Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bộ cờ ngà voi

Đây là lần thứ hai Xáng gặp ông Lãm, được đấu trí với ông Lãm trên bàn cờ. Chỉ có khác là lần này cuộc chơi không diễn ra nơi hội hè đông đúc như trước mà ngay tại ngôi nhà hai tầng của ông Lãm, trên một chiếc chiếu hoa Trung Quốc được trải ngay ngắn giữa nhà. Cuộc chơi chỉ có hai người nên cũng không ồn ào, mất trật tự như trước. Gã còn nhớ, ở cái lần gặp ông Lãm đầu tiên, gã là một trong những tay cờ được ban tổ chức chọn vào trận chung kết sau khi đã thắng liên tiếp các tay cờ khác ở vòng loại. Gã trở thành đối thủ của ông Lãm và bị ông hạ “nốc ao” luôn cả ba ván, đành chấp nhận đoạt giải nhì, xếp sau ông ta. Gã thua nhưng lòng vẫn lâng lâng. Gã một mực cho rằng gã không thua ông Lãm, tay cờ của gã không thể thấp hơn ông Lãm. Sở dĩ gã phải xếp ở vị trí thứ hai là do hôm ấy tinh thần gã không ổn định khiến gã không thể dồn hết tâm trí cho cuộc chơi. Thứ nữa, ở một nơi đông vui nhộn nhịp như hội cờ cũng có lắm yếu tố tác động đến tâm lý thi đấu làm gã mất bình tĩnh sinh ra bại trận. Xưa nay gã chưa từng thua cờ ai. Ở bất cứ trận đấu nào, gặp bất cứ đối thủ nào gã luôn luôn là người chiến thắng. Và thế là gã quyết tìm cho được ông Lãm, quyết thi đấu với ông ta một trận để chứng minh rằng gã không thua.

Trước khi phóng xe vượt chặng đường gần ba mươi cây số đến đây, Xáng đã tìm hiểu sơ qua về con người này. Gã nghe người ta nói rằng, ông Lãm không chỉ là một tay cờ cự phách mà dòng dõi ông ta từ hai ba đời nay đều là những tay cờ khét tiếng. Nghe đâu, ngoài chơi cờ giỏi ông Lãm còn là chủ nhân của một bộ cờ tướng có một không hai. Đó là một bộ cờ làm bằng ngà voi. Thế nên, ngoài việc chứng minh cho ông Lãm thấy tài chơi cờ thật sự của gã, gã còn rất muốn được chiêm ngưỡng bộ cờ quý giá ấy. Và nếu cần thiết, gã có thể xin ông Lãm mang bộ cờ ấy ra chơi. Gã rất muốn được thử cái cảm giác chơi cờ ngà voi nó lạ lùng, sung sướng ra sao. Nào ngờ khi đến nơi, ông Lãm chỉ chấp nhận đáp ứng một trong hai nguyện vọng của gã. Đó là chơi cờ. Còn nguyện vọng kia ông chối phắt. Tuy vậy, gã vẫn tỏ ra vui vẻ. Vì gã cho rằng bất cứ ai trong trường hợp này, kể cả gã, cũng đều xử sự như thế. Trước khi bước vào cuộc chơi gã cũng kịp đảo mắt nhìn ngắm qua quýt cơ ngơi của chủ nhân. Quả là một ngôi nhà bề thế, khang trang, mà đến cả nằm mơ gã cũng không bao giờ có được. Chắc hẳn ông Lãm là một người giàu, rất giàu là đằng khác. Thì cứ nhìn vào cách ăn mặc, chải chuốt cho đến cái da mặt đỏ như thịt gà chọi cũng đủ biết ông ta đang sống một cuộc sống giàu sang, sung sướng đến thế nào. Nhưng thôi, kệ ông ta, mình phải tập trung vào chơi cờ, phải hạ gục ông ta trong lần gặp này. Xáng thầm nghĩ và bắt đầu ngồi xuống nhìn chăm chăm vào cái bàn cờ trước mặt. Cái bàn cờ gỗ cũ kỹ, những quân cờ gỗ cũng cũ kỹ, xem ra nó đã được ông Lãm sử dụng từ rất lâu. Dẫu sao được chơi cờ trên cái bàn cờ gỗ cũ kỹ này gã vẫn thú hơn nhiều so với chơi trên bàn cờ giấy hoặc bàn cờ nhựa. Chơi trên bàn cờ gỗ, gã khoái nhất là lúc cầm quân cờ của mình đập đến “chát” một cái lên quân cờ đối phương, nếu là các quân chủ lực như xe, pháo, thì cái cảm giác khoan khoái càng tăng lên bội phần.

Nửa giờ trôi qua. Rồi một giờ trôi qua. Nắng thu vàng óng bắt đầu rót những tia nắng xuống hiên nhà. Những tia nắng chênh chếch xuyên qua giàn thiên lý trước sân, đậu trên ngưỡng cửa rồi nhích dần, nhích dần về tấm chiếu hoa nơi ông Lãm và Xáng đang ngồi. Cuộc cờ giữa hai kỳ thủ đã kết thúc ván thứ nhất. Đánh thêm một ván gã thôi không đánh nữa. Bởi đã ván thứ hai rồi mà gã vẫn thua, mà lại thua nhanh chóng hơn ván trước. Nếu tiếp tục đánh ván thứ ba chắc chắn gã sẽ lại thua nốt. Rút cục cả hai lần gặp ông Lãm gã đã không thắng nổi ông ta một ván nào. Bây giờ thì gã phải thừa nhận là gã thua, chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào được nữa. Đúng là lời đồn đại về tài năng chơi cờ của ông Lãm quả không sai tý nào. Ông ta thật cao cờ, thật mưu lược tựa như một vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng. Những nước đi của ông ta như làm chủ thế trận, như nhìn thấu ruột gan, óc não đối phương. Từ xuất xe, vào pháo, nhảy mã, giục tốt, lên tượng... rồi các đường tiến, hồi, qua phải, về trái, cắm, chọc, nhử, vây, kẹp, chặn, bắt... của ông ta thật là thiên biến vạn hoá không sao lường được. Ông ta có cách chơi dồn đối phương vào thế bí, chặn cứng các ngã, khiến quân cờ của gã tiến không xong mà thoái chẳng được. Cờ của ông ta thì tung hoành ngang dọc, quân này giữ quân kia, bắt được một quân của ông ta phải đổi vài ba mạng. Cứ thế ông ta bao vây tứ phía, hạ dần xe, pháo của gã để rồi cuối cùng đánh tan sĩ tượng, giáng một đòn chí mạng khiến gã phải bó tay. Ở ván thứ nhất, vài ba nước đầu gã còn có vẻ tự tin một chút, hy vọng một chút, nhưng đến những nước sau thì càng đánh gã càng lâm vào thế bí. Mồ hôi gã bắt đầu túa ra nhỏ tong tong xuống bàn cờ. Gã vò đầu bứt tai tìm đủ cách chống đỡ nhưng vẫn không sao đảo ngược được tình thế. Đến ván thứ hai thì ở ngay nước đi thứ mười bốn, gã đã hoàn toàn không làm chủ được thế cờ nên gần như phó mặc cho ông ta chi phối. Càng đánh Xáng càng khám phá ra những nước cờ mà gã cho là vừa độc đáo vừa độc địa của ông ta. Đó là những nước cờ chớp nhoáng, xuất quỷ nhập thần, đầy ma lực, đầy sức mạnh. Những nước cờ như đánh vào tâm trí gã, buộc gã phải suy nghĩ đến đau cả óc để tìm cách gỡ rối. Những nước cờ như kim châm vào huyết mạch gã khiến gã phải tối tăm cả mặt mày, mụ mị cả đầu óc, để rồi cuối cùng không còn đủ minh mẫn xoay xở ra làm sao. Trong khi đó ông Lãm cứ tỉnh bơ, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cũng như các quân cờ đầy khí thế chiến thắng của ông, trông ông thật ung dung, đĩnh đạc. Một sự ung dung, đĩnh đạc của người chiến thắng. Sau mỗi nước đi, thấy đối phương gãi đầu, gãi tai nhấc lên đặt xuống quân cờ trong tay mà chưa biết phải đặt vào vị trí nào thì ông khẽ nhếch mép một cái rồi thong thả lấy chai rượu “Ông già chống gậy” đặt bên cạnh, rót ra ly tự thưởng cho mình một hớp. Xong, ông “khà” một tiếng, vuốt vội một cái lên mép rồi mới lại chăm chú nhìn xuống bàn cờ. Ông Lãm cũng rót cho Xáng một ly, khi gỡ được thế bí, gã cũng nâng ly rượu lên, hớp một hớp. Nhưng sao gã thấy rượu hôm nay đắng ngăn ngắt, dù biết rằng rượu của ông Lãm không phải là rượu xoàng.

Xong ván thứ hai, thấy gã cứ ngồi đực ra không chịu xếp cờ, ông Lãm phải lên tiếng: “Thôi à?” “Vâng, thôi!” “Tay cờ của cậu còn non lắm làm sao bì được với tay cờ của tôi”. “Vâng!” Rồi chẳng nói chẳng rằng, gã chào ông Lãm ra về. Gã phóng xe trên con đường đất bụi mù mịt. Lòng gã uất ức, tắc nghẹn. Về đến nhà, gã nằm dài ra giường, thở dốc lên. Chưa bao giờ gã thấy nhục nhã như hôm nay, bực bội như hôm nay. Gã thấy căm giận gã, căm giận ông Lãm, căm giận với tất cả. Tại sao chứ! Tại sao gã lại có thể thua cờ ông Lãm, một người đâu phải là kẻ có máu mặt trong chốn cờ bạc như gã. Đã bao giờ gã thua ai một cách đau đớn như lần này. Trong vùng, từ những tay chơi cờ có tiếng cho đến những người mới võ vẽ tập cờ, ai ai cũng bái phục tài chơi cờ của gã. Người ta coi gã như một con ma cờ, nể trọng gã như bậc đàn anh đàn chị. Thế mà nay gã phải thua cái ông Lãm tới hai trận. Cứ nghĩ đến cái lúc ông ta nhếch mép nâng ly rượu lên hớp một hớp rồi “khà” một cái là gã lại thấy sôi cả ruột lên. Đúng là cái cử chỉ ngạo mạn, ta đây, coi người khác không ra gì. Thôi thế là từ nay cái danh hiệu “vô địch cờ” đã không còn là của gã nữa. Cái danh hiệu ấy đã bị ông Lãm cướp mất rồi. Gã đau đớn đến mất ăn mất ngủ, người gầy rạc đi. Vợ con phải thay nhau động viên, gã mới hồi phục trở lại. Nhưng nỗi ám ảnh về trận cờ thua ông Lãm thì cứ đeo bám gã. Rồi gã tính đến chuyện phục thù. Gã phải gặp ông Lãm một lần nữa và quyết đấu với ông ta một trận nữa. Gã phải dành lại niềm vinh quang. Gã phải chứng minh cho thiên hạ biết rằng: ở cái đất cờ này, thằng Xáng này không bao giờ chịu thua cờ ai. Suy nghĩ và gã sực nhớ tới bộ cờ ngà voi của ông Lãm. Bộ cờ đã từng mang đến niềm tự hào tột đỉnh cho gia đình ông ta. Giá mà ở lần chạm trán thứ ba này ông Lãm chịu chơi với gã bằng bộ cờ ngà voi ấy.

Thế là gã đi, quyết ra đi. Dù trời rét buốt đến thấu xương gã vẫn phóng xe đến tìm ông Lãm. Lòng gã đầy tự tin, đầy kiêu hãnh. Gã lôi ra một chai rượu mà gã phải bỏ ra hơn một trăm ngàn đồng để mua rồi xin phép ông Lãm tự tay xuống bếp nổi lửa làm gà. Bếp lửa đỏ rực xua đi cái lạnh buốt giá làm ấm cả gian nhà. Hai người trải chiếu ngay bên cạnh bếp lửa vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. “Chà! Rượu ngon quá! Lại còn cả gà nữa? Cậu bày vẽ ra làm gì cho tốn kém. Loại này tôi dùng thường xuyên ấy mà !” Ông Lãm lên tiếng. “Có gì đâu chú! Chú cháu mình lâu ngày gặp nhau, cháu muốn mời chú uống với cháu một chén. Tiện thể hôm nay đến đây, cháu muốn hầu chú vài ván may ra học được ở chú ít nước...” Gã nhã nhặn đáp lại. “Chơi thì chơi cho vui thôi, chứ cậu có học cả đời cũng sao học được cờ tôi. Mà dẫu có học được cậu cũng làm sao địch nổi tôi”. “Dạ! Chú là người cao cờ, vô địch thiên hạ, cháu nào dám”. Xáng làm bộ khúm núm nhưng trong lòng thì như đang có một ngọn lửa bùng lên. Gã không ngờ ông Lãm cũng là một người hiếu thắng, coi chiến thắng là trên hết, chẳng khác gì gã. Ông khoe với gã rằng ông đã biết chơi cờ hơn bốn mươi năm nay. Kể từ ngày ấy, với hàng ngàn cuộc so tài, ông luôn luôn là người chiến thắng. Ông còn nói thêm rằng từ bây giờ trở đi ông vẫn sẽ là người chiến thắng, không một địch thủ nào có thể đè bẹp được ý chí ấy của ông. “Cho nên - Ông nói thẳng vào mặt Xáng - cậu đừng bao giờ nuôi ảo vọng là có thể đến đây làm gì được tôi”.

Khi chai rượu đã lưng lưng, Xáng mới đả động đến bộ cờ ngà voi và một mực nài nỉ ông Lãm cho được tận mắt nhìn thấy nó. Gã nói tha thiết rằng gã rất yêu cờ, mê cờ, rằng gã có thể đánh đổi tất cả để được suốt đời sống chết với cờ. Vì yêu cờ, coi cờ là sự nghiệp của bản thân nên gã rất muốn được thưởng thức những bộ cờ độc đáo. Và nếu như một lần, chỉ một lần thôi được hầu cờ với chủ nhân bằng bộ cờ ngà voi ấy gã sẽ xem đó như một vinh hạnh của cuộc đời. Gã nói và bỗng dưng nước mắt ứa ra. Ông Lãm hình như cũng động lòng trước những giọt nước mắt và những lời lẽ chân thành như mật rót vào tai ấy nên đã đồng ý. Nhưng ông không vội đưa ngay bộ cờ ấy ra, mà cứ thủng thẳng, túc tắc kể cho gã nghe về nguồn gốc, xuất xứ của nó trước đã. Đây là việc ông vẫn thường làm với bất cứ ai trước khi người đó được sờ tay vào bộ cờ ngà voi của ông.

Ông Lãm kể rằng, bộ cờ ngà voi của ông đã có từ cách đây hơn một trăm hai chục năm. Nó nguyên là của một vị vua triều Nguyễn. Ông nội của ông Lãm xưa kia là một người chuyên đi làm thuê kiếm sống. Nhưng ông là một người thông minh, ham học. Nhờ nghe lỏm bài của người gia sư dạy học cho con chủ nhà mà ông trở nên sáng dạ, được chủ nhà thương yêu nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Và cũng nhờ tư chất thông minh mà ông học một biết mười, mỗi năm hai lớp. Rồi khi đi thi ông đỗ trạng nguyên được vua giữ lại trong cung dạy học cho con vua và các quan đại thần. Ông còn là một người chơi cờ tướng rất giỏi, không ai địch nổi. Nhân một lần nhà vua tổ chức thi đấu cờ, ông đã hạ gục tất các đối thủ, giành ngôi vô địch. Mến mộ đức tài của ông, vua đã ban tặng ông bộ cờ ngà voi của ngài. Bộ cờ ấy sau này được ông truyền lại cho con ông, tức cha ông Lãm. Cha ông nối nghiệp ông nội ông được cả đức lẫn tài và cũng là một tay cờ nức danh, cả tổng, cả huyện không ai là không biết. Rồi khi cha ông mất, bộ cờ ngà voi ấy cùng với bí quyết chơi cờ “trăm trận trăm thắng” của tổ tiên được ông thừa hưởng và kế nghiệp. Ông không làm được trò trống gì nhưng tay cờ của ông thì càng ngày càng cao, càng ngày càng lan xa toả rộng.

Ông Lãm cất giữ bộ cờ ngà voi rất kỹ, coi như báu vật. Chẳng mấy khi ông chơi cờ bằng bộ cờ đặc biệt ấy. Rủi khi có khách tới chơi nhà ngỏ ý muốn hầu ông đôi ván, ông cũng chỉ đem ra những bộ cờ thông thường. Trong nhà ông có tới hai mươi bộ cờ khác nhau. Mỗi bộ cờ là một sự tích oanh liệt trong đời cờ của ông. Tuỳ mặt khách mà ông biết chọn bộ cờ nào. Những người có may mắn được ông cho chơi cờ ngà voi phải là những người ông đặc biệt mến mộ hoặc nể trọng, nhưng cũng không nhiều lắm. Và trước khi chơi việc đầu tiên ông làm là mở tủ sắt lấy bộ cờ ấy ra trân trọng đặt lên bàn thờ thắp hương vái cầu xin tổ tiên trước đã. Đối với Xáng, ông nói sở dĩ ông cho gã được hưởng đặc ân này không phải ông mến mộ hay nể trọng gì gã mà là vì ông thương tình gã. Ông Lãm nói đến đâu Xáng dạ dạ, vâng vâng đến đó. Lúc này đây ruột gan gã như đang có lửa đốt và chỉ mong sao ông ta mang ngay cái bộ cờ ấy ra. Gã nhìn xoáy vào mặt ông Lãm nhủ thầm: Rồi ông sẽ thấy hôm nay bằng bộ ngà voi của ông tôi sẽ chơi thế nào. Tôi sẽ cho ông biết nỗi đau thua cờ nó xót xa, nhục nhã thế nào... Trong khi đó ông Lãm đã đi vào nhà. Chắc ông đang làm cái việc trang trọng ấy trước tổ tiên. Một lúc ông đi ra, ông mang theo một chiếc hộp gỗ và một cái bàn cờ gỗ. Ông đặt chúng trước mặt Xáng. Rồi ông ngồi xuống từ tốn mở cái hộp ra, thong thả nhặt ra từng quân cờ. Đôi mắt Xáng như bị hút vào đó. Gã gần như nhảy cẫng lên, kêu to lên. Quả là bộ cờ đẹp đến mê hồn. Gã nhặt lên từng quân, lật bên này, lật bên kia ngắm nghía. Đúng là những quân cờ được làm bằng ngà voi thật rồi! Trong chúng thật nõn nà, tròn trịa và trắng muốt đẹp như những viên đá hoa cương. Mỗi quân cờ đều được chế tác, cắt gọt, trau chuốt hết sức công phu. Trên mặt cờ, mọi hoạ tiết từ màu sắc, đường tròn, các chữ tên của quân cờ... đều được chạm khắc tinh xảo, sắc nét. Cái bàn cờ cũng không chê vào đâu được. Nó được làm bằng gỗ mun, mặt đen bóng, phản chiếu như pha lê, có thể soi mình vào trong đó. Quả đúng là bộ cờ độc đáo, hoàn hảo và tuyệt mỹ như một tác phẩm nghệ thuật.

“Thế nào, đã bắt đầu chưa? Ông Lãm lên tiếng và nói thêm - Thắng thua chỉ một ván thôi nhé, không có ván thứ hai đâu!” Xáng “Vâng!”một tiếng rồi lanh lẹ xếp cờ. Gã bên cờ chữ xanh. Ông Lãm bên cờ chữ đỏ. Nhìn bàn tay phủ đầy lông của Xáng cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt trên từng quân cờ, tim ông Lãm như thắt lại. “Ấy... ấy, cậu cứ từ từ và nhẹ tay một tý. Cờ này không thể vội vàng, hấp tấp thế được. Nhân đây tôi cũng nhắc cậu cờ này khi chơi tuyệt đối không được “bốp, chát” như cờ kia đâu nhé! Phải nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng”. “Vâng!” Mặt Xáng tươi như bình minh vừa hé rạng. Bỗng gã ngẩng lên nhìn ông Lãm, đổi cách xưng hô và dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, bằng bộ cờ ngà voi này tôi sẽ thắng ông”. Ông Lãm trố mắt nhìn Xáng rồi bỗng cười khẩy và cũng đổi cách xưng hô: “Chú mày mà thắng được ta, ta xin từ bỏ cờ không bao giờ chơi nữa. Nào, ta nhường chú mày đi trước!” Mặt Xáng vênh lên: “Hãy khoan, hôm nay chơi với ông tôi còn muốn chấp ông một con xe và một con pháo”. Nói rồi gã đưa tay nhón luôn hai quân cờ. Nhưng gã không đặt hai quân cờ đó xuống bên bàn cờ như người ta vẫn thường làm mà cứ nắm nó khư khư trong tay như không bao giờ chịu buông ra. Vẻ mặt ông Lãm đang dương dương tự đắc bỗng ỉu xìu, biến sắc khi ông nhìn vào tay gã. Bàn tay Xáng trông mới cồ cạp, gân guốc làm sao! Ông có cảm tưởng như bàn tay dữ dằn, gớm ghiếc kia của gã có thể làm xây xát hoặc cũng có thể sẽ vung lên, giáng một cái xuống nền nhà, đập nát hai quân cờ của ông. Chao ôi! Nếu đúng như thế thật thì bộ cờ ngà voi của ông sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Nó sẽ trở nên què quặt, thui dột không còn cân đối nữa. Nó sẽ không còn có ý nghĩa, giá trị gì nữa hết. Rồi ông sẽ biết ăn nói thế nào với tổ tiên, dòng họ mỗi khi thắp hương đứng trước bàn thờ. Mới chỉ nghĩ thế thôi ông Lãm đã thấy sởn cả tóc gáy, héo hắt cả ruột gan. Ông vội vàng nói với Xáng: “Thôi, hôm nay chú mày thắng ta, nhất định thắng ta. Chú mày cứ bỏ hai quân cờ đó xuống, ta chơi đều cờ, thắng thua không thành vấn đề. Mà ngộ nhỡ chú mày có thua ta thì ngày mai ta cũng sẽ tuyên bố khắp thiên hạ là ta thua chú mày... ta thua chú mày, được chưa?” Mặt Xáng vẫn trơ lỳ như đá và tay gã vẫn bóp chặt hai quân cờ. “Hay là chú mày cần cái cơ ngơi nhà cửa này của ta, ta cũng cho chú mày tất. Chỉ cần chú mày bỏ hai quân cờ đó xuống. Nào! Bỏ xuống đi rồi chơi”. “Không! Tôi không cần gì cả, tôi chỉ cần đánh bại ông”. Tiếng Xáng rít lên và tay Xáng dang ra liệng thẳng cả hai quân cờ vào bếp lửa. Ông Lãm kêu lên một tiếng thất thanh rồi nhảy bổ tới bê chậu nước hắt vào bếp. Nhưng muộn quá rồi, cả hai quân cờ đã bị lửa làm cho biến dạng, trở nên méo mó, quăn queo. Ông Lãm chỉ tay vào mặt Xáng quát to: “Được! Tao sẽ tính chuyện này sau, còn bây giờ tao phải chơi với mày để mày biết ai là người chiến thắng”. Người trong xóm đổ xô tới vây lấy hai người. Và cuộc cờ có một không hai bắt đầu diễn ra. Dù có lợi thế hơn hẳn Xáng hai quân cờ chủ lực là xe và pháo, nhưng ở ván cờ này do phải suy nghĩ quá nhiều về bộ cờ ngà voi đã vĩnh viễn mất đi hai con, ông Lãm đã không thể nào còn đủ minh mẫn để làm chủ thế trận. Và ông đã thua gã Xáng. Đó là trận thua đầu tiên trong đời cờ của ông. Đó cũng là trận thắng oanh liệt nhất trong đời cờ của Xáng.

Ôi, một trận cờ! Một trận cờ mà lần đầu tiên Xáng được thoả thích chiêm ngưỡng, thoả thích sờ mó những quân cờ độc nhất vô nhị; một trận cờ mà gã cho là trong đời cờ của mình gã chưa bao giờ được tận hưởng niềm chiến thắng ngọt ngào, hân hoan đến thế. Mặc dù chỉ ngay sau khi kết thúc cuộc đấu, gã đã phải đánh đổi bằng một trận đòn nhừ tử từ những người nhà ông Lãm và phải cắp đít bỏ chạy đến bán sống bán chết. Còn ông Lãm, người mà trước trận đấu hãy còn là một tay cờ uy danh, tiếng tăm lừng lẫy, giờ phải bó gối ngồi đó, ủ rũ bên bàn cờ. Rồi cả cái phong thái ung dung, đĩnh đạc nơi con người ông ta trong những lần ông ta “điều binh khiển tướng” trước đây cũng như biến mất để thay vào đó là một vẻ mặt âu sầu và một tinh thần rệu rã. Hẳn ông đang rất khổ tâm. Không biết ông đang khổ tâm về chuyện gì? Vì phải mắc lừa Xáng để đến nỗi thất bại thảm hại? Hay vì bộ cờ ngà voi, kỷ vật tổ tiên để lại mà ông coi như báu vật nay không còn nguyên vẹn nữa? Hay cũng có thể do ông nghĩ cao xa hơn rằng ông đã tự mình làm tổn thương đến bản sắc, truyền thống tốt đẹp vốn có của gia đình, dòng họ? Càng nghĩ, ông càng thấy xót xa, ân hận. Giá mà ông biết kìm nén lòng huênh hoang, tự ái vớ vẩn của bản thân, biết nhường nhịn kẻ yếu, biết xem thường chuyện hơn thua trong các cuộc chơi... thì mọi chuyện chắc đã rất khác... rất khác.          

N.N.C

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 159 tháng 12/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground