Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con miêu

T

ôi có một con Miêu. Ngoài cái bản năng muôn thủa trời trao cho loài chó, nó còn có biệt tài mà với bất cứ một con mèo tinh anh nào cũng phải kiêng nể, nghiêng mình bái phục.

Con Miêu không vạm vỡ, cường tráng, oai phong của loài chó Bécgiê, cũng không uỷ mị, thướt tha như loài chó Nhật, nó là loại chó ta nên rất bình thường. Với cái đầu nhỏ, tròn trịa, tai vểnh lên phía trước, đôi mắt to sáng lung linh màu hổ phách, trên bộ lông đen mướt dày có những viền trắng chạy quanh cổ và tứ chi nên tho¹t nhìn nó giống như một con mèo. Cũng chính vì vậy mà hai đứa con của tôi đã đặt tên cho nó là Miêu (Tức Mèo).

Ở đời, cái tên thường hay gắn liền với định mệnh, ví như đối với con người, những ai mang tên của các loài hoa thì đường tình ái dễ lắm chênh chao, hoặc có vần trắc thì thường là rất khí khái... Có thể nhiều người không đồng tình với tôi về quan niệm đó, nhưng con Miêu của tôi thì sự thực là như vậy.

Năm ấy, mới tách tỉnh, chúng tôi trở về tỉnh cũ của mình, cơ sở vật chất hầu như phải xây dựng lại từ đầu nên nhà ở hết sức khó khăn. Vợ chồng tôi được cơ quan ưu tiên cho một căn hộ tập thể với vỏn vẹn chưa đầy chín mét vuông. Thôi thì hai vợ chồng, một đứa con và tất tần tật gia sản vun vén trong mười mấy năm làm việc nhà nước chất cho bằng hết vào đó. Thế là hạnh phúc lắm rồi, còn ối người mơ được như mình - Tôi tự nhủ vậy. Hai năm sau tôi sinh cháu thứ hai và lúc này điều kiện kinh tế gia đình cũng khá hơn trước, những vật dụng thiết yếu trong gia đình được mua sắm thêm, vì vậy căn hộ tập thể cứ thế nhỏ dần, chật chội, bức bối muốn vỡ tung ra. Vợ chồng tôi đang loay hoay chưa biết phải xoay xở thế nào thì một hôm bố tôi đến thăm. Ông nhìn quanh phòng rồi bảo: “Bố thấy các con ăn ở thế này vất vả quá... Bố mẹ có lô đất mới được thị xã cấp, các con lấy rồi vay mượn thêm tiền mà làm nhà”. Chồng tôi ấp a, ấp úng. Tôi biết anh ấy đang do dự, phần vì bất ngờ, phần e ngại với món tài sản quá lớn này của bố, mẹ vợ. Còn tôi khỏi phải nói là đã vui mừng đến thế nào. Tôi cám ơn bố rối rít. Bố tôi cười: “Bố cô, cứ nhõng nhẽo như là còn nhỏ lắm ấy. Tôi không cho vợ chồng cô thì còn cho ai nữa...”. Quả thực vậy, bố mẹ tôi sinh được ba anh em, thì hai anh trai tôi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và đều rất thành đạt, chỉ riêng tôi, cô em gái út là vất vả, nên được cưng chiều nhất. Mọi thứ có thể được thì hầu như bố, mẹ tôi đều dành cho tôi cả. Tôi thì bố, mẹ cho mấy cũng chẳng vừa, cứ như gió vào nhà trống ấy.

Sau khi làm xong thủ tục kế thừa lô đất thì cũng là lúc bố, mẹ tôi nghỉ hưu và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh ở với các anh. Trước lúc đi mẹ tôi đưa cho tôi quyển sổ tiết kiệm rồi bảo: “Bố mẹ chỉ có từng này con cầm lấy mua thêm ít sắt thép, xi măng mà làm nhà. Bố mẹ vào ở với các anh con chẳng thiếu thứ gì đâu, chỉ thương con thôi... Con làm nhà còn thiếu bao nhiêu, mẹ bảo các anh con hỗ trợ thêm...”  Tôi oà khóc ôm lấy mẹ không nói nên lời...

Sau ngày bố, mẹ tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, với số tiền rút ra từ sổ tiết kiệm, cùng sự giúp đỡ của hai anh trai và gom góp bấy lâu nay, vợ chồng tôi xây được một ngôi nhà gần một trăm mét vuông, khá khang trang. Hồi ấy so với những người xung quanh thì vợ chồng tôi được xếp vào hàng khá giả. Nhiều bạn bè không khỏi ngạc nhiên, tấm tắc khen ngợi và chúc tụng hết lời. Vợ chồng tôi không lấy gì làm quá tự hào trước những lời khen, chúc tụng đó, nhưng thực sự là rất vui, vì từ nay đã có “một ngôi nhà trong mơ” mà nếu dùng con số của toán học thì nó đã gấp hơn mười một lần (100/9) căn hộ tập thể chúng tôi đang ở.

Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi căn hộ tập thể với biết bao kỷ niệm vui, buồn chất chứa để chuyển đến ở ngôi nhà mới. Tâm trạng tôi những ngày đầu cứ lâng lâng, phấn chấn như đi trên mây, trên mưa, nhiều lúc tôi đứng ngÈn ra sững sờ trước ngôi nhà của mình mà ngắm nghía mãi không biết chán... Thế rồi niềm vui cũng dần lắng xuống bởi còn phải lo toan với biết bao đòi hỏi thường nhật của cuộc sống.

Về nhà mới rộng rãi, tự do trong sinh hoạt nên chúng tôi thấy rất thoải mái và mãn nguyện. Duy chỉ có một điều đến là khốn khổ, khốn nạn mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới, đó là cái hoạ “Chuột”. Chao ôi! Họ hàng nhà chuột không biết ở đâu mà lắm thế, nào là chuột chù, chuột nhắt, chuột cống... với đủ các thế hệ từ ông bà, ông vải đến cháu, chắt, chút chít, lúc nhúc từng đàn, từng đống. Nhiều con to bằng cả bắp chân xù lông, xù lá, nhiều con bằng ngón tay, ngón chân đỏ hỏn trông đến phát khiếp. Chuột ăn với người, ở với người, sinh sống với người như là bạn tâm giao... Chăn màn, quần áo bất kể mới, cũ, thức ăn, vật dụng trong gia đình cất ở đâu chúng cũng gặm, nhấm, khới cho tan nát, lót ổ sinh con, đẻ cái... Ngủ cũng không yên, chúng chui vào ngửi, cắn vào chân, tay, mặt mũi... phải nói là không còn gì khổ hơn sự tác oai, tác quái của lũ chuột này nữa. Nguyên do, ngôi nhà của chúng tôi xây dựng tại vị trí mà nguyên trước đây là dãy kho chứa lương thực của Công ty Lương thực tỉnh. Sau khi chuyển đổi cơ chế kinh doanh mới, Công ty Lương thực tỉnh xuất bán hết lương thực, thanh lý tài sản rồi bàn giao mặt bằng lại cho thị xã, thị xã quy hoạch thành khu nhà ở, chia lô cấp cho các hộ gia đình. Từ chỗ có nguồn thức ăn vô tận nay hoàn toàn mất trắng không còn gì để sinh nhai nữa, hỏi làm sao mà họ hàng nhà chuột không điên lên, liều lĩnh mà gây hoạ cơ chứ. Vì vậy gia đình tôi phải khổ sở với chúng âu cũng là điều tất nhiên. Nhưng không thể để cho chúng cứ ngang ngược hoành hành mãi, tôi quyết định mua một lúc bốn con mèo về nuôi, rồi cười thầm: Chỉ cần nghe tiếng kêu của mấy con mèo này thì họ hàng nhà chuột cũng khiếp vía rồi chứ chưa nói đến những móng vuốt sắc lẻm và những chiếc răng nhọn hoắt của chúng. Nào hay, chỉ được thời gian đầu là có phần yên ổn, sau đó thì đâu lại vào đấy. Họ hàng nhà chuột chẳng còn biết sợ hãi là gì nữa. Nhiều lần thấy những con chuột cống to thủ thế, bốn con mèo cứ co rúm cả người lại. Quả thực là ngay cả tôi thấy chúng cũng ớn lạnh cả xương sống. Chỉ có chồng tôi khi nào ở nhà thì vác gậy rượt đuổi hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng làm sao mà lúc nào cũng rượt đánh chúng được. Vợ chồng tôi đã hết cách (thuốc chuột, bẫy chuột...) chỉ còn biết nhìn chúng ngao ngán. Một hôm, tôi có anh bạn nhà văn đến chơi thấy họ hàng nhà chuột ngang nhiên lộng hành giữa ban ngày, ban mặt và bộ mặt buồn rầu, thở vắn, than dài của tôi, anh bảo: “Chuột nhiều thế này thì mèo “khóc” là phải rồi, chỉ còn một cách độc nhất vô nhị thôi, đó là phải dùng đến chó...”. Tôi nghĩ: mèo là khắc tinh của chuột còn chẳng ăn thua gì huống hồ là chó. Nhưng không còn cách nào khác, tôi đành nghe theo lời anh bạn, đến nhà người chị kết nghĩa xin một con chó vừa bỏ bú về nuôi (sau này là con Miêu). Khi con miêu được khoảng năm cân, tôi đem nhốt nó vào một căn phòng kín rồi dùng một bó cây trinh nữ khô đốt xông nó. Khói lên mù mịt, con Miêu ho sặc sụa, sủa inh ỏi rồi cào cấu vào cửa ầm ầm. Mặc! Tôi cứ thế tra tấn nó. Chừng cảm thấy vừa đủ tôi mở cửa, con Miêu lao ra như tên bắn, phóng mất tăm, mất tích. Không biết có ăn thua gì không mà hành nó thật tội nghiệp - Tôi vừa thương, vừa lo, sợ con Miêu khiếp quá mà bỏ chủ đi thẳng luôn. Nhưng tôi đã nhầm, vì ở trên đời này có giống loài nào trung thành, gần gủi, thân thiết với con người hơn loài chó đâu. Và đúng như vậy, khoảng gần một tiếng đồng hồ sau thì con Miêu về. Nó sợ sệt chạy chui vào phía dưới nhà bếp, tôi bận theo công việc nên chẳng để ý đến nó nữa. Buổi tối vừa về tới nhà thì chao ôi, một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt tôi, cả khu vực nhà bếp như một trận chiến tàn khốc vừa mới xảy ra, máu me chảy nhờn nhợt khắp nhà, tởm lợm đến buồn nôn, chuột to, chuột nhỏ, con nằm sấp, con nằm nghiêng, con nằm tơ hơ, thôi thì đủ kiểu la liệt không còn lòng dạ nào mà đếm xuể.... Con Miêu vẫn chạy đến hít hít lên chân tôi như mọi khi, nhưng lần này thì cái mõm của nó đã dính vào chân tôi thứ nước màu hồng hồng tanh tưởi, khiến tôi rùng mình. Những ngày sau cái cảnh tượng ghê người ấy vẫn diễn ra cho đến một hôm thì không thấy nữa. Họ hàng nhà chuột không chịu mãi được sự tang thương, mất mát khủng khiếp ấy nên đành dắt dìu nhau đi sinh sống ở những nhà bên cạnh. Tôi mừng hết độ nói, từ nay được ăn ngon, ngủ yên không còn cảnh nơm nớp lo sợ như trước đây nữa. Thì ra mùi khói của cây trinh nữ giống y như mùi chuột, nên con Miêu đã căm tức đến nhường ấy. Thời gian đó gia đình tôi yên ổn, thoải mái bao nhiêu thì những nhà xung quanh lại khổ sở thêm bấy nhiêu, nhất là nhà vợ chồng Túc cùng chung tường với nhà tôi. Tôi thấy thương họ nên đem bí quyết về chuyện của con Miêu ra kể, hy vọng họ cũng sẽ mau chóng thoát khỏi cảnh chuột quấy phá như gia đình tôi. Chẳng biết họ có tin lời tôi và làm theo không thì tôi không rõ, nhưng cái nạn chuột hoành hành thì vẫn vậy, vì ngày nào tôi cũng nghe thấy những lời ca cẩm từ những nhà xung quanh. Vợ chồng Túc xin một con chó con (Đặt tên là Mi Lu) vừa mới biết ăn cơm về nuôi, đêm nào cũng kêu inh ỏi. Tội nghiệp! chắc nhớ mẹ và thèm bú lắm. Cùng thời gian đó con Miêu sinh lứa đầu được mỗi một con chó đực (Đặt tên là Miu), thế là ngày nào con Mi Lu cũng cùng con Miu lẽo đẽo theo con Miêu bú như cặp song sinh. Khoảng hơn một tháng sau, con Miu chạy ra đường không may bị xe hon đa tông chết. Con Miêu buồn bỏ ăn mấy ngày, hai đứa con của tôi sợ nó chết, bảo tôi mời thầy thuốc thú y đem thuốc bổ về tiêm cho con Miêu. Sau mấy ngày tiêm thuốc bổ, con Miêu hồi phục sức khoẻ và kể từ đó hầu như tất cả tình cảm của nó đều dành hết cho con Mi Lu. Một mẹ, một con, con Mi Lu béo trùng trục và lớn nhanh như thổi.

Một hôm con Mi Lu không biết vì lý do gì bị một con chó đè xuống cắn cho chí tử, nó kêu inh ỏi rồi rên thảm thiết, lết đi không nổi, con Miêu đang ăn dưới bếp nghe thấy phóng ra như tên bắn. Nó nhằm vào cổ con chó cắn con Mi Lu to gấp rưỡi nó, ngoặm một cái không thương tiếc làm con chó kia khiếp đảm bỏ chạy. Không buông tha, nó rượt đuổi một đoạn xa, khi thấy mất hút mới quay về rồi âu yếm, liếm lên vết thương của con Mi Lu. Lão Túc lúc này mới biết chạy ra tưởng con Miêu cắn, tung chân đá một cái như trời dáng vào đầu con Miêu làm nó lăn quay đi mấy vòng, mới lồm cồm nhổm dậy được, vừa kêu ăng ẳng vừa bỏ chạy vào nhà. Khổ thân con Miêu, thân hình to như hộ pháp của Lão Túc và với chiếc dày đinh to xù của hắn đã xé rách một mảng thịt trên mặt con Miêu làm máu ứa ra. Tôi thấy vậy tím tái cả mặt mày. Không nhịn được, tôi hét lên: “Sao ông lại làm vậy...”. Mấy đứa trẻ hàng xóm chơi gần đó chạy lại bảo: “Không phải con Miêu cắn đâu mà là con chó của nhà ông Thanh đầu kia kìa”. Hắn ngớ người ra rồi lẳng lặng bỏ vào nhà. Hai thằng con của tôi thương con Miêu quá vừa lấy muối và nghệ giã ra đắp cho nó vừa lầm bầm: “Người gì mà ác thế...”. Tôi bảo: “Các con không được nói vậy... chẳng qua chú ấy tưởng con Miêu nhà mình cắn...”. Và quả thực tôi cũng thấy hối hận vì đã hơi quá lời với Túc, chuyện chẳng có gì to tát để rồi hàng xóm láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau, mất lòng nhau...

Hôm sau thì con Miêu khoẻ hẳn, còn con Mi Lu bị cắn đau quá nên không lết ra được khỏi nhà. Con Miêu thương lắm, nó cứ lẩn quẩn bên con Mi Lu. Nó đưa chân xé mảnh vải băng trên mặt dùng lưỡi liếm vào muối và nghệ rồi liếm vào vết thương cho con Mi Lu. Không biết nó kiếm được ở quán nào mà tha về một chiếc đùi gà dúi dúi vào mõm con Mi Lu. Con Mi Lu ngoặm lấy nhai nghiến ngấu. Rồi những ngày kế tiếp lúc thì con Miêu tha về khúc xương, lúc thì miếng thịt cho con Mi Lu. Hai đứa con của tôi nói với tôi: “Mẹ ơi! Con Miêu nhà mình bị ông Túc đá cho chí chết, thế mà nó không sợ mẹ ạ!...”.

***

Lão Túc là kỹ sư xây dựng, hiện công tác tại Phòng cơ sở hạ tầngcủa thị xã, thân hình vạm vỡ, cường tráng, khuôn mặt ưu nhìn và nói chuyện rất có duyên. Phải nói là hắn khá điển trai và là mẫu đàn ông lý tưởng của phụ nữ thời nay. Còn vợ hắn là giáo viên Trường Trung học Phổ thông của thị xã. Một phụ nữ đẹp và nhìn cũng rất dễ thương, chẳng kém cạnh gì hắn. Về hình thức và cả trình độ thì ai cũng phải công nhận đó là một cặp uyên ương tài, sắc trời sinh. Hơn nữa họ còn sống với nhau rất hạnh phúc, chẳng bao giờ nghe thấy tiếng to, tiếng nhỏ với nhau...

Đối với gia đình tôi được ở gần đôi vợ chồng này nên cũng thấy thơm lây, vì như ông cha mình vẫn thường nói: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần..”. Và tôi đã thầm nhủ với lòng mình lấy đó làm gương, nhất là mỗi khi vợ chồng có chuyện khục khặc nhau.

Nhưng rồi dần dà tôi đã nhận ra trong ánh nhìn của vợ chồng Túc, vợ chồng tôi chỉ thuộc vào tầng lớp dưới - Có nghĩa là vợ chồng họ thuộc tầng lớp cao sang, bậc trên của chúng tôi. Thôi họ nghĩ vậy cũng chẳng sao, vì nói một cách thật khách quan thì vợ chồng tôi thua kém họ nhiều bề: Học vấn, địa vị, kinh tế... Tôi cứ an phận và lặng lẽ sống...

Bố của Túc hiện đang giữ một địa vị khá quan trọng trên tỉnh, chức vụ của Túc ở thị xã thì nhiều người nằm mơ cũng chẳng thấy. Nói tóm lại Túc là một người rất có vai vế của thị xã. Vợ chồng Túc chính thức được cấp một lô đất liền kề với gia đình tôi, chứ không phải như vợ chồng tôi được chuyển quyền thừa kế từ bố, mẹ. Cùng được cấp đất một lần, nhưng vợ chồng Túc lại làm nhà sau chúng tôi một năm, không phải là do thiếu tiền mà là do đi xem tuổi, thầy phán như vậy. Hồi ấy khi vợ chồng tôi chuẩn bị đổ móng trụ thì Túc tới, vẻ mặt xởi lởi: “Thế là em chuẩn bị được làm láng giềng với hai bác rồi, thật quý... Em xin ý kiến hai bác thế này: ...mình nên xây chung tường... hai bác để  sắt chờ cho em... kinh phí hết bao nhiêu sau này em sẽ thanh toán...”. Vợ chồng tôi nghe Túc nói thật có lý, có tình, thực sự là cả hai bên cùng có lợi vừa giảm được chi phí, vừa diện tích sử dụng nhà được rộng hơn. Chồng tôi hồi ấy hay đi công tác luôn nên hầu như việc làm nhà đều uỷ thác cho tôi, ấy vậy nhưng vẫn rất cẩn thận dặn với ông thợ cả là nhớ quét nước xi măng thật kỹ lên những thanh sắt chờ để sau này Túc làm nhà khỏi bị rỉ.

Như tôi đã kể trên, năm sau thì Túc làm nhà. Túc làm nhà mà cứ như là không chung tường với gia đình tôi. Thợ đục tường, đục dầm, đục trụ... để nối sắt cứ ầm ầm rung cả nhà tôi lên. Thấy bực bội trong người tôi nói với chồng tôi: “Chú Túc này kể cũng buồn cười thật, làm nhà mà chẳng nói với vợ, chồng mình một lời cho phải nhẽ...”. Chồng tôi bảo: “Người ta làm nhà cũng như mình ấy mà phải lo trăm thứ...”. Tôi bụng dạ đàn bà nên hay so đo, nói với chồng: “Em thấy họ làm nhà có vất vả chạy đôn, chạy đáo như vợ chồng mình đâu, vẫn quần là, áo lượt, nhậu nhẹt tối ngày đó thôi...mình đưa bản vẽ và bản tính chi phí của bức tường chung hồi trước ông thợ cả đã tính cho chú ấy xem, kẻo sau này rồi ...”. Chồng tôi bảo: “Đâu thì có đó, mình có phải là người tính hơn, tính thiệt gì đâu mà sợ...”. Vốn tính cẩn thận, ngày hôm sau tôi đưa toàn bộ hồ sơ về bức tường chung cho Túc. Túc xem lui, xem tới rồi bảo với tôi: “Chị cứ để đây, em xem lại rồi thống nhất với chị sau”. Căn nhà của Túc xây dựng sau một thời gian thì hoàn tất và so với nhà tôi thì hơn hẳn. Đẹp hơn cả về thiết kế nội thất lẫn quy mô của nhà. Nhà tôi chỉ một tầng, con nhà Túc xây dựng hai tầng hoàn chỉnh. Hồi đó dãy phố của tôi chưa có ai xây dựng được tầng hai như nhà Túc. Xây dựng nhà xong và chuyển về ở đã khá lâu mà cũng không thấy vợ chồng Túc đả động gì đến việc thanh toán khoản tiền chung tường. Tôi thấy bực bội trong lòng, không dấu được nói với chồng: “Vợ, chồng chú Túc này thật không còn coi người ta ra gì nữa...”. Chồng tôi lại bảo: “Chắc là vừa mới làm nhà xong nên cô, chú ấy còn kẹt...”. Tôi điên tiết lên, giận dữ với chồng: “Ông thì lúc nào cũng co rúm cái cổ lại như con trút ấy. Người ta không thiếu tiền mà là coi khinh vợ chồng mình - Ông có biết không?...”.

Thế rồi hình như không thể kéo dài thời gian hơn được nữa, ít lâu sau vợ Túc đem tiền sang thanh toán bức tường chung ấy cho tôi và bảo: “Vợ chồng em bận bịu nhiều công việc nên quyên khuấy đi mất, anh chị thông cảm...”. Tôi cũng xã giao: “Không có việc gì đâu, gạo chưa ăn thì còn đó mà, cô chú đừng bận tâm!...”.

Câu chuyện chung tường của gia đình tôi và Túc không dừng lại đó, vì nếu như vậy thì chẳng có gì phải nói nữa. Ít năm sau, chồng tôi chuyển sang kinh doanh gỗ xuất khẩu nên làm ăn khấm khá hẳn lên. Ngôi nhà chúng tôi ở trước đây được coi là “Thiên đường” bây giờ xuống cấp dần so với chính nó và mọi nhà xung quanh, đặc biệt là về mùa hè “Đỏ lửa” của quê tôi với cái nóng như thiêu, như đốt thì ngôi nhà bê tông một tầng trở nên ngột ngạt, bức bối không thể thoả mãn được nữa. Vợ chồng tôi quyết định nâng lên một tầng nữa (Tầng 2). Sau khi làm xong thủ tục giấy phép xây dựng và chuẩn bị đầy đủ vật liệu, tôi sang gặp vợ chồng Túc nói rõ ý định của gia đình mình, việc thanh toán bức tường chung và mong vợ chồng Túc thông cảm trong quá trình xây dựng sẽ gây ra những tác động không thể tránh được. Túc bảo: “Anh chị cứ việc xây dựng...”. Rồi đưa bản tính chi phí bức tường chung tầng hai cho tôi. Tôi bận bịu lo việc thợ thầy, hơn nữa chồng tôi đang dở dang một phi vụ kinh doanh nên định bụng chờ anh ấy về xem lại bản tính chi phí rồi thanh toán cho vợ chồng Túc. Tôi cũng nghĩ: Hồi trước tầng một, vợ chồng họ làm xong cả năm trời mới thanh toán cho mình, vì vậy cũng chẳng có gì phải vội vàng. Nào ngờ mấy hôm sau, ở cơ quan về nhà, tôi chẳng thấy thợ thầy đâu. Hỏi thằng cu lớn, nó bảo: “Chú Túc. Chú ấy không cho thợ làm”. Tôi bán tín, bán nghi chạy sang nhà Túc. Vợ Túc bảo: “Anh chị thanh toán tiền chung tường với chúng em rồi làm...”. Tôi không còn tin vào tai của mình nữa tưởng nghe nhầm: “Cô nói sao...!?”. “Thời buổi bây giờ cái gì cũng phải cho rõ ràng, sòng phẳng... thà mất lòng trước để được lòng sau, còn hơn...chị ạ!”. Tôi choáng váng, ruột gan sôi sục lên, nghẹn đắng nơi cổ họng: Chao ôi! Lời nói của một cô giáo, một người phụ nữ mà tôi hằng kính trọng... Không kìm giữ được tôi mỉa mai: “Tôi nói cho cô chú biết, vợ chồng tôi dù có cực khổ, nghèo hèn cũng không bao giờ đi cướp không mồ hôi, nước mắt của ai bao giờ đâu nhé!... Hồi trước khi làm tầng một, sao cô chú không nghĩ vậy cho vợ chồng tôi nhờ... Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng vợ chồng cô, chú là dân trí thức cơ đấy, thật là sơn son, thếp vàng, té ra...”. Tôi làm một thôi, một hồi cho đã giận, đến nước này thì “Lành làm môi, vỡ làm gáo”, chẳng việc gì mà phải giữ ý, giữ tứ nữa. Vợ Túc cũng chẳng vừa vặn gì: “... Vợ chồng anh, chị mà cũng dám nói đến chữ nghĩa à...không biết mình, biết ta...đũa mốc đòi chòi mâm son... thật xấu hổ...”. Tôi và vợ Túc, chẳng ai chịu ai, cuộc khẩu chiến cứ thế bất phân thắng bại. Và dĩ nhiên từ đó quan hệ của hai gia đình trở nên nặng nề, xa vắng cứ như mặt trăng với mặt trời, sao hôm với sao mai... 

***

Con Miêu và con Mi Lu chẳng hề để ý gì về mối quan hệ “đóng băng” của hai gia đình, chúng vẫn thương yêu nhau như mẹ con vậy, lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Thời gian cứ thế trôi đi con Mi Lu lớn bằng con Miêu rồi to hơn con Miêu, nhưng trong cử chỉ, ánh mắt của nó, nó vẫn là con của con Miêu. Năm ấy con Miêu sinh được một con cún con (Đặt tên là Miu Miu), con Mi Lu cũng sinh được một con cún con (Đặt tên là Mi Mi). Ngày ngày con Miêu và con Mi Lu cùng dắt con ra khoảng sân chung trước hai nhà quây quần với nhau. Có lúc con Mi Mi thì chạy sang bú con Miêu, còn con Miu Miu lại chạy sang bú con Mi Lu. Người lạ thì chẳng ai có thể biết được mẹ của hai con cún con là con chó nào. Cũng có lúc chúng chơi chán ngoài sân thì chạy vào nhà tôi hoặc Túc tuỳ ý như là ngôi nhà chung của chúng. Tôi thì chẳng để ý, mặc kệ chúng muốn chơi ở đâu thì chơi, riêng Túc thì không thích. Vì thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng quát tháo của Túc: “... Cút!... cút ra mau... bẩn hết nhà ông rồi...”. Những lần như vậy tôi thường bảo thằng cu lớn sang nhà Túc đưa mẹ con con Miêu về và dặn ở nhà trông coi đừng để cho nó sang nhà Túc nữa. Vợ chồng Túc cũng dặn với thằng con trai của mình như thế. Nhưng hai thằng con của tôi và thằng con của Túc rất thương mẹ con con Miêu và Mi Lu nên để chúng chơi với nhau, hơn nữa chúng cũng ham đủ trò nghịch ngợm, vì vậy bàn với nhau đến giờ bố, mẹ sắp đi làm về thì đứa nào về nhà nấy để canh giữ chó. Hôm ấy không biết có việc gì mà giữa giờ vợ Túc đột ngột về nhà, thằng con Túc vội vàng đuổi con Miêu về, con Miêu không hiểu ý mãi lẩn quẩn với con Mi Mi và con Miu Miu, nó sợ quá đưa chân đá con Miêu một cái, không may trúng mõm con Miêu nên bị rách ở chân. Vợ Túc bù lu, bù loa đưa con sang bắt đền tôi và còn hăm doạ từ nay mẹ con con Miêu mà còn sang nhà thì đừng có trách vợ, chồng Túc. Lời qua, tiếng lại tôi và vợ Túc chẳng ai nhường nhịn ai và thế là mối quan hệ của hai gia đình vốn đã căng thẳng nay lại càng căng thẳng hơn. Còn hai thằng con trai của tôi hôm ấy bị một trận đòn của mẹ nhớ đời ...

                                                 ***

Sau trận đòn của mẹ, hai thằng con của tôi đã chú tâm hơn đến việc canh giữ mẹ con con Miêu và tôi cũng yên tâm được phần nào. Một hôm tôi đi ra tỉnh họp sớm, buổi trưa ở lại không về nhà. Tôi vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì nghe điện thoại di động reo. Tiếng thằng cu lớn trong điện thoại, mếu máo: “Mẹ ơi! con Miêu bị đau, nó nôn ra toàn máu là máu mẹ ạ!...”. Tôi ngạc nhiên, quái lạ, lúc sáng mình đi nó vẫn khoẻ, còn ngửi ngửi vào chân mình như mọi ngày, không có dấu hiệu gì bị dịch bệnh cả, vậy mà sao nó lại bị đau nhanh như vậy, hay là ăn phải cái gì rồi?. Tôi vội vàng nói với con: “Mẹ ở xa không về được, con sang nhờ chú Nam chở lên Bà Mai, bác sỹ thú y, mời bà về chữa cho nó nhé! Cứ bảo với bà ấy hết bao nhiêu tiền mẹ sẽ trả sau. Con đi liền đi!...”. Tôi điện cho con rồi mà lòng dạ không nguôi lo âu, không biết con Miêu có việc gì không? Buổi chiều họp xong tôi tất tả về ngay quên cả ghé chợ mua thức ăn buổi tối. Vừa vào đến nhà đã thấy hai thằng con khóc bù lu, bù loa: “Con Miêu chết rồi, mẹ ơi! Bà Mai tiêm thuốc nhưng không ăn thua gì. Bà ấy bảo nó bị trúng độc... hu...hu...”. Tôi nghe con khóc mà não cả ruột, nhưng không khỏi băn khoăn, làm sao mà con Miêu trúng độc được nhỉ? Nhà mình có đơm thuốc gì đâu... Tôi bước đến chỗ con Miêu nằm. Con Miêu như đang ngủ, trước mõm nó là một vũng máu tím bầm. Con Miu Miu không hề biết mẹ nó đã chết cứ chồm lên, chồm xuống nơi hàng vú của mẹ nó mà day - Tội nghiệp nó đang khát sữa quá đó mà. Tự dưng hai hàng nước mắt tôi ứa ra không sao cầm lại được: “Trời ơi! Miêu ơi!...”. Hai thằng con tôi thương con Miêu đến thắt ruột, bần thần mãi, cuối cùng chúng cũng phải bỏ con Miêu vào chiếc bao dứa đem lên trên quả đồi cách nhà tới hai cây số để chôn. Chúng thắp hương, đốt giấy tiền vàng bạc cho con Miêu trong tiếng nấc tiếc thương của tuổi học trò. Con Miêu chết rồi, ngoài cái tình cảm mà bao năm nó gắn bó với gia đình tôi, một mối lo về chuột quấy phá lại ám ảnh trong lòng. Nhưng tôi lại được an ủi vì dù sao cũng còn con Miu Miu, rồi con Miu Miu sẽ lại như mẹ nó thôi... Buổi tối, hai thằng con của tôi cứ thao thức mãi không ngủ, tôi nghĩ bụng, chắc chúng chưa nguôi được nỗi buồn thương con Miêu. Bổng thằng cu lớn ậm ừ: “Con biết vì sao con Miêu nhà mình chết rồi mẹ ạ!”. Tôi gõ gõ vào đầu nó: “Thôi ngủ đi, đừng nói linh tinh nữa, bác sỹ còn chẳng biết, huống hồ là con...”. “Chắc là nó bị mắc xương. Sáng nay lúc mẹ đi làm rồi, con dậy quét nhà thì thấy con Miêu nhà mình đang gặm gói xương gà ở trước nhà chú Túc. Lúc đó nhà chú Túc cửa vẫn đóng. Sau đó thấy chú Túc mở cửa rồi vội vàng thu dọn sạch sẽ gói xương ấy bỏ vào thùng rác”. Tôi nghe con nói mà như có mũi kim đang đâm thốc vào tim mình. Phải rồi, tôi rên lên trong lòng: “Đồ khốn nạn, đồ vô nhân tính, hắn đã thuốc con chó của mình...”. Nỗi tức tối của tôi ứ lên tận cổ họng nhưng đành phải cố kìm giữ vì sợ con nghe thấy. Tôi sợ gieo vào tuổi thơ, còn quá non nớt của chúng sự mặc cảm cuộc sống, những điều chẳng hay ho, tốt lành gì của người lớn để chúng phải gánh chịu...

Tội nghiệp con Miu Miu, cả đêm không có mẹ, khát sữa kêu inh ỏi. Thằng cu lớn đục hộp sữa bò pha cho nó uống. Nó chỉ uống một ít rồi thôi. Có lẽ vì đói quá mà uống chứ có thứ sữa nào của loài người này thay thế được sữa của mẹ nó đâu. Mấy ngày sau con Miu Miu gầy rạc đi. Hai thằng con tôi thay nhau ôm nó, dúi mõm nó vào bát sữa bò, nó chỉ liếm một tý rồi thôi. Mấy ngày ấy không thấy tăm hơi con Mi Lu đâu, thì ra lão Túc xích lại không cho nó ra khỏi nhà. Tôi nói vậy vì cũng nghĩ bụng, trước đây mẹ con con Miêu và mẹ con con Mi Lu vẫn chơi với nhau và vẫn cho chúng bú lẫn nhau.

Rồi con Mi Lu được thả ra, con Miu Miu mừng tíu tít. Nó chúi mõm vào vú của con Mi Lu mà rúc không biết chán, con Mi Lu thì âu yếm liếm liếm lên đầu nó như là mẹ con đi xa lâu ngày mới gặp lại. Mấy ngày sau đó nhờ bầu sữa của con Mi Lu mà con Miu Miu đỡ hẳn. Hai đứa con của tôi mừng ra mặt, chúng lấy sữa, lấy thức ăn ra cho con Mi Lu ăn rồi bảo: “Mày cố ăn cho thật nhiều để có sữa cho con Miu Miu nhà tao bú với nhé!...”.

Một hôm tôi đang nấu ăn dưới bếp thì nghe thấy tiếng con Mi Lu kêu ăng ẳng vẻ đau đớn lắm. Tôi nghĩ chắc lại bị con chó của nhà ai cắn rồi. Vừa nghĩ vậy thì đã thấy hai thằng con của tôi bồng con Miu Miu xuống: “Mẹ ơi! Chú Túc không cho con Miu Miu nhà mình bú. Chú ấy đá cho con Mi Lu một cái đau điếng như là đá con Miêu nhà mình hồi trước ấy... Chú ấy xích con Mi Lu lại rồi..”. Chao ôi! Tôi nghe mà lặng người đi...

Năm hôm sau thì con Miu Miu chết vì khát sữa. Sữa bò, sữa mi lô, cháo gà, cháo bò...tất cả nó đều không thèm. Hai đứa con của tôi lại khóc như mưa, tội nghiệp chúng thương con Miu Miu quá cứ nấn ná không muốn đem đi chôn. Tôi an ủi chúng: “Thôi đừng buồn nữa rồi mẹ sẽ đi xin một con chó khác về cho các con nuôi”. Buổi tối đi ngủ, thằng cu nhỏ của tôi bỗng thức giấc tức tưởi khóc: “Hu...hu... Mẹ ơi! Con mơ thấy con Miêu và con Miu Miu... Giá con Miêu không ăn phải xương... con Miu Miu được bú con Mi Lu thì chúng nó không chết đâu mẹ nhỉ!?...”. Tôi không biết phải trả lời thế nào để không làm vẩn đục tuổi thơ trắng trong của nó, đành vỗ về: “Thôi nín đi con, nín đi con...”...

Cạch...cạch...cạch... “Quái lạ ai đến nhà mình giờ này thế nhỉ” - Tôi nghĩ vậy rồi đi ra mở cửa. Thì ra là thằng cu con của Túc, trên tay đang ôm một con chó con. Nó ngập ngừng một hồi rồi nói với tôi: “Cháu mới xin được con chó này của bà ngoại để cho thằng cu Long nuôi...”. Tôi đang ngớ người ra nhìn nó thì thằng cu nhỏ của tôi đã ào tới hớn hở, mừng rỡ ôm lấy con chó con, rồi ôm lấy thằng cu con của Túc. Bóng hai đứa lấp loá, nhoà trong màn đêm...

 

Đông Hà, tháng 8/2007

V.X

 

Văn Xương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 159 tháng 12/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground