Dì là em nửa dòng máu với mẹ tôi. Cùng mẹ khác cha. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại đi bước nữa, sinh thêm một lô em “đời sau” của mẹ trong đó có dì. Các cậu dì con ông ngoại thứ làm ăn khá giả nhưng ít ai quan tâm tới mẹ. Đương nhiên, với chúng tôi, mối quan tâm còn nhạt nhẽo hơn
Nhớ lúc nhỏ có lần tôi đi đường gặp ông cậu thứ ba kề mẹ. Vòng tay chào, cậu ngạc nhiên: ủa, chớ mầy… con ai? Cạn lời. Sau cuộc đụng đầu hi hữu đó, gặp nhau ngoài đường mạnh ai nấy đi, mẹ nói sao tôi cũng dứt khoát không chào các cậu dì. Họ đâu thèm biết con là ai đâu, chào chi mất công, tôi khăng khăng! Mẹ coi bộ buồn. Nhưng mẹ không thể ép tôi làm cái việc mà chính mẹ cũng thấy nó không ổn! Điều kì lạ là bà ngoại (còn sống) dường như cũng bất lực, không thể kéo xích những đứa con nhiều đời của mình lại gần nhau. Ngoại thương mẹ với một kiểu tình thương gần như vụng trộm! Mà vụng trộm thiệt chớ “gần như” gì. Lúc ông ngoại thứ còn sống thì bảo do ngoại sợ ông. Ông mất rồi nỗi sợ ấy vẫn không tan. Người ta bảo giờ ngoại sợ sự xoi mói của các con đời sau với bà chị cả khác bố, sợ ngoại tuồn của cải ông ngoại thứ để lại cho chị và vân vân. Thực hư không rõ; chỉ biết quan hệ giữa mẹ với hầu hết các cậu dì tuy có đỡ hơn với chúng tôi, nhưng vẫn nhạt.
…Trừ dì Xanh!
2.
Dì Xanh, con gái út của ngoại, là người phụ nữ trên cả đặc biệt. Dì muộn chồng nên sống lâu với ngoại. Hồi nhỏ tôi ít ra nhà ngoại nhưng mỗi lần ra, cứ ngơ ngác ngước nhìn dì Xanh như nhìn… vật thể lạ rớt từ hành tinh! Dì bộ dạng hộ pháp, tóc dài tận mông, tiếng nói ồm ồm. Mặt dì không xấu nhưng vuông vức, góc cạnh. Túm lại, nhìn dì từ đầu chí chân cứ hệt như đàn ông, chẳng tìm đâu ra một xăng ti mét nữ tính!
Vậy nhưng tính dì lại được. Mẹ hay bảo: con Xanh coi xấu xấu vậy mà được nhứt nhà. Mẹ khen dì cái nết ăn ở: siêng năng, hiếu thảo với mẹ già, biết quan tâm tới chị em, con cháu gần xa. Vụ này thì tôi xác nhận: với tôi, chưa khi nào dì để tôi lâm tình trạng dở khóc dở cười như với cậu Ba, vậy nhưng thân thì vẫn chưa, bởi thú thật, nhìn dì tôi hơi sợ. Sợ cái vóc dáng “dị nhân” cái giọng ồm ồm của dì thôi chứ - với tôi - dì chưa làm gì “đắc tội”! Hiềm một nỗi: trời sinh con nít ưa mềm mại dịu dàng; khổ, cái ấy thì dì Xanh rất thiếu! Ra chơi, gặp, chào dì chỉ “ừ” một tiếng gọn lỏn, không mất thêm tiếng thứ hai. Tôi nghịch ngợm, chơi dơ hay làm chuyện gì “bất túc” dì lập tức quát, còn dọa cho ăn roi. Dọa thôi chứ chưa bao giờ thấy dì cầm tới cái roi. Vậy nhưng nhìn bộ dạng dì chưa hù đã đủ ớn huống chi còn bị hù? Túm lại, nói ngay, ghét dì Xanh tôi không ghét nhưng… sợ nhiều hơn thương!
Sở dĩ mẹ kêu dì Xanh “xấu xấu” là do cái tầm vóc cao to bất thường của dì. Chốn quê, không chỉ phụ nữ mà ngay đàn ông cũng đa phần thấp bé. Vậy nên phụ nữ cao to khó lấy được chồng. Ấy mới nói lớn vừa vừa chứ chưa nói tới lớn “quá khổ” như dì Xanh. Chắc vậy nên khi bạn bè trang lứa tay đùm tay dắt, thậm chí ông cậu Út trong nhà cũng đã vợ con đề huề cất nhà ra riêng thì dì Xanh vẫn cứ “lính phòng không”, một mình cùng ngoại sớm hôm. Mẹ hay lắc đầu than: tội cái con Xanh, người tốt mà sao trời hổng thương, kiểu đây chắc ở giá hết đời.
Vậy nhưng mẹ hơi cả lo, dì Xanh không ở góa!
Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN
3.
Hơn bốn mươi tuổi dì Xanh đi lấy chồng. Chồng dì là chú Tuất thương binh xã bên. Hơi thấp bé, cụt một chân. Được cái mặt đẹp trai, so với dì thì ăn đứt!
Làng xóm ai cũng mừng cho “cặp đôi hoàn cảnh” – tưởng ở vậy suốt đời cuối cùng cũng tìm ra một nửa kia. Phải vậy thôi, sống cô đơn tới suốt đời buồn sao chịu thấu. Không chỉ hàng xóm, ngoại với mẹ còn mừng hơn. Mô Phật! Mẹ chắp tay xá xá mà mắt cười rạng rỡ chân chim. Cuối cùng nó cũng lấy được chồng! Nhưng nghe thằng ấy… tật nguyền, rồi làm ăn sao? Ba lên tiếng, coi bộ hơi lo. Tật cái gì, mẹ gắt, bộ ông tưởng cẳng chân lành lặn nó chịu ưng con Xanh nhà mình chắc? Yên tâm đi, tui hỏi kĩ rồi. Nó thương binh có công với nước, lại gia thế tính nết đàng hoàng. Còn vụ tật nguyền ư, có tật ắt có tài…
*
Mừng nhất trong cái hỉ sự này đương nhiên vẫn là hai nhân vật chính: dì Xanh và chú Tuất!
Người ta bảo: phụ nữ ở lớn mới gặp được chồng cứ y như nắng hạn gặp mưa rào, hóa mỡ màng tươi tốt, câu ấy áp vào dì Xanh chắc chắn không sai. Từ ngày có chú Tuất, dì Xanh trông trẻ đẹp, mềm mại hẳn ra. Nói khó tin chứ dường như giọng dì cũng thanh tao hơn, bớt chất ồm ồm! Chú Tuất hơi khó biết bởi bình thường chú đã vui tính, mặt mũi lúc nào cũng như đang cười. Thấy hiền lành vậy ít ai biết chú là lính chiến trường K, từng được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Polpot”. Bị thương do đạp phải mìn K58 của Trung Quốc trong khi truy kích đối phương. Sức công phá của quả mìn 4 lạng thuốc nổ không chỉ khiến chú mất một chân mà còn thương tích đầy mình, phải điều trị hàng năm, hết quân y viện này sang quân y viện khác. Xuất ngũ về quê, tuy có lương hưu nhưng hình hài khiếm khuyết khiến không người phụ nữ nào dám đến với chú. Người ta bảo: thằng đàn ông đủ hai chân có khi còn chưa nuôi nổi vợ con nữa là chỉ một chân, còn thêm bệnh tật. Đúng, chú Tuất giờ hay bịnh lắm, lương chú đem nuôi ăn thì đủ, nuôi thêm bệnh thì… hơi căng. Mặc dù chú có bảo hiểm y tế miễn phí nhưng bảo hiểm gì cũng có giới hạn, chỉ bệnh tật con người là… vô cùng. Vậy nên, mặc dù chú Tuất tính tình dễ thương - phụ nữ tiếp xúc với chú đều phải công nhận - nhưng chỉ để làm bạn. Nói tới chuyện trăm năm, cô nào cũng quay gót bỏ chạy. May, rốt cuộc có một người không bỏ chạy, ấy là dì Xanh! Nghe kể, trước lúc lấy nhau chú Tuất có hỏi thẳng dì: anh tật nguyền, còn sức khỏe kém, lấy anh em không sợ sao? Sợ gì? Sợ anh không nuôi nổi vợ con, còn thành gánh nặng…. Nhưng em đâu có thấy nặng? Còn anh không nuôi em được thì… em nuôi anh, có sao đâu? Nghe đáp gọn bâng, chú Tuất ngước nhìn dì Xanh lom lom (chắc giống nhìn vật thể lạ ngoài hành tinh). Rồi chú ứa nước mắt.
4.
Mấy năm đầu dì Xanh “nuôi” chú Tuất thiệt!
Hình hài, sức lực của dì được dịp phát huy tác dụng. Dì làm khỏe như voi, cáng đáng phăm phăm mọi việc nặng từ đồng áng tới cửa nhà, nhường chú Tuất mấy việc nhẹ nhàng như cơm nước, dọn dẹp. Cũng ổn.
Có điều người đời, sự thị phi đàm tiếu của thế gian luôn không muốn buông tha con người. Nó như một thứ nhu cầu bệnh hoạn của những kẻ rỗi việc từng được tiền nhân đúc kết bằng câu nhàn cư vi bất thiện. Đi làm về, dì Xanh thấy bộ dạng chú Tuất buồn buồn. Hỏi chú cứ chối quanh. Gặng riết mới khai. Té ra dạo này trong xóm tự dưng có mấy câu ca dao mà lũ trẻ ranh mất dạy cứ đi qua ngõ lại nghêu ngao:
Chàng thì ngày tối uống trà
Nhường thiếp sấp mặt bôn ba ngoài đồng
Sướng thay cái kiếp đàn ông
Vợ lo ăn lo ngủ, thêm bế bồng đi chơi…
Ca dao dở òm nhưng nội dung rõ ràng muốn mỉa mai chú Tuất. Mỉa mai từ chuyện chú ngồi nhà uống trà cho vợ làm nuôi (mà vợ không nuôi thì cũng rành rành một chuyện: chú không nuôi nổi vợ!) tới sự cố tháng trước chú lên cơn sốt cấp tính, được dì Xanh… bồng, chạy bay ra trạm xá! Còn hỏi, chú Tuất mất một chân, trọng lượng còn lại lên cân chưa bao giờ vượt con số năm mươi kí, cỡ ấy với “sức voi” của dì Xanh thì thấm tháp gì!
Thôi, nhà đừng có buồn, con nít nó nói bậy, hơi đâu…. An ủi có chừng vậy thôi chứ dì Xanh biết: làm sao không buồn? Chú Tuất hiền lành nhưng rất nhạy cảm. Hoàn cảnh tréo ngoe của chú chưa ai nói đã thấy bứt rứt huống chi giờ có người tạt thẳng vô mặt! Chiều hôm sau dì Xanh đi làm về thấy chú Tuất lui cui xếp đồ nhét ba lô, cái ba lô theo chú một thời lửa binh mà chú rất quý cho dù đôi chỗ đã sờn rách. Nhà định… đi đâu? Dì Xanh thảng thốt. Chú Tuất ngước lên cười hiền, trấn an: nhà đừng lo, tui đi chơi ít hôm. Lên thăm ông bạn lính trên cao nguyên, sẵn học cái nghề. Nghề gì? Trồng cây cảnh.
5.
Có tật ắt có tài, câu tiên đoán buổi đầu của mẹ tôi về chú Tuất quả đúng!
Một chân, không lội ruộng, chăn bò hay mang vác gánh gồng được nhưng đến với nghề trồng, chăm sóc cây cảnh thì chú Tuất cứ như cá gặp nước! Dường như các giác quan của chú có thể cảm nhận được cây thừa gì, thiếu gì, “muốn” gì và vân vân. Nhìn một thân cây hoang chưa tạo dáng, nháy mắt chú đã hình dung ra dáng thế tối ưu của chậu bonsai tương lai; để sau đó “đôi tay vàng” cầm kéo cắt nhanh thoăn thoắt – đôi khi ra những cái dáng mà dân chơi chuyên nghiệp cũng bất ngờ bởi không hề có trong sách vở! Chả trách ông bạn lính truyền nghề buổi đầu cho chú đã có lúc bực dọc thốt: lẽ ra, ông phải làm… thầy tôi mới đúng!
Nói vui chứ ai làm thầy đâu quan trọng? Họ là đồng đội, từng vào sinh ra tử với nhau. Hết chiến tranh buông súng về làng người lính đúng nghĩa vẫn biết sống yêu thương, hết mình vì đồng đội. Có lẽ vậy nên năm nào, dù bận trăm công nghìn việc, chú Tuất cũng thu xếp dành vài ngày lên cao nguyên chơi với bạn. Chuyến đi lỉnh kỉnh quà cáp, sẵn đà lôi nhau làm chuyến phượt dài ngày thăm các chiến hữu một thời trận mạc. Bạn áy náy chuyện tốn kém, chú Tuất cười to: ông quên tui giờ “đại gia” rồi à?
Phải, chú Tuất giờ là “đại gia”, chủ nhân vườn bonsai mấy mẫu, giám đốc một công ty chuyên trồng, cung ứng cây cảnh nội địa và xuất khẩu. Làm ăn phát đạt. Dì Xanh dẹp hết việc ruộng vườn bò trâu lo đi làm “trợ lí” cho chồng. Trợ lí đắc lực, còn kiêm luôn… hộ lí bởi chú Tuất đã tật nguyền còn nay ốm mai đau. Bảo thuê giúp việc dì Xanh cứ nhất định không. Dì bảo muốn tự tay chăm sóc chú. Dì không sinh cho chú được đứa con, lấy dì, chú đã thiệt thòi lắm, sao có thể giao chú cho người khác chăm? Phải, trong tổ ấm của dì với chú hiện tại, nếu có một chút gợn buồn thì đó là chuyện dì Xanh lập gia đình muộn quá, không thể sinh con. Không sao, rồi dì với chú sẽ tìm xin đứa con nuôi, sẽ ổn thôi. Chú Tuất cười hiền.
Thi thoảng gặp lại lũ “trẻ ranh” ngày xưa (giờ đã nên trai, có đứa đang làm bảo vệ cho công ty của chú), chú Tuất vẫn hỏi han, đối xử tử tế. Đứa nào khó khăn còn được chú giúp đỡ. Tôi thắc mắc, chú đáp gọn: không có chúng sao chú có ngày nay?
Lại cười. Đúng chú Tuất, lúc nào cũng cười!