận. Hình như chúng nghe những tiếng kêu: "Mẹ! Mẹ!" từ cổ họng gầm gừ kia bật ra cứ rờn rợn, sởn cả óc cả tai bọn chúng. Một thằng trong số bọn nhảy phóc xuống bờ ruộng cầm lên chiếc nạng gỗ giao vào tay Hoàng. Tiếng nó nghe khàn khàn kiểu vịt đực:
- Chú về đâu cháu sẽ giúp?
Hoàng gượng đứng dậy, với tay sửa lại chiếc ba lô đã lấm lem đất đỏ. Anh nở một nụ cười nhìn cậu bé, mắt nó sáng hẳn lên khi nghe anh nhắc đến tên người anh cần tìm. Không nói gì, cậu ta cắm cổ chạy một mạch khuất sau lũy tre. Thoáng chốc đã thấy cậu bé dẫn một người đàn ông đang lật đật đi về phía Hoàng. Người đàn ông sững lại giây lát rồi ôm chầm lấy anh:
- Trời ơi! Thằng Hoàng con o Hoa đây phải không? Mày đi đâu ba mươi năm nay hả? O Hoa đã mất rồi...
Hoàng nhận ra cậu Song. Thời gian đã làm cho mái tóc nhuốm bạc, lưng hơi còng xuống. Hai cậu cháu ôm nhau khóc với nỗi buồn vui và tủi hờn...
Đêm hôm ấy Hoàng với cậu Song lặng thinh bên chai rượi đã cạn cho đến lúc gà gáy cầm canh vang lên eo óc. Mỗi người đuổi theo một suy nghĩ mông lung. Hoàng trở lưng vào phên nứa, mắt trân trân nhìn ra gốc tre sần sùi hiện rõ dưới ánh trăng. Có tiếng ri ri vọng lên từ đó. Bao nhiêu kỷ niệm cứ vọng về, nó vừa hiện hữu vừa mất mát, anh cắn dập tàn thuốc đã tắt lạnh đầu môi...
* * *
Con đường từ nhà đến chợ chưa đầy hai cây số. Cậu bé lon ton chạy một mạch ra khỏi làng. Lần nào đi chợ nó cũng muốn chạy nhanh để về còn giúp mẹ. Ở làng nó là thằng ít chơi với bạn chỉ vì nó là thằng không có cha, nó nhận thức được thân phận đơn độc của mình. Trên đời này Hoàng chỉ có mẹ. Người mẹ đêm đêm kể cho nó nghe những câu chuyện cổ tích, vỗ về ru nó ngủ. Có đêm tỉnh dậy phát hiện mẹ khóc, nó hoảng hốt níu lấy cổ mẹ và òa khóc theo. Mẹ ôm nó vào lòng, dỗ dành cho đến lúc nín lặng... Nghĩ đến mẹ, bàn chân Hoàng chạy nhanh hơn. Chợt nó giật mình khi gặp phải một tốp lính đi ngược chiều. Tiếng bọn nó nghe sặc sụa đến sởn óc:
- Ê! Thằng cộng con, mày đi đâu?
Một gã mắt vàng như mỏ quạ phả hơi rượi vào mắt nó, làm nó thấy khó chịu, lờm lợm ở cổ:
- Dạ! Tui đi chợ mua trầu!
Nói xong, Hoàng cúi đầu cố giấu khuôn mặt tái nhợt vì sợ. Nó nhớ đó là thằng lính đã nện báng súng vào ngực mẹ dạo trước. Giờ hắn đứng trước mặt Hoàng cái cằm nhọn hoắt, nước da tái tái như thịt trâu. Hắn đảo cặp mắt nhìn chòng chọc vào bàn tay Hoàng đang nắm chặt, răng nhe ra như răng chó:
- Tiền hả? Đưa đây cho bọn ông uống rượu!
Nói đoạn, hắn bẻ tay Hoàng sấp sau lưng. Đau quá Hoàng khóc thét lên. Thằng lính cầm đồng tiền tung hứng lên trời cười híc híc thẳng tay ném ra con sông. Khi chúng đi khuất Hoàng chưa tỉnh hồn đã thấy bọn trẻ nấp sẵn ở đâu trong bụi rậm, trần truồng chạy ùa ra, miệng hô hào thích thú: "Lặn lấy tiền về bà Béo mua kẹo!". Lát sau Hoàng nhận ra thằng con bà Tồng miệng kêu cứu khẩn thiết. Hàng xóm đổ xô nhau ra bờ sông. Bà Tồng tóc tai rũ rượi, mồm tru tréo, đôi chân giãy đành đạch trên cỏ:
- Họ Trần cha nó ôi! Trả thù cho con tôi! Chính nó là thằng đẩy con tôi xuống sông, phải bắt vắt cổ nó. Họ Trần ôi họ Trần, phải bắt thằng nhải ranh kia...
Hoàng chẳng lạ gì bà Tồng, bạ ai nấy chửi, vén quần tận háng mà chửi. Có bữa bị ông Lục cuối làng đá cho một cái thâm tím ở háng, hôm sau ông Lục bị bắt lên đồn bị đánh cho hộc máu về thọ bệnh mà chết. Tháng trước chồng bà là một tay trưởng thôn gian ác bỗng dưng bị chặt cổ! Đám tang xong, mụ chạy thẳng đến nhà Hoàng túm tóc mẹ lôi xành xạch ra khỏi nhà vả vào mặt mẹ: "Tao phải bẻ răng mày! Chính chồng mày đã về giết chồng tau". Hàng xóm ai cũng sợ bà ta đành nín lặng. Sự thể chẳng biết như thế nào nếu như cậu Song của Hoàng không đến kịp. Cậu Song không phải lính nhưng cũng là hạng người ăn chơi có tiếng. Nghe nói trước đây khi chồng bà Tồng đi họp đâu trên huyện bà có ăn nằm với cậu, sơ ý để bọn con nít trông thấy, tiếng đồn ra cả làng. Tên trưởng thôn nghi ngờ nhưng cũng nể mặt vợ lắm. Chắc là do vậy, mà khi thấy cậu xuất hiện bà Tồng không đánh mẹ nữa. Bà vẫy tay cho bọn côn đồ đi theo ra về, miệng còn hăm dọa, chửi bới một cách tục tĩu. Giờ đây khi thấy bà chỉ thẳng vào mặt Hoàng mà chửi thì nó sợ lắm, hồn nó lên tận ngọn cây. Bỗng nhiên nó cắm cổ chạy một mạch ra khỏi làng không dám ngoái đầu lại. Chỉ có chạy mới thoát, còn chạy đi đâu, lúc đó có trời mới biết. Hình như có ai đó gọi tên nó. Càng làm cho nó thêm hoảng loạn. Càng chạy nó càng nghe đất dưới chân nó thình thịch như có hàng trăm người đuổi theo. Nó chạy không biết bao lâu cho đến lúc kiệt sức ngã xuống. Hoàng tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Nó nhận ra mình bị rơi vào hố rác nhầy nhụa cứt người, cứt chó. Nó cố gượng nhưng không sao dậy nổi. Hoàng van lạy trong một nỗi sợ hãi kinh hoàng: "Mạ ơi! Cứu con với! Mạ ơi... mạ..." Tiếng nó mỗi lúc mỗi tắt lịm.
* * *
Cậu Song nhấp một ngụm nước trà, giọng khê đục:
- Thôi ngủ đi mày ạ! Đi cả ngày mệt giờ nghỉ cho lại sức. Đời mày, thế cũng còn phúc lắm, được sống là mừng rồi - Cậu đưa tay với lấy hộp diêm đánh lửa châm thuốc - Hồi nãy tau chưa kể chuyện bà Tồng cho mày nghe nhỉ? Cái con mẹ có hai bắp đùi trắng hếu. Cái dạo thằng chồng hắn đi vắng tau vào sòng bạc gặp bà ta cùng chơi. Vận đen tau thua hết, bà ta mắt nhìn tau như trêu ghẹo rồi đon đả: "Đen bạc đỏ tình đó ông anh ơi!". Đang lúc tái mặt vì thua tau nói bừa: "Không có con mẹ nào xơi cái cho đỏ lại đây!". Cái con mẹ ấy nó im lặng. Thú thực, đêm ấy con tau đau, được mấy đồng vợ đưa mua thuốc tau liền lao vào sòng bạc để mong kiếm thêm tiền, ai ngờ. Tau ra về trong một tâm trạng rối bời nửa thương con thương vợ. Bà Tồng đợi tau ở đống rơm đầu làng nói: "Ông có muốn xin lại tôi cho? Cúi đầu, cúi cổ thế trong thật tội nghiệp!". Cực chẳng đã tao quay lại, bỗng dưng nó kéo tau vào đống rơm, áp bộ ngực to bè vào mặt tao đến nghẹn thở. Thấy của lạ dại gì bỏ, tao nhắm mắt làm liều cốt để được lòng nó mà xin lại tiền... Ân ái xong nó ra chiều mỹ mãn đưa cả túi tiền cho tao, miệng còn không quên dặn: "Mai nữa, nhé...". Mồ tổ nó chơ! Tao đâu phải thằng đĩ đực. Dạo mày bỏ làng chạy, thằng con bà Tồng được cứu thoát, lớn lên theo mã cha nó đi lính, năm 1972 chiến dịch hạ Lào nó bị bắt làm tù binh. Bây giờ thì đang ở Mỹ. Biết thế hồi trước cho nó chết sình ruột...
Cậu Song vật người ra tấm phản, ngáp một cái nghe "oác", nước miếng chuyển lóc róc ở cổ họng. Chưa tàn điếu thuốc đã thấy cậu ngủ, tiếng ngáy cứ tắc đi, cố gắng lắm mới phì ra một cái. Nghe cứ tức anh ách. Người Hoàng đờ đẫn mệt nhọc, toàn thân như muốn rã ra. Anh thèm được ngủ nhưng không sao nhắm mắt nổi. Có tiếng vạc ăn đêm kêu đâu đó ngoài đồng xa, tiếng kêu giờ này nghe buồn và cô đơn quá. Mấy con đom đóm bay lập lòe dưới ánh trăng đẫm ướt...
* * *
Nghe tiếng kêu cứu của Hoàng đêm hôm đó, một ông lão ăn mày đã kéo nó lên khỏi hố rác. Đến lúc này nó mới biết mình đã lạc vào một thị trấn hoàn toàn xa lạ. Hai ngày sau ông lão mới nhét vào túi Hoàng mấy đồng bạc nhàu nát rồi đưa nó ra bến xe để về làng. Nhưng rồi một cơn ác mộng nữa đã ập đến. Trong lúc cúi xuống kéo Hoàng lên xe giữa đám đông hành khách chen lấn, ông lão sẩy chân đập đầu xuống đường, vừa lúc xe chuyển bánh nghiến ngang sống lưng, lão ăn mày ngắc ngứ không kêu được một tiếng rồi tắt thở. Người ta đem ông chôn vào một nghĩa địa gần đó. Hoàng lững thững trở lại bến xe thì trời cũng vừa tối. Nó chui vào gầm ghế của một chiếc xe vắng khách ngồi nhai mấy mẩu bánh mì còn sót lại mà lòng biết bao trống vắng. Nó nghĩ đến mẹ mà dàn dụa nước mắt. Bến xe vẫn vắng lặng không một người qua lại. Hoàng thiếp đi lúc nào không biết.
Có ai đó quát tháo om sòm làm nó thức giấc. Thì ra trong lúc nó ngủ xe đã chạy. Lần này không phải chuyến xe về cái chợ đầu làng như Hoàng tưởng. Nó đã đi quá xa để rồi giấc mơ về làng không bao giờ thực hiện được. Gã tài xế đưa chiếc chổi, chỉ thẳng vào mặt nó chửi.
- Khốn nạn gặp thằng ăn xin như mày. Đến Sài Gòn rồi mà còn ăn vạ gì nữa...
Hoàng bước xuống xe với bao nỗi bàng hoàng không thể nào hiểu nổi. Nó ngơ ngác nhìn những ngôi nhà tầng cao ngất, đường phố ồn ào xe cộ. Biết về đâu giữa thành phố xa lạ này. Cơn đói, khát lại ập đến, Hoàng moi mấy đồng bạc nhàu nát trong túi bước lại một quán ăn gần đó, một ý nghĩ ăn xin chợt hiện lên trong đầu nó, từ ngày đầu thảm khốc tuyệt vọng ấy... Nó lang thang xin ăn như thế trong khoảng chừng hai năm với bao nỗi xót xa ê chề, đắng cay tủi nhục. Những năm đầu người ta còn có cái để cho đến lúc Hoàng lớn thì cái nghiệp ăn xin cũng không còn thích hợp nữa. Hoàng bắt đầu làm quen với đám thanh niên bụi đời lang thang cướp giật trên đường phố. Càng ngày Hoàng trở thành một côn đồ có tiếng...
Năm mười bảy tuổi Hoàng bị bắt quân dịch. Sau một khóa huấn luyện cấp tốc Hoàng nằm trong đội quân nhảy dù tăng cường cho chiến dịch hạ Lào. Không ngờ lúc này Hoàng gặp lại thằng Bỉnh con bà Tồng, hắn đã lên đến chuẩn úy nằm trong lữ đoàn trâu điên, khét tiếng một vùng. Hoàng cảm thấy căm ghét hắn vô cùng. Đã đôi lần anh định cho một phát đạn vào đầu nó rồi ra sao thì ra, nhưng nghĩ thế nào rồi Hoàng lại thôi. Quân của Hoàng ngày một bị bao vây, tiến thoái lưỡng nan chưa đánh đã lo sợ, tinh thần bạc nhược. Từ lúc được thằng Bỉnh cho biết mẹ mình đã mất sau lúc Hoàng bỏ làng đi hai năm anh càng trở nên căm phẫn nó vô hạn. Hình như phát hiện ra thái độ của Hoàng, Bỉnh trở nên cẩn thận đề phòng. Nó lân la gần bọn sĩ quan chỉ huy khiến cho Hoàng nghi ngờ nó sẽ có âm mưu hại mình chưa biết lúc nào. Nhìn đôi mắt lồi của nó Hoàng lại nhớ đến khuôn mặt gian ác của tay thôn trưởng ngày nào. Ý nghĩ đào ngũ lại bùng lên dữ dội. Ba hôm sau, Hoàng liều mình vượt rào qua đầu hàng quân giải phóng. Bước vào phòng hỏi cung mà lòng anh không khỏi hoang mang lo sợ. Nhưng tiếng nói ấm áp của người chỉ huy mang quân hàm đại úy đã làm Hoàng lấy lại bình tĩnh.
- Anh khai rõ lý lịch quê quán, ngày tham gia quân đội chính quyền Sài Gòn? Quân giải phóng sẽ khoan hồng đối với ai đã nhận ra lỗi lầm!
Vị chỉ huy chằm chặp nhìn anh, khuôn mặt căng ra một cách căng thẳng. Hình như ông phát hiện trong những lời khai của Hoàng khiến ông quan tâm không phải thuộc về bí mật quân sự mà cả một số phận đời người. Ông im lặng một cách đáng sợ rồi bước đến bên chiếc ba lô, lấy ra một tấm ảnh, run run đưa về phía Hoàng:
- Anh có nhận ra ai không?
- Mạ!
Cổ họng Hoàng nghẹn lại. Anh chưa hết bàng hoàng thì chỉ huy đã lao đến ôm xiết lấy anh. Hoàng không ngờ mình đã gặp cha trong một hoàn cảnh éo le như vậy. Những trận đánh lại tiếp tục vang lên, Hoàng được bổ sung vào quân giải phóng từ ngày ấy. Chiến dịch hạ Lào kết thúc, Hoàng nằm trong đội quân thần tốc tiến thẳng về Ban Mê Thuột nhưng lại một nỗi đau nữa ập đến. Người cha sau hai mươi năm mới gặp mặt đã ngã xuống trên đường hành quân. Cuộc đời cứ thế giáng xuống đầu anh những đòn chí mạng ngỡ như không bao giờ gượng dậy nỗi. Một trận đánh tiếp theo làm đôi chân anh giập nát. Hoàng được đưa trở lại tuyến sau khi những đại quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn, dội bão lửa xuống đầu Mỹ - ngụy...
* * *
Hoàng vớ tay cầm lấy đôi nạng gỗ, ánh trăng đã chênh chếch đằng tây, có tiếng gà gáy sáng lại vang lên quanh xóm. Vết thương cũ dội lên nhức nhối. Anh bước đến bên bàn thờ của mẹ, trong ánh đêm mờ mờ Hoàng thấy mặt mẹ vừa trách móc hờn giận vừa yêu thương trìu mến. Cơi trầu của mẹ ngày nào vẫn còn đó. Sau bao nhiêu năm chiến tranh cậu Song vẫn giữ gìn được. Hoàng lặng lẽ nhìn những lá trầu tươi anh đem được từ chợ về mà lòng cuộn lên đau xót. Ba mươi năm đã qua, để mua cho mẹ được một lá trầu này Hoàng đã biết bao lần vấp ngã, cuộc sống đã có lúc đẩy anh xuống miệng vực... Chao ôi, một ước mơ đơn giản thế thôi mà đâu dễ gì thực hiện được. Con đường từ nhà đến chợ chỉ chưa đầy hai cây số mà Hoàng lặn lội suốt cả đời người để rồi khi trở về thì quá muộn...
- Mẹ ơi! Hãy tho lỗi cho con! Hãy tha lỗi cho con!
Hoàng không sao cầm nổi nước mắt, anh khóc lên nghẹn ngào xót tủi. Cậu Song dậy từ bao giờ đi lại bàn thờ, cậu thắp một nén nhang rồi bảo:
- Con cứ khóc đi cho lòng được thanh thản. Ba mươi năm rồi còn gì! Chỉ có nước mắt mới rơi đi phần nào nỗi xót xa ân hận của đời người mà đời người rồi cũng mau quá! Nhưng điều này thì con nên nhớ. Con phải tìm lấy mộ người cha để cho mẹ con được an lòng. Cũng đã mấy năm sau hòa bình cậu có đi tìm nhưng không được. Tuổi cậu cũng già lắm rồi, chẳng mấy chốc mà chấm hết...
Bàn tay của cậu đặt lên vai Hoàng ấm nóng. Ngoài kia trời đã sáng hẳn. Hoàng nhìn cậu gật đầu, không nói, anh lặng lẽ ra sân nhìn về chân trời nơi có những đám mây bồng bềnh rực lên trong nắng.
Cửa Việt số 23 (tháng 8 - 1996)
N.T.Đ