Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người & đất quê hương

Lễ hội cầu ngư của làng Phú Hội

27/04/2022 lúc 09:13

I. Đôi nét về làng Phú Hội.





P





hú Hội là một làng vùng biển thuộc xã Triệu An - huyện Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị. Phía nam giáp làng Hà Tây, phía bắc giáp sông Thạch Hãn và xóm Tuần của làng Hà Tây, phía tây giáp sông Cụt, phía đông giáp biển Đông. Diện tích đất tự nhiên của làng Phú Hội 132 ha, trong đó đất nông nghiệp 28 ha, nuôi trồng thủy sản (tôm và cá) 22 ha, số còn lại là đất thổ cư và đất lâm nghiệp trồng rừng phòng hộ ven biển. Dân số 346 hộ với 1455nhân khẩu.
Phú Hội là một làng hình thành khá muộn so với nhiều làng xã người Việt trên vùng bắc và nam Cửa Việt. Lúc mới thành lập làng có tên là Phường Mành - tên được gọi theo một loại ngư cụ đánh bắt cá nục ở trên biển. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII làng có tên là Phụ Lũy (Theo địa bạ của làng lập vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) dưới thời vua Lê Huyền Tông ghi tên làng là Phụ Lũy. Địa bạ hiện nay do ông Nguyễn Công Liên - Hội chủ làng lưu giữ). Phụ Lũy cũng là tên được Lê Quý Đôn chép trong “Phủ biên tạp lục” . Đến thế kỷ XIX, làng Phụ Lũy đổi thành Phó Hội (Theo Giáp tư địa đồ được lập vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long, Giáp tư địa đồ hiện nay do ông Nguyễn Công Liên - Hội chủ làng lưu giữ). Việc làng đổi tên từ Phụ Lũy thành Phú Hội mang nhiều ý nghĩa: Đây là nơi hội tụ sự giàu có để trở thành nơi đô hội, sầm uất; có lẽ lúc này thương cảng Cửa Việt nói chung và tại nhánh sông Cụt trước mặt của làng đã trở thành nơi đô hội - một cảng thị trên sông, là trung tâm thương mại, nơi tấp nập những thuyền buôn bán ra vào neo đậu. Sau ngày đất nước thống nhất, Phó Hội đổi tên thành Phú Hội (1977).
Công lao khai khẩn dựng đặt hương hiệu để hình thành nên làng xóm trên mãnh dất làng Phú Hội thuộc về thủy tổ 4 họ: Đinh, Lê, Trần, Nguyễn có gốc từ vùng Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ đầu tiên đặt chân đến mãnh đất này là vị thủy tổ họ Đinh (Gia phả họ Đinh đến nay đã 18 đời, họ Nguyễn 13 đời). Hai họ Trần, Lê thế tục ở làng không được bao lâu thì đoản mạch, hiện không còn người nối nghiệp. Những thời kỳ tiếp theo cho đến nay nhiều dòng họ đã nhập cư vào làng, đến nay làng có 13 họ. Cháu con của làng qua nhiều thế hệ vẫn đồng tâm hiệp lực, chịu khó, chịu khổ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 
Để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, các thế hệ con cháu của làng Phú Hội vẫn truyền lưu việc tế tự hàng năm, vào ngày 15/ 6 Âm lịch tế Đại tự cầu an tại Đình làng, ngày 20/ 12 Âm lịch tế các họ không ai thờ tự tại Miếu Hiệp tự và đình làng, ngày 15/2 Âm lịch tổ chức lễ hội Cầu Ngư.
II. Lễ hội Cầu Ngư của làng Phú Hội.
Lễ hội Cầu Ngư của làng Phú Hội được diễn ra vào ngày 15 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, là một hình thức sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển để rồi truyền lưu qua nhiều thế hệ. Lễ hội mang những nét độc đáo, riêng biệt của một làng nghề - nghề biển, mục đích lớn nhất của lễ hội là cầu quốc thái dân an; cầu lộc, cầu tài cho con em dân làng, cầu mưa thuận gió hòa với những chuyến xa khơi may mắn.
Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ câu chuyện tương truyền: Ngày xưa, có một con cá Ông (cá Voi) khi lụy (chết) trôi dạt vào bờ biển của làng, người dân đem về chôn cất, tôn lên làm thần lập miếu thờ cúng; từ đó trở đi các tàu thuyền con em trong làng khi ra khơi đánh cá đều gặp nhiều may mắn, tránh những tai ương, rủi ro của biển cả, lại gặp những vụ mùa bội thu tôm cá đầy thuyền. Từ đó trở đi việc an táng các loại cá lớn chủ yếu là cá Voi và cá Phớn khi lụy (chết) trôi dạt vào bờ được người dân coi trọng và trở thành tục lệ của dân làng Phú Hội. Theo quy định bất kỳ người dân nào của làng khi bắt gặp Ông lụy đều phải báo để làng đứng ra lo tang lễ, người đầu tiên thấy Ông phải đứng ra làm trưởng nam chịu tang như cháu con thân nhân trong gia đình và phải coi đó là điều may mắn, hạnh phúc, vinh dự của mình...
 

 

Vài nét về kiến trúc và mỹ thuật đình làng Quảng Trị

27/04/2022 lúc 09:13






L





ịch sử Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và để lại những di sản văn hoá có giá trị trong đó có cả văn hoá vật chất và văn hóa tinh thần. Kiến trúc là một dạng của văn hoá vật chất mà ở bất kỳ vùng nào cũng có, đây là dấu ấn ghi lại những điều kiện sinh sống và trình độ phát triển kinh tế  - xã hội của cư dân trong một vùng vào những thời kỳ nhất định.
Ở các công trình kiến trúc nói chung, luôn biểu hiện rõ những đặc điểm riêng của từng vùng và hơn thế nó còn biểu hiện tính cộng đồng văn hoá mà bản thân nó chịu ảnh hưởng trong quá trình tồn tại và phát triển. Quá trình phát triển của đình làng Quảng Trị gắn liền với việc mỡ mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc Việt Nam. Đó là quá trình phát huy các yếu tố nội sinh của văn hoá dân tộc mà người Quảng Trị mang theo từ đất Bắc vào nhập cư ở vùng đất mới; đó là quá trình cộng cảm văn hoá mà người Việt Quảng Trị chịu ảnh hưởng trong thời gian chung sống với người Chăm trên vùng đất bản địa của họ. Mặt khác, vì sống trong điều kiện khắc nghiệt nắng lắm, mưa nhiều, bảo lụt triền miên nên kiến trúc đình làng Quảng Trị phải thay đổi để thích nghi với môi trường. Tất cả các tác động và ảnh hưởng trên tạo cho các ngôi đình ở vùng này có những phong cách riêng, những nét riêng biệt từ quy mô, hình dáng bên ngoài đến trang trí nội, ngoại thất.
1.      Vị trí cảnh quan chung của đình làng Quảng Trị.
Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian nên cũng giống các công trình kiến trúc khác, từ xưa việc chọn địa điểm và hướng để dựng các ngôi đình là một việc làm hết sức quan trọng đối với mọi người dân làng xã. Việc chọn đất xây dựng đình cần có mặt của các thầy địa lý. Người dân tin và vận dụng khôn khéo thuật “phong thuỷ” để tuân theo chặt chẽ các quy định và tạo ra cảnh quan hài hoà giữa công trình và thiên nhiên. Người xưa coi trọng thuật “phong thuỷ “ vì họ luôn tin tưởng vào sự huyền bí, siêu nhiên, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì có ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng dân chúng trong làng:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt một mình chi em.
Đình Quảng Trị thường được xây dựng ở các khu trung tâm, các trục đường giao thông, gần các chợ làng và sông ngòi. Hướng của đình đa phần là hướng chính Nam  (Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam). Hướng Nam vừa ứng hợp với thuật“phong thuỷ“ vừa thích hợp với khí hậu ở Quảng Trị. Trước mặt đình cần có nước, đặc biệt là các dòng sông uốn khúc, bồi đắp ; theo quan niệm đó là thế “tụ thuỷ”, là nơi hội tụ “linh” và “phúc”. Các ngôi đình ở Quảng Trị đa số đều hướng mặt ra bờ sông, bởi dòng sông ngày xưa là mối giao thông quan trọng của người dân trong vùng. Chính dòng sông là mạch nguon chuyển tải các yếu tố văn hoá, vũ trụ để lắng động trong nhận thức, tư duy của người dân. Từ đó nảy sinh ra những nét văn hoá độc đáo mang sắc thái riêng biệt của vùng quê Quảng Trị.
2. Những nét cơ bản về kiến trúc đình làng Quảng Trị.
Sau khi chọn được thế đất và hướng đình thích hợp, người dân bắt đầu dựng đình. Trước kia, các kiểu đình ở Quảng Trị cũng đa dạng và phong phú nhưng qua nhiều lần chiến tranh, cùng nạn thiên nhiên khắc nghiệt đã phá huỷ rất nhiều công trình kiến trúc đình làng. Người dân đã ba lần bảy lượt dựng lại và trùng tu nên về kiến trúc, trang trí, diện mạo các ngôi đình thay đổi rất nhiều. Qua thực tế hiện nay chúng tôi thấy có hai kiểu đình chủ yếu: Đó là một toà đại đình (đình chữ nhất) và hai nếp nhà song ngang (đình chữ nhị)...
 
 
 

Nhớ những mùa lụt ở làng Lập Thạch xưa

27/04/2022 lúc 09:13






B





ão lụt là một tai họa khủng khiếp của thiên nhiên ấn vào loài người. Nó đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.
Vì vậy Liên hiệp quốc đã đưa ra khẩu hiệu như: “Ngày môi trường thế giới, hành tinh xanh,…”.
Ngày xưa, hình như làng tôi dựa vào lũ lụt để thu lợi, để làm ăn.
Trước hết nhờ có lụt mà những ruộng đất bạc màu của làng tôi được phủ một lớp phân bùn non có khi dày vài tấc, đó là loại phân đặc biệt trời cho. Biết bao nhiêu là chất bổ tổng hợp trong bùn non từ rừng Trường Sơn trôi về, xác động vật, thực vật đã bón cho ruộng đất, cây cỏ làng tôi, đã làm cho mùa màng xanh tốt.
........
 

Đêm bình thơ ở Cồn Mớc

27/04/2022 lúc 09:13






T





rong số những học sinh các lớp đầu của trường Lê Thế Hiếu, vào những năm 1950-1952, có rất nhiều người làm thơ. Làm thơ là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm. Làm thơ cho báo tường, để đọc trong các buổi hội họp, để phục vụ các đêm lửa trại hay các buổi mít tinh. Cũng có khi làm thơ để tham dự các giải văn học hay đăng báo. Tôi còn nhớ bạn Minh Quang có bài thơ về chiến thắng Việt Bắc được Hội văn nghệ Quảng Trị trao giải nhất năm 1952. Bạn Lê Hữu Dinh có nhiều bài đăng trên Tạp chí văn nghệ Liên khu IV. Ta tạm gọi đó là thơ “bề nổi”. Bởi lẽ, bên cạnh dòng thơ chính thống này còn có một dòng khác, hoàn toàn riêng tư, các tác giả làm cho mình rồi cất giữ kín đáo, hoạ hoằn mới cho người khác đọc. Dòng thơ ấy là “dòng chìm”, biến mất theo thời gian nếu không được ai để tâm tìm tòi nghiên cứu. Tôi may mắn còn giữ được cuốn nhật ký ghi những ngày xa xôi gian khổ đó và cuốn nhật ký giúp tôi phục hồi một sự kiện “dễ thương” về thơ của cánh vị thành niên thời đó.  
  .........
 

Ký ức người đội trưởng

27/04/2022 lúc 09:13






M





ột chiều đầu Thu tôi về gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng, Hội viên Hội cựu TNXP Quảng Trị. Tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, bên ly trà nóng, anh kể cho tôi nghe về những tháng năm “Không thể nào quên” ấy, những chiến tích thầm lặng mà rất đỗi tự hào của Đội Vận tải, thuộc Liên đội TNXP giải phóng Quảng Trị. Nơi mà anh và đồng đội đã không tiếc máu xương hiến dâng tuổi thanh xuân của mình chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đội Vận tải được thành lập vào tháng 1 năm 1972 gồm có 9 người (2 nữ, 7 nam) tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt do anh Nguyễn Mạnh Hùng làm đội trưởng. Nhiệm vụ của đội là thu chiến lợi phẩm của địch thất bại bỏ lại sau các cuộc giao tranh, chở những chiến sĩ bộ đội vào bờ Nam Cửa Việt và chở thương binh ngược ra bờ Bắc Cửa Việt để chữa trị, kịp thời; chở lương thực vào tiếp tế cho bộ đội ta ở chiến trường miền Nam, chở những cán bộ lãnh đạo làm nhiệm vụ cách mạng. Nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu trực tiếp với quân thù, nhưng luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Máy bay địch bắn phá suốt đêm ngày, dọc bờ biển tàu tuần tra canh chừng nghiêm ngặt, cách một hải lý là Hạm đội 7 của Mỹ - Nguỵ như những “ống nhòm” chĩa thẳng các tuyến đường biển, đường sông, nếu phát hiện có dấu hiệu khả nghi là chúng phóng hoả.
.........
 

Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương

27/04/2022 lúc 09:13






T





rên con đường vào phía Nam Hoành Sơn để tìm đất “vạn đại dung thân” Nguyễn Hoàng đã đến Ái Tử của tỉnh Quảng Trị (1558). Ông chọn nơi đây làm thủ phủ mở đầu cho thời thịnh đạt của các chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, rồi hậu duệ ông lập nên vương triều Nguyễn kéo dài 387 năm (1558-1945); khẳng định họ Nguyễn là dòng họ cầm quyền dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Trong gần bốn thế kỷ đó có hai thời kỳ gián cách, tác động lớn đến lịch sử dân tộc, việc phân kỳ lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng cũng lấy đó làm mốc thời gian để xét định. Đó là sự thành lập vương triều Quang Trung với kinh đô Phú Xuân sau ngày Nguyễn Huệ ban Chiếu “Lên ngôi” (22-12-1788) và vương triều kháng chiến sau ngày vua Hàm Nghi ban Dụ “Cần vương” (13-7-1885) ở thành Tân Sở. Mốc thời gian này là định vị cuối cùng của một vương triều có chủ quyền, kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm, không chịu chuyển giao chủ quyền và nền độc lập dân tộc cho thực dân Pháp.
Thành Tân Sở có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân tộc như vậy, nhưng hiểu biết về tòa thành này thì hết sức mờ nhạt, dấu tích trên thực địa hiện là một bãi đất trống không; trong khi đó công việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lại trở nên cấp bách. Đó là lý do cũng là yêu cầu đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cũng là nguyện vọng của nhân dân trên cả nước. Do vậy, Hội thảo “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương và vào tối hôm nay: 13-7, Lễ hội “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” cũng được tổ chức trên “Thánh địa Cần Vương” để kết nối ký ức lịch sử sau nhiều thập kỷ bị lãng quên. Đó là một giải pháp khoa học có ý nghĩa thiết thực mang tầm quốc gia trên con đường nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo để khơi dậy sức sống của một vùng đất gắn liền với vận mệnh dân tộc, với nhà vua yêu nước Hàm Nghi và tên tuổi của nhiều nhân vật khác đã làm rạng danh trong sử sách, tỏa sáng hào quang yêu nước muôn đời cho hậu thế…
Việc tổ chức hội thảo khao học Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương, để thể hiện trách nhiệm và góp tiếng nói trung thực, khách quan của giới nghiên cứu và cũng nhằm thể hiện nguyện vọng thiết tha của nhân dân về một vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng việc triển khai thực hiện thì không hề đơn giản.
Do khuôn khổ giới hạn về nội dung và thời gian thực hiên nên chủ đề hội thảo chỉ tập trung xung quanh việc khai thác các nguồn tư liệu về thành Tân Sở nhằm khẳng định tính xác thực của tòa thành này gắn với phong trào Cần Vương để có cơ sở xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích thành Tân Sở một cách khoa học. Cho đến hiện nay có 18 bản báo cáo khoa học và tham luận gửi đến hội thảo, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong việc nghiên cứu về thành Tân Sở và phong trào Cần Vương. Trong đó, công tác sưu tầm, phát hiện xác minh tư liệu là vô cùng quan trọng, sau đó là kết quả mới nghiên cứu về thành Tân Sở gắn với phong trào Cần Vương và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy tác dụng Khu di tích thành Tân Sở.
1. Về thành tựu tư liệu
Các tác giả đã tra cứu tỉ mỉ các nguồn tư liệu của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Châu bản triều Nguyễn…
Các nguồn tư liệu tiếng Pháp trước năm 1945 cũng được nhiều tác giả tìm tòi nhằm cung cấp những thông tin giá trị qua các công trình của: Charles Gosselin, L’empire d’Annam, Imprimerie D’Extrême Orient, Hanoi, 1904; H. de Pirey, Une Capitale Éphémère: Tân Sở, BAVH, 1914;  A. Laborde, tỉnh Quảng Trị, BAVH, tập VIII, 1921; Jabouile, Une page de l’histoire du Quảng Trị, Septembere 1885, BAVH, No.4, 1923; L.Cadière et cosserat, Les postes Militaires du Quảng Trị et du Quảng Bình en 1885-1890; BAVH, Janvier-Mars 1929; B. Bourottel, Aventure du Roi Hàm-Nghi, BAVH, 1929; Marcel Gaultier, Le Roi Proscrit, Hà Nội, IDEO, 1940; Delvaux (a), Quelques précicisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam, BAVH, Juillet-Septembre, 1941 và bài Le camp de Tân Sở (Căn cứ Tân Sở), BAVH, 1942; Charles Fourniau, Annam-Tonkin 1885-1896, Edtions Harmattan, Paris, 1989; cùng các công trình nghiên cứu về Tân sở và phong trào Cần Vương của hai miền Bắc - Nam trước năm 1975 và các công trình sau năm 1975 đến nay. Đặc biệt là nguồn tư liệu khai thác thực địa tại vùng Cùa và các nơi khác bao gồm gia phả, di tích, di vật có liên quan đến Tân Sở.
Thông qua các báo cáo khoa học, các tác giả cung cấp nhiều thông tin mới về thành Tân Sở và phong trào Cần Vương, đánh dấu một thành tựu quan trọng về tư liệu thành Tân Sở từ trước đến nay nên đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề vốn hoài nghi do thiếu tư liệu và cũng xuất hiện nhiều tồn nghi khác trên cơ sở tư liệu mới phát hiện nhưng chưa có điều kiện để xác minh.
Trong các tư liệu mới sưu tầm có giá trị là văn bản Dụ Cần Vương  bằng chữ Hán; gia phả ông Trần Văn Hạnh – người đã nhường ngôi nhà của mình làm hành cung cho vua Hàm Nghi và cận thần nhà vua trong thời gian lưu trú tại Tân Sở; giếng nước ở làng Bảng Sơn nơi vua Hàm Nghi đã sử dụng; một số viên gạch và đạn thần công liên quan đến thành Tân Sở, một số văn bản Hán Nôm làng xã ở vùng Cùa vào thế kỷ XIX. Đó là những nỗ lực sưu tầm, xác minh tư liệu của các tác giả Đỗ Bang, Nguyễn Quang Trung Tiến, Nguyễn Bình, Phan Thanh Hải, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Đình Hào, Ngô Thanh Bảo… Tài liệu sưu tầm lần này cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều nhân vật tham gia thời Tân Sở-Cần Vương qua các báo cáo của các nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Trương Công Huỳnh Kỳ, Nguyễn Tất Thắng, Lê Tiến Công, Nguyễn Văn Đăng, Lê Quang Thái… Các tư liệu này sẽ tiếp tục xác minh chọn những thông tin chính xác để khắc vào các tấm bia, đền thờ, các bức phù điêu ở Khu di tích thành Tân Sở khi đề án tôn tạo được triển khai...
 

Người vợ Vệ quốc đoàn

27/04/2022 lúc 09:13

LTS. “Người vợ Vệ quốc đoàn” của Lê Tâm Tiềm là một Hồi ký tương đối “dài hơi” được tác giả chia ra thành 5 chương: 1 - “Quê hương - lửa đạn”; 2 - “Đọa đày và đấu tranh”; 3 - “Người chị”; 4 - “Chị và em”; 5 - “Quê hương ngày trở lại”… Phản ánh khá điển hình và sâu sắc số phận người phụ nữ bên bờ Nam Quảng Trị có chồng tập kết ra Bắc.
CV. Giới thiệu nhiều kỳ, rất mong bạn đọc đón xem.
 
I. Quê hương – lửa đạn.
Chị lấy chồng năm 20 tuổi. Đơn vị của anh tổ chức cưới.
Lễ cưới giản dị. Một bình hoa các anh hái trong vườn, có cây chuối con đứng cao ở giữa, chung quanh chủ yếu là hoa dại mọc chen lấn trong các bụi tre, bàn là cánh cửa hông kê cao bằng các gốc cây.
Đại diện đơn vị của anh thay mặt hai gia đình tuyên bố lễ cưới. Anh và chị đứng cạnh nhau một bên. Vị đại diện nói: “Kể từ hôm nay đồng chí Trung và đồng chí Quốc là vợ chồng. Có nghĩa vụ chăm sóc, lo lắng, nâng đỡ lẫn nhau để công tác ngày càng tiến bộ”. Vị đại diện cũng nói qua những thắng lợi giòn giã trên khắp các chiến trường Việt, Miên, Lào mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký vào Hiệp định đình chiến Giơnevơ. Dòng sông Hiền Lương là ranh giới tạm thời để quân hai bên tập kết. Ta phía Bắc. Hai năm sau tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Còn sáu ngày nữa Hiệp định có hiệu lực. Nhiệm vụ của mọi người là tiếp tục đấu tranh dưới cờ Việt Minh cho đến ngày toàn thắng vẻ vang.
Dưới ánh sáng mờ mờ của sao trời tháng 7, đoàn nhà trai gồm những đại diện đơn vị chú rể, gia đình cô dâu, và xóm làng tham dự lễ cưới chung nhau quanh khoảng sân đất nện. Mọi người vui vẻ, hồ hởi chúc tụng, mong cho cô dâu chú rể bên nhau, như chim liền cánh, như cây liền cành. Những tiếng cười, lời nói đều kiềm xuống vừa đủ nghe, không một ánh đèn, ngọn đuốc, đến đóm lửa từ điếu thuốc cũng được khum tay che kín. Tất cả để hòng tránh những đôi mắt cú vọ rình rập, hơn nữa cách đây khoảng năm bảy trăm mét về phía Đông, vượt qua một cánh đồng phẳng lỳ như mặt kính trên đất làng An Hưng, là một đồn Tây. Gần hơn, phía bắc là đồn Vân Hòa. Tụi “Tề” thì không dái ló mặt đã đành, nhưng tụi “gian” thì thật không biết đâu mà lường. Bởi vậy lễ cưới được kết thúc chóng vánh. Đơn vị nói gởi anh cho gia đình một đêm, mờ sáng phải có mặt tại đơn vị. Anh chị dẫn nhau vào buồng tân hôn. Gia đình lại thổi nồi cơm để đùm gói cho anh lên đường. Gà gáy lại anh khăn gói ra đi, chị tần ngần nhìn theo, không ai đưa tiễn vì sợ lộ đường đi, anh nhảy qua ruồng tre, lách qua vườn bên cạnh, hút vào màn đêm. Anh hẹn “Hai năm sau” chị hốt hoảng nhớ lại, chân tự nhiên nhủn đi, cả người rụi xuống bên cạnh cột hiên, điểm bám víu cuối cùng của chị giây phút này.

Hòa bình lập lại. Chị và mẹ cùng ba cháu em từ nơi sơ tán – cũng trong làng thôi, cách một con sông – về lại xóm mình – xóm Đông Bội, bắt tay vào phục hóa vườn tược, che bên gốc mít đã trụi hết cành lá cái trại để chui vô chui ra tránh mưa đỡ nắng, chị lãnh đạo gia đình và là lao động chính, có sự hỗ trợ của cô em, cậu út và chị kế nó thì còn nhỏ quá. Chị phác định chỉ cho cô em giúp thời gian đầu mà thôi, cái lúc ba tua lùa một nầy – lo chỗ ở, lo khai hoang, lo canh tác – còn em phải đến trường, ở đây là phần việc của chị, là công tác của chị. Mẹ chị đã qua tuổi bốn mươi và bệnh hoạn.
Mẹ bị nạn trong cuộc càn hơn năm trước ngày bọ chết. Theo những người cảnh giới và chị du kích kể lại. Tây nó rút khoảng xế trưa, nhưng không hiểu sao còn lại 15,17 thằng – chị du kích không đếm được cụ thể – trẩn lại nằm im thin thít dưới bờ ao. Mẹ thấy Tây rút vội vã gởi thằng con hơn tuổi để chạy về xem nhà còn lại cái chi. Vừa đến sân nhà, một thằng Tây đen tóm lấy mẹ, tay bịt miệng lôi tuột xuống ao. Nó tuột quần mẹ. Chị du kích nghe mẹ hét: “Bọ con Trung ơi…cứu”. Chỉ chừng đó, một báng súng đập vào đầu mẹ, một tiếng “hự” rền đặc, đơn côi. Chúng xé áo mẹ nhét vào mồm, ấn đầu mẹ vào giữa hai cây tre, xé quần mẹ cột tay, cột chân. Thấy mẹ nằm bên bờ ao, đầu chui vào bụi tre, hai tay giơ tới trước, gối quỳ, mông chổng về phía ao. Chúng nó thay nhau bu lấy mẹ… cũng có lúc thằng làm thằng đợi. Chị du kích đếm đến lượt thứ hai nhăm, thấy không khớp số người nên bỏ không đếm nữa. Chị du kích khẳng định chỉ 17 thằng hoặc 15 thằng không thể nhiều hơn. Chị du kích nói: “Sôi uất căm hờn nhưng chẳng biết làm sao”. Dù là du kích nhưng chị vẫn không có súng. Trời nhá nhem tối, chính bong tối nhờ nhờ lại lợi thế cho chị, có thể vén nhẹ lá các cây ngụy trang quan sát rõ hơn, rộng hơn. Chúng nó rục rịch rút lui sao đó, thấy tụm lại, một thằng nói thì thầm tay chỉ thằng này thằng nọ. Chị nghĩ đây là cơ hội tiêu diệt lũ dã man, bầy súc vật. Quả lựu đạn chị vẫn cầm trên tay, chị ấn mạnh chày xuống đầu gối, nhẩm đếm: một, hai, ba hết chữ ba thêm một nửa quãng nữa chị mới ném, trúng ngay giữa đám, nhưng thật xui xẻo quả đạn của chị cứ xì xì um khói mà không nổ. Tiếc quá, chị chỉ còn hai quả...
 
 
 

Những người trở lại Trường Sơn

27/04/2022 lúc 09:13






C





uộc chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ, nhưng nó chưa đi qua trong bữa cơm, giấc ngủ của những bà mẹ Việt Nam. Mẹ còn nhớ như in ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường ra trận, mẹ vẫn biết chiến trường gian khổ lắm, ác liệt lắm, sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cũng như mẹ, ở ngoài mặt trận anh có tính toán gì đâu, khi trong anh hình ảnh mẹ già: “năm năm, tháng tháng, ngày ngày với gọng rau, ai có biết lòng tôi đau như cắt…” Song có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước; anh đã hiến trọn đời mình cho “mẹ hiền Tổ quốc”.
Không những mẹ mất anh, mẹ mất luôn phần hài cốt của anh, điều này càng về cuối đời nỗi đau trong lòng mẹ càng nhân lên gấp bội. Mẹ ước gì trước lúc nhắm mắt xuôi tay mẹ được tận mắt nhìn thấy và tự tay thắp nén nhang lên phần mộ của chồng, của con, mẹ đã làm tròn bổn phận một người vợ, người mẹ; người đang sống với người đã khuất. Nhưng mẹ chưa than phiền với ai lấy nửa lời khi mà Đảng và Chính phủ đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đối với người có công với nước; khi mà hàng ngàn nấm mộ ở các nghĩa trang nay chung dòng chữ “liệt sỹ chưa biết tên”…
Là những người lính hơn ai hết các anh thấu hiểu nỗi mất mát to lớn của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa con chỉ biết mặt bố qua những tấm ảnh bạc màu theo năm tháng. Nỗi khắc khoải mong chờ nhận được phần hài cốt của chồng, của cha, của con mà càng về cuối đời nỗi khắc khoải càng nhân lên gấp bội. Càng thấu hiểu nỗi khổ tâm của các mẹ, các chị, của thân nhân liệt sỹ bao nhiêu các anh càng day dứt bấy nhiêu, khi mà hài cốt đồng chí đồng đội một thời “viên thuốc bẻ đôi, tấm chăn một nửa” đang nằm rải rác giữa đại ngàn Trường Sơn. Các anh đã tự nguyện cùng nhau trở lại Trường Sơn, trở lại nơi một thời cả nước dấy lên phong trào: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đã trở thành lý tưởng cách mạng cao đẹp của lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ. Nơi một thời đánh địch mà đi, mở đường mà tiến; đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Nơi mà hàng ngàn liệt sỹ mãi mãi nằm lại dưới những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Để cho đất nước có ngày hôm nay; có con đường Hồ Chí Minh gắn với những chiến công hiển hách.
Sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc chiến tranh, tháng 1/1989 đại uý Mai Thanh Hùng được rời quân ngũ, mang theo trên đầu những hạt bom bi quái ác không phẩu thuật được (thương binh loại 3/4). Khi ra quân, anh không trở về nơi chôn nhau cắt rốn (xã Triệu Nguyên, huyện Đăkrông) mà anh quyết định lập nghiệp tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, để có điều kiện trở lại Trường Sơn, trở lại chiến trường một thời gắn bó. Ý nghĩ này ấp ủ trong anh từ những ngày đầu mới rời quân ngũ, mãi đến năm 1990 khi có tổ chức Cựu chiến binh ra đời và đi vào hoạt động, anh bày tỏ nguyện vọng của mình với Hội CCB thị trấn Khe Sanh, Hội CCBVN, phòng Lao động thương binh xã hội huyện Hướng Hoá và được các tổ chức đồng tình ủng hộ, được Đảng uỷ, UBND, các đoàn thể thị trấn Khe Sanh động viên khích lệ. Đội tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ của Hội CCBVN thị trấn Khe Sanh được ra đời từ đấy. Nói sao hết những khó khăn vất vả của những người lính trên mình mang đầy thương tích, mà phải vượt qua bao núi cao, suối sâu…công việc tưởng chừng như đáy bể mò kim, như muối bỏ bể. Không những thế mà các anh còn phải cảm thông với vợ, con khi mà kinh tế thị trường đã đi vào đời sống của đại bộ phận xã hội. “Người người làm giàu, nhà nhà làm giàu”, còn các anh thì tình nguyện trở lại Trường Sơn để thực hiện trọn vẹn nghĩa tình, để từ trong sâu thẳm của lòng mình không còn hổ thẹn với đồng chí đồng đội.
Với cương vị là đội trưởng Đội quy tập, Mai Thanh Hùng đã tập hợp được 11 hội viên gồm Nguyễn Hữu Cừ, Hoàng Văn Thạch, Phan Văn Quyến, Hồ Văn Hiệu, Nguyễn Xuân Thành, Trần Đình Thi, Trần Đình Lâm, Hồ Đại Số, Hồ Văn Sơn, Võ Bình Dương, Nguyễn Thành Nam. Trong 12 đồng chí có bốn đồng chí là thương binh, một bệnh binh; có 11/12 là hưu trí. Lớn tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Hữu Cừ 70 tuổi thương binh 4/4; nhỏ tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Thành Nam 24 tuổi. Là những người đầy nhiệt tình và tâm huyết tình nguyện “ăn cơm nhà tìm cho ra đồng đội”. Họ cùng nhau trở lại Trường Sơn trong đội hình hành quân như tiểu đội ngày nào chỉ khác vai không mang súng, đầu đội mũ không sao, vững chắc chiếc gậy ngày nào và đôi dép cao su bốn quai thít chặt. Còn lương thực, thực phẩm mang theo thì ai có gì mang nấy nhưng trong ba lô của mỗi người phải có dụng cụ đào bới như cuốc, xẻng, dao, rựa dùng để phát đường; hương, ni lon, giấy đỏ để bao gói hài cốt liệt sỹ. Các anh còn mang theo nồi niêu, xoong chảo, bát đũa, môi thìa để còn “tác chiến” trong những ngày hành quân… Nhớ ngày đầu mới thành lập Đội quy tập có năm tự nguyện đó là: tự nguyện thành lập Đội; tự nguyện bỏ kinh phí gia đình vào việc tìm kiếm, cất bóc, đưa hài cốt liệt sỹ về bàn giao cho nghĩa trang liệt sỹ huyện; tự nguyện làm việc ngày không tính giờ; tự nguyện tuần không tính ngày; tự nguyện năm không tính chuyến...
 
 
 

Đội trưởng thiếu niên Xuân - Phiên - Hà

27/04/2022 lúc 09:13






T





rong hai cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước, lớp lớp cháu, con tiếp bước cha ông lên đường chống ngoại xâm và bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước, trong đó có cả lứa tuổi 15. Tiêu biểu là Trương Văn Bảo bí danh Trường Sơn, một tấm gương anh dũng của đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Gia đình Bảo nghèo, nhưng có truyền thống yêu nước, hai anh đã anh dũng hy sinh vì nước, anh thứ ba bị thương nặng, địch bắt giam ở Côn Đảo. Bảo thất học sớm, phải đi ở chăn trâu để góp phần giúp đỡ gia đình nuôi các em nhỏ. Mặc dù hoàn cảnh như thế, Bảo vẫn hồn nhiên vui tươi trong cuộc sống. Bảo đã cùng các bạn vận động, tổ chức xây dựng đội TNTP Xuân - Phiên - Hà, gồm 23 đội viên, do em làm đội trưởng. Đội TNTP có nhiệm vụ theo giỏi từng bước đi, nơi ăn, chốn ở của địch, nhằm bảo vệ cán bộ cách mạng, đi về hoạt động được an toàn và nắm thời cơ tốt là tiêu diệt chúng. Như thường lệ ở vùng Xuân - Phiên - Hà ban đêm địch đi trốn, sáng sớm thì tổ chức hành quân vào làng càn quét rồi nghỉ ngơi. Một hôm địch cố tạo ra sự bất ngờ cho ta, vào lúc 15 giờ chúng cho quân đột kích vào làng, hòng tiêu diệt và bắt sống cán bộ của ta. Lúc đó, Bảo đang chăn trâu ở cánh đồng bên kia sông, trong đàn trâu có một con trâu đực, bên này sông là tuyến đường địch đang hành quân áp sát vào làng, cũng có một con trâu đực. Hai con trâu này thường ngày phải cho ăn cỏ ở hai cánh đồng cách biệt, để tránh sự đụng độ, quấy phá lẫn nhau.
Trước tình hình như vậy, Bảo nhận định sẽ có tình huống xấu xảy ra cho cán bộ của ta, một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Bảo lập tức giục con trâu đực vượt sông, cho hai con trâu xáp trận, nhằm cố tạo ra trò thích thú để địch dừng chân xem trâu chọi nhau. Lúc đó Bảo sẽ chạy về báo cho cơ sở của ta biết, kịp thời che giấu cán bộ cách mạng được an toàn. Hai con trâu chọi nhau quyết liệt; lừa lúc bọn địch nhốn nháo đứng xem, Bảo chạy như tên bắn vào làng, báo cho cơ sở biết, địch vây càn. Sau đó Bảo vờ lấy cây sào chạy về phía hai con trâu. Bảo vừa khóc vừa kêu cứu, nói: “Nhờ các anh ngăn hai con trâu cho em với, không thì ông chủ cho ăn đòn, chết em thôi!”, bọn địch nháo nhác đứng nhìn. Có một tên nghe được lời kêu cứu đó, liền cầm cây sào quờ mạnh, hai con trâu rời nhau ra, bọn địch tiếp tục dàn hàng ngang tiến quân vào làng. Thấy vậy mắt Bảo sáng lên, hí hửng cưỡi trâu qua sông trong tiếng sáo diều vi vút.
Thế rồi cuộc chiến cứ kéo dài, năm tháng nối tiếp đi qua, Bảo cùng với đội TNTP làm tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Cuối năm 1967, Bảo nằng nặc xin cấp trên cho thoát ly làm cách mạng. Bảo tạm biệt gia đình và đội TNTP theo các chú, các anh lên đường làm nhiệm vụ mới. Bảo vốn hoạt bát nhanh nhẹn nên được cấp trên phân làm công tác giao liên, ngày đêm vượt trảng cát hàng chục cây số để chuyển công văn, thư mật lệnh hỏa tốc của huyện ủy Triệu Phong. Hơn một năm, Bảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao.
Cuối năm 1968, trên đường làm nhiệm vụ, mang thư mật cho huyện ủy Triệu Phong, Bảo sa vào ổ phục kích của địch. Bọn chúng như hổ gặp được mồi, tập trung nhiều mũi để hòng bắt sống em, Bảo ra sức chạy để thoát, địch phải xả súng bắn như mưa, nhưng vẫn không làm gì được Bảo. Dưới làn đạn của địch, em chạy vòng vèo để có đủ thời gian nhai hết thư mật vào miệng, nhằm bảo vệ bí mật cho cách mạng. Sau đó Bảo ngoan cường ném lựu đạn diệt một toán địch, cuối cùng em đã anh dũng hy sinh, nằm xuống bên bờ cát trắng dưới những hàng phi lao vi vút. Bình minh rực sáng, sóng biển vỗ rì rào, để ngợi ca một người con kiên cường bất khuất. Tên Bảo được ghi vào trang sử vàng của quê nhà...
 
 

Tôi đi sưu tầm chuyện trạng

27/04/2022 lúc 09:13






C





huyện trạng ở Huỳnh Công Tây được xem là một kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt Nam, như là di sản văn hoá phi vật thể có từ xa xưa. Còn trạng Vĩnh Hoàng nay thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị là địa danh mới có sau này.. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn là làng Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam nên chuyện trạng cả ba làng còn được gọi là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Nay xã Vĩnh Hoàng đã đổi thành xã Vĩnh Tú, vậy nên Vĩnh Hoàng chỉ còn là danh từ riêng chỉ chuyện trạng 3 làng Huỳnh Công mà thôi.
Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng. Vào thời sơ khai cách đây trên 300 năm, các dòng họ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình đến Thanh Hoá vào đây khai khẩn và lập nên làng Huỳnh Công. Trong đó Huỳnh Công Tây là nơi có nhiều điển tích làm căn cứ sản sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
Huỳnh Công Tây hồi đó có rất nhiều rừng rú, rú liền rú vào sát tận bìa làng, rất thích hợp cho các loài muông thú kéo nhau về đây trú ngụ và sinh sống. Cu, chim đủ loài, thú rừng như hươu, nai, trâu ri, bò tót, cọp beo vv..., nhiều vô kể. Cọp thường ăn lẫn lộn với bò để bắt mồi, cho nên có chuyện bắt nhầm cọp để cày. Cọp thường vào làng để bắt người. Nay còn có lòi rú gọi là “lòi mụ Sài”. Cọp đã bắt bà ấy vào lòi này ăn thịt, cho nên người ta đặt tên cho lòi rú đó là “lòi mụ Sài”.
Hoặc rừng rú cò những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cu chim thường ăn và thải hạt ớt vào trên ngọn cây, cho nên có những cây ớt tự tạo, gốc có thể cưa được mấy cấp săng ấm và còn làm được mấy xác nhà Rường... Huỳnh Công Tây nơi đây là vùng đất có chín phần là đất cát, còn một phần là đất đỏ bazan. Thiên nhiên không được ưu đãi lắm. Hai mùa nắng gió khắc khổ. Mùa hè ngọn gió Lào kéo về nắng rát đến nổ tre. Mùa đông ngọn gió Đông Bắc kéo theo mưa phùn lạnh tê tái. Ruộng lúa rất hiếm hoi. Họ sống chỉ nhờ vào cây khoai, cây sắn, còn gạo thì rất khan hiếm, quý hơn vàng. Họ cho hạt gạo là “hòn ngọc nhà trời”.
Thiếu ruộng không đủ gạo ăn, họ tìm cách bù đắp bằng trồng dưa đỏ trên cát để tạo nên hàng hoá trao đổi. Họ làm dưa đỏ đã trở thành làng nghề. Dưa đỏ đã trở nên món hàng đặc biệt. Lái buôn đã về đây mua chở vào Nam, ra Bắc để tiêu thụ. Có giống dưa đặc biệt là ngon, đã được đưa vào cống tiến trong cung vua, để vua ngự lãm. Giống dưa đó được gọi là dưa ngự. Quạ ở đây cũng nhiều vô kể. Dưa đỏ là món ăn mà quạ thích nhất, cho nên có chuyện một đàn quạ từ trong quả dưa chui ra, bắt bọp đến mỏi tay và chỉ có nơi đây mới có. Nhờ có nghề làm dưa đỏ để trao đổi lấy lúa gạo, họ mới thêm bát cơm để bù đắp. Từ trên mảnh đất mà tổ tiên đã tạo dựng nên, họ phải vật lộn, bươn chải, đào bới trong đất, để làm ra cây khoai, cây sắn nuôi sống họ trong những ngày ba, tháng tám, những lúc giáp hạt, những năm mất mùa, khoai sắn đã nuôi sống họ không bị chết đói, cho nên họ vẫn bám giữ mảnh đất này “một tấc không đi, một ly không rời”.
Cũng giống như những cây trâm bầu quê họ, khi rễ đã cắm sâu vào lòng đất thì nắng vẫn không khô, hạn vẫn không héo, bão táp mưa sa vẫn đứng vững giữa trời, làm thành vành đai chắn bảo vệ con người, giữ cho làng xóm được yên vui.
Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc giã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc. Đây là kho chuyện cười trào tiếu dân gian, cũng giống như chuyện cười của các làng trạng Bắc Bộ hay chuyện kể bác Ba Phi ở Nam Bộ  Truyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là chuyện Trạng nhưng vẫn chứa đựng những giá trị hiện thực. Đây không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu. Nghệ thuật kể truyện Trạng Vĩnh Hoàng tuy cũng dùng biện pháp khoa trương, phóng đại, nhưng cái lõi đều dựa trên cơ sở  hiện thực như chuyện "Trâu đen trâu bạc" là để phóng đại dưa hấu ở Vĩnh Hoàng, chuyện "Mắc cọp mà cày" là để phóng đại việc người Vĩnh Hoàng ngày trước đi cày rất sớm và vùng này cũng nổi tiếng có nhiều cọp như ở Thuỷ Ba. Về phương thức phóng đại, người Vĩnh Hoàng không dùng lối trực tiếp mà diễn tả bằng lối gián tiếp. Để chỉ quả dưa khổng lồ, họ không so sánh quả dưa đó với vật thể nào mà diễn đạt một cách thông minh hơn: dưa mà đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn, rồi mang cả dưa lẫn quạ bay lên giữa không trung…
Làng Trạng xưa nay  đã được sự mến mộ của xa gần. Từ trong gian khó đã biết đấu tranh để sinh tồn. Từ chất trạng đã tiếp thêm cho họ nguồn sinh lực, trong nắng gió khắc nghiệt của môi trường sống họ đã tạo ra và nếm được hương vị ngọt ngào....
 
 
 

Phó bảng Trần Viết Thọ - con người khẳng khái, thung dung

27/04/2022 lúc 09:13






P





hó bảng Trần Viết Thọ sinh ngày rằm tháng 9 năm Bính Thân, tức ngày 24 tháng 10 năm 1806, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) tại làng Thâm Triều, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị nay là xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nho học. Ông có huý làThanh Phúc, tự là Chu Toàn, hiệu là Điềm Tịnh. Ông cũng có tên tu hành là Cư sĩ Đại Sư.
Thuở còn nhỏ ông được học chữ Hán tại làng mình và đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, sáng dạ. Lớn lên, ông rời làng quê lên tỉnh lỵ Quảng Trị để tiếp tục học tập. Ít lâu sau, ông được gia đình cho vào kinh đô Huế để theo đuổi sự nghiệp bút nghiên. Ở đây, ông trở thành một môn sinh nổi bật hơn hẳn các bạn đồng học, nên đến năm Giáp Tý, năm Tự Đức thứ 17, 1864, Triều đình đã cấp học bổng cho ông, nhờ vậy việc dùi mài kinh sử của ông được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho ông thể hiện trí tuệ và tài năng của mình. Nhờ vậy, ông đã dễ dàng đổ Cử nhân tại trường Thừa Thiên, khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 20, tức năm Đinh Mão, 1867 lúc mới 31 tuổi.
Tiếp sau đó ít năm, ông dự kỳ thi Hội năm Tự Đức thứ 24, khoa thi Tân Mùi, 1871 và đỗ Phó bảng ở tuổi 35.
Năm Tự Đức thứ 26, 1873, Triều đình bổ nhiệm ông chức Giáo thọ phủ Quảng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đến năm sau, năm Tự Đức thứ 27, 1874, ông được thăng chức Tri huyện huyện Hưng Nhân, tỉnh Thanh Hoá. Gần ba năm sau, năm Tự Đức thứ 30, 1877, ông được Triều đình cử làm Giáo thọ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, rồi đến năm Tự Đức thứ 35, 1882, ông lại tiếp tục được thăng chức Huấn đạo phủ Nam sách, tỉnh Hải Dương.
Qua nhiều năm làm việc ở các phủ huyện nhiều tỉnh, vốn là một nhà khoa bảng có nhân phẩm và sống thanh bạch, Phó bảng Trần Viết thọ đã tận mắt nhìn thấy thực trạng đau lòng về nạn mua quan bán tước, về tệ nạn quan lại ức hiếp dân đòi hối lộ mà ông luôn luôn giữ mình trong sạch, với một lòng thương dân.
Chính vì vậy mà một số trọng thần của Triều đình như Biện lý Bô lại Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Vũ Trọng Bình… đã nhìn thấy phẩm chất liêm khiết và cương trực, tài năng và sự tận tuỵ của Phó bảng Trần Viết Thọ nên đã tiến cử lên vua Tự Đức cất nhắc, giao nhiệm vụ trọng yếu hơn. Năm Tự Đức thứ 36, 1883, Triều đình đã phong cho ông hàm Chánh lục phẩm với chức Hàm lâm viện Trước tác và gọi về Kinh đô giao nhiệm vụ Chủ sự Bô Lại kiêm Cơ mật Hành tẩu.
Xa rời các phủ huyện mà ở đó nhiều điều mắt thấy tai nghe đã từng làm cho ông trăn trở, đau lòng, khi trở về kinh đô, ông toàn tâm toàn ý phụng sự vương triều, cùng lo toan, chia sẻ những công việc trọng yếu của đất nước, như nghiên cứu đề xuất hoặc trực tiếp soạn thảo các sắc dụ vua ban có liên quan đến quốc tế, binh cơ trong quan hệ với ngoại bang hoặc các chỉ, cáo vua ban liên quan đến việc điều hành việc nước, bổ dụng, sắp xếp, thăng thưởng quan lại và việc tham gia giảng tập cho các hoàng tử, công chúa trong cung…
Nhưng điều mà ông tâm đắc chẳng kéo dài được bao lâu, lại trở thành nỗi phiền muộn khôn nguôi trong lòng ông khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta.
Ngày 19.7.1883, vua Tự Đức băng hà, nội bộ Triều đình lục đục, chia bè kéo cánh trong việc suy tôn vua kế nghiệp. Trong bối cảnh triều đình rối loạn, thực dân Pháp đã đưa sáu chiến hạm đến cửa biển Thuận An dưới sự chỉ huy của các tướng Courbet và Harmand ngày 14.8.1883. Và đến chiều 16.8.1883, hạm đội Pháp bắn phá dữ dội các đồn duyên hải của ta và ngày 20.8.1883, chúng chiếm cửa biển Thuận An.
Triều đình ngày 25 tháng 8 năm 1883 buộc phải ký với Pháp Hoà ước năm Quý Mùi hayHoà ước Harmand, một hiệp ước hoà bình, nhưng thực chất là một hiệp ước đầu hàng, chấp nhận trao hết quyền quan hệ đối ngoại cho Pháp, mất lãnh thổ, mất chủ quyền, chịu sự bảo hộ của Pháp.
Ngày 6 tháng 6 năm 1884, thực dân Pháp lấn thêm một bước nữa, buộc triều đình ký Hoà ước năm Giáp Thân hay Hoà ước Patenôtre làm rõ hơn quy chế bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam, nhất là chấm dứt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa và sau Hoà ước này, Pháp buộc triều đình huỷ ấn Nhà Thanh phong vương cho vua Việt Nam.
Buồn phiền về nhân tình thế thái, Phó bảng Trần Viết Thọ xin cáo bệnh về quê năm Kiến Phúc thứ hai, 1884.
Vào thời kỳ đầu của năm Hàm Nghi thứ nhất, 1884, ở tỉnh thành Quảng Trị đã xảy ra một sự biến: quân phiến loạn mượn tiếng xướng nghĩa nổi lên cướp tỉnh thành, quân bảo vệ thành không đánh dẹp được, nên tỉnh đường rơi vào tay quân phiến loạn. Được tin, Phó bảng Trần Viết Thọ từ quê ra tỉnh lỵ ngay, đến gặp người cầm đầu phiến quân lấy lời hơn lẽ thiệt phân giải đúng sai trong cảnh nước nhà gặp nạn xâm lăng. Người cầm đầu phiến quân sau khi nghe xong cho là phải, liền ra lệnh rút lui, giải thể phiến quân, nhờ vậy quan quân của tỉnh nhà của ông nhân đó thu lại tỉnh thành...
 
 
 

Ba lần gặp cọp

27/04/2022 lúc 09:13






C





hiều ấy, một chiều cuối mưa của năm 1950, tổ làm công tác dân vận của Bộ đội Bình - Trị - Thiên chúng tôi đi về một bản của người Cơ Tu để gặp người già bàn việc thành lập đội du kích. Bản ấy nằm về tả ngạn sông Ba Lòng, cách thị trấn Hướng Hóa chừng 60 cây số về phía Bắc. Vừa vòng qua một mỏm núi nhô ra một cái vực thì trăng lên. Ba đứa vừa đi vừa ngắm vực thì bất thần nhìn thấy một con hổ đang uống trăng dưới vực. Sợ quá, chân tay bủn rủn, chúng tôi ngồi đánh phịch xuống nền rừng. Chỗ hổ ngồi chỉ cách chỗ chúng tôi chừng mươi mét. Nếu là mùa khô thì chắc chắn tiếng động của những bước chân chúng tôi vừa đi sẽ dội vào tai hổ. Bởi lẽ, về mùa khô, dưới nền rừng là dày đặc những lá khô cong cớn, giòn và khô khốc, không một chuyển động nào dưới nền rừng mà không để lại một âm thanh. Hồi tôi học Đệ tứ ở Quy Nhơn, tôi được nghe những người đi rừng kể rằng, hổ chỉ vồ những người đi giữa. Mà lúc này, tay Xuân ngồi trước, tôi ngồi giữa rồi mới đến tay Cẩm. Nếu cứ ngồi thế này thì chắc chắn con hổ kia sẽ quắp tôi trước. Mà tiếp tục đi hoặc bò thì tiếng động sẽ dội vào tai hổ và như thế có khác chi “lạy ông, tôi ở bụi này!”. Thôi thì đằng nào cũng chết. Từ ngày đi theo tiếng gọi của “Nước nhà nguy biến” với câu hát: “Rađi không về, âm vang lời thề”tôi đã không sợ chết thì bây giờ có chết cũng đã sao đâu. Với lại, đời người dễ đã mấy ai được ngắm “ông ba mươi” giữa rừng già, mà chỉ được ngắm sự ngán ngẩm của ông ta trong cũi sắt ở các vườn bách thú. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh lại, ngắm sự  iêng hùng của “chúa sơn lâm”. Tôi nhìn rõ mấy cái râu của Chúa đang đong đưa dưới làn nước trong vắt và lăn tăn sóng. Mắt hắn đắm đuối uống vầng trăng rung rinh dưới vực. Thi thoảng lại ngáp một cái phô ra bộ răng nhọn hoắt và cái lưỡi thè lè ra liếm mép. Hai chân trước đặt lên một tảng đá cao cao, đầu nhô về phía vực, mình hơi trũng xuống phía sau, cái đuôi khi vắt sang trái khi vắt sang phải một cách thờ ơ như sự thờ ơ trong đầu hắn. Hẳn lúc này trong bụng hắn đã quá no nê, hắn đang cần một khoái lạc khác; khoái lạc của “chúa sơn lâm” hoặc về bạn tình của hắn. Nghĩ vậy nên tôi càng trấn tĩnh hơn. Giá lúc này có được cái máy ảnh thì chắc chắn tôi sẽ chụp được tâm trạng của “ông ba mươi” giữa rừng già Quảng Trị.
            Tôi ngắm “tâm trạng” của hắn dễ đến mươi phút thì bỗng dưng có một tiếng động đánh soạt ở phía sau hắn. Hắn giật mình, ngơ ngác rồi quay lại, lao vút vào màn đêm. Tôi vừa tiếc vừa thở phào nhẹ nhõm. Còn tay Xuân và tay Cẩm thì chết giấc lúc nào không hay. Một cái mùi gì khai khai thoang thoảng qua mũi tôi. Tôi đinh ninh đó là nước đái hổ. Vì hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, học môn động vật, thầy giáo tôi bảo, loài hổ là chúa của sơn lâm; tất cả mọi con vật ở rừng núi đều phải sợ nó, nhưng nó cũng là chúa của đãng trí. Đãng trí tới mức, nó mới găm một sự việc nào đó vào trong đầu mà sau đó, chỉ cần quệt vào lá rừng là quên hết nên đi tới đâu nó phải đái tới đó để nhớ đường về. Nhưng trong trường hợp này đâu có phải là nước đái hổ, vì nó có lao qua chỗ chúng tôi ngồi đâu mà là do sợ quá, tay Xuân và tay Cẩm đã đái ra quần! Nếu cứ để thế này vào bản thì các noọng sẽ cười chết. Tôi giục hai đứa cởi quần ra, hai cái mông trắng hếu. Tôi phải đá đít cho mỗi đứa vài cái, chúng mới dám lò dò xuống vực; vì thần hồn nát thần tính; vẫn còn sợ cái bóng hổ còn chờn vờn đâu đây…

            Hai năm sau, năm 1952, cả ba chúng tôi đều được bổ sung cho Mặt trận Tây Nguyên. Trên đường đến bản của người M’Nông nằm về hữu ngạn sông Krông Ana mà các dân tộc ở đây kêu là sông Ea Krông, cách hồ Ea Snô huyền thoại chỉ chừng 20 cây số về phía tây- bắc. Chưa kịp tới bản thì trời sẩm tối. Đêm ấy cũng là một đêm trăng đầu mùa khô như đêm nào ở Quảng Trị, ba anh em nhóm bếp nấu cơm rồi mắc võng theo thế chân vạc nằm ngắm trăng suông. Theo các già làng, ở vùng này là xứ sở của “chúa sơn lâm”. “Chúa” vồ người giữa ban ngày ban mặt, nhưng “chúa” sợ nhất các vật nhọn đầu. Vì vậy, trước khi nằm toòng teng trên võng ngắm trăng, chúng tôi đã phạt nhọn hàng chục cây rừng cắm xung quay võng. Tâm trạng sợ hổ vẫn cứ lan man trong đầu óc chúng tôi. Nhưng do đã được “chiêm ngưỡng” hình hài “ông ba mươi” ở Quảng Trị và suốt ngày cuốc bộ, chúng tôi đi vào mộng mị lúc nào không hay. Giữa mùa khô, cánh rừng gần biên giới Căm-pu-chia này đêm đến cũng lành lạnh, tôi ngồi dậy lục trong bồng lấy tấm đắp để đắp thì thấy ngay con hổ đang ngồi chồm chỗm gầm gừ ở giữa ba chúng tôi, cách mỗi đứa chỉ chừng mươi mét. Giá không có những cọc vót nhọn kia thì chắc chắn “ổng” đã quắp một trong ba đứa. Tôi giặng lên mấy tiếng, vừa để dọa lại “ổng” vừa để đánh thức thằng Xuân và Cẩm. Chắc hai tay này không té ra quần như lần trước nên chúng hắn cứ hú hòa dộ lại “ổng” mỗi khi “ổng” quay về mỗi đứa gầm ghè. Tuy chúng tôi không “leo lên lưng cọp” như người đời vẫn nói, nhưng không thể chạy được!. Trong ba đứa chúng tôi, tôi là tổ trưởng nên lời nói của tôi lúc này là mệnh lệnh của quân đội. Tôi gọi như hét lên:..
 
 

 

Văn nghệ sĩ đi chiến trường

27/04/2022 lúc 09:13






N





ăm 1972, chiến trường Quảng Trị không chỉ sôi động bởi cuộc chiến đang hồi kết thúc mà còn háo hức tưng bừng trên diễn đàn báo chí thi ca làm xao động lòng người.
Trong những căn hầm chật chội nấp bên những bờ tre thưa lá, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ xin được tá túc cùng ăn cùng ở với bộ đội ta để khai thác tư liệu cho tác phẩm. Vì thế trong những ngày tháng sôi động ấy, thường xuyên xuất hiện trên các trang báo với nhiều thể loại ngợi ca mảnh đất con người Quảng Trị gan góc, dạn dày mà cả nước biết đến như  một chiến trường ác liệt nhất. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đã gặp, đã sống với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời.
  Ấn tượng trong tôi ngày đầu là một bất ngờ thú vị. Người giao liên với khẩu AK mang chéo trước ngực dẫn theo một anh bộ đội cao lớn đến gặp tôi trước cửa căn hầm mới dựng. Anh giao liên nhỏ nhẹ giới thiệu: - Đây là nhà thơ Thu Bồn mới vào chiến trường muốn về tìm hiểu vùng đất Gio Linh, mong các anh giúp đỡ. Tôi hơi ngờ ngợ trước diện mạo của khách. Cứ nghĩ, nhà thơ phải là con người mảnh khảnh có nét thư sinh, sao đây là một ông bộ đội cao lớn đồ sộ thế kia. Trông dáng dấp như là vị sư trưởng hơn là nhà thơ. Thu Bồn, tôi biết anh là tác giả của trường ca "Bài ca chim Chơ - rao" và bài thơ "Gởi lời con đến cùng cha" có câu:
Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi!
Theo trí nhớ của tôi chỉ đến vậy.
Trong bộ quần áo 8-3 bạc màu với chiếc túi đựng mìn Claymo, chiến lợi phẩm bộ đội tặng cho để đựng bản thảo. Sau phút giây làm quen vội vã theo tác phong của những người lính, tôi đưa anh ra mỏm đá bên bến sông ngồi chuyện trò làm quen. Anh nói chuyện có duyên đến lạ. Cánh thanh niên như tôi nghe anh nói là mê ngay. Anh có giọng đọc thơ hút hồn. Đây là một khúc trong trường ca mà anh đọc tôi nghe, sang trọng lắm, đến giờ tôi vẫn thuộc như in:
"Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa
Ta nay uống cạn mấy rừng mưa
Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm
Ta ôm xích đạo gãy vòng cung

Ta như con dế nằm trên cỏ
Đợi uống từng đêm giọt ngọc sương
Châu báu trọn đời con dâng mẹ
Là trái tim đau lấm bụi đường...”.
Chừng ấy cũng đủ làm cho tôi, một anh lính trẻ mê văn chương thi phú ngẩn ngơ, coi anh như một thần tượng cứu cánh tâm hồn lãng tử của tôi. Tôi tò mò hỏi anh: Sao anh lấy dòng sông Thu Bồn để đặt cho bút danh của mình. Anh cười bảo rằng đó là con sông quê thấm đẫm huyền thoại về mối tình của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ hái dâu trở thành hoàng hậu. Câu chuyện tình đã đi vào tâm hồn anh từ thời thơ trẻ.
Vào chiến trường, dạo ấy, anh viết nhiều thơ. Tôi còn nhớ bài thơ viết về người mẹ Gio Linh có nhiều câu đậm chất ca dao:
Trưa nằm trên chiếc võng đưa
Con nghe tiếng mẹ xa xưa vọng về
Mái tôn che quá nặng nề
Con nghe gió tự bờ tre thổi vào...
Tiếng ru như tiếng con đòi
Bao đêm sữa mẹ chảy ngoài môi con
Những câu thơ nằm lòng tôi cho tận bây giờ...
 
 
 

Cồn Cỏ với những tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch biển đảo

27/04/2022 lúc 09:13

1 – Tiềm năng vượt trội





N





gay từ khi thành lập (Tại nghị định 174/2004/ NĐ – CP ngày 01/10/2004) và chính thức đi vào hoạt động từ 18/4/2005 Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng – an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển/
Nằm ở biển Đông tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ cách đất liền 13 – 17 hảy lý. Điểm gần nhất là Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch huyện Vĩnh Linh 13 hai lý; cách cửa biển Cửa Tùng 15 hải lý và Cửa Việt 17 hải lý. Đảo Cồn Cỏ vì vậy được quy hoach là một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ, nằm trong cụm du lịch phát triển phía bắc của tỉnh Quảng Trị. Nằm án ngữ ở cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, vì vậy trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, lúc nào Cồn Cỏ cũng có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế – lãnh thổ và quốc phòng – an ninh của đất nước. .............

Ngôi trường của chúng tôi

27/04/2022 lúc 09:13






T





ôi không rõ ngày ấy những bạn cùng lớp 8D với mình có bao nhiêu người mơ ước trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà văn? Riêng tôi cứ mơ ước âm thầm và nồng nhiệt rằng mình nhất định sẽ trở thành một giáo viên dạy văn. Mười sáu tuổi ai cũng tóc xanh, mắt biếc, còn là học sinh cấp III trường huyện. Tự hào lắm!
Trong màn sương hồng kỷ niệm của tuổi mười sáu, trường cấp III còn lưu giữ trong tôi hình ảnh ngôi trường hai tầng toạ lạc trên đồi cao giữa thị trấn Hồ Xá, trước mặt là cánh đồng và dòng sông Sa Lung trong xanh. Trường cấp III Vĩnh Linh ngày ấy, ngôi trường trung học phổ thông đầu tiên của miền Bắc XHCN ở đầu cầu giới tuyến, mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cả một vùng đất. Học sinh của trường không chỉ người Vĩnh Linh mà còn có con em của đồng bào miền Nam từ Thừa Thiên Huế trở ra. Và trong từng giờ học, giọng giảng bài, đọc thơ của các thầy các cô đã thấm vào trí não trong trẻo và da thịt hồng hào của chúng tôi. Ngọn gió nào thổi vào lớp học của chúng tôi cũng nhuốm màu lãng mạn và trong ngọn gió lãng mạn ấy còn nguyên tươi một cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ...
Mười bốn giờ ba mươi phút ngày 8/2/1965 máy bay Mỹ dội bom xuống xưởng chế biến chè Bến Hải, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, Trường cấp III và Đài anh hùng. Thầy Lê Duy Minh của chúng tôi, thầy giáo dạy văn giỏi của Trường và tám bạn học sinh đã bị bom Mỹ giết hại. Đã năm mươi năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi cái khung cảnh bi thương và da diết khi cùng các thầy các cô, bạn bè và phụ huynh đưa thi hài thầy Lê Duy Minh và tám bạn học sinh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngày thống nhất đã đến 34 năm rồi. Trường cấp III Vĩnh Linh đến mùa thu này tròn năm mươi năm tuổi. Thầy Lê Duy Minh, tám học sinh và trên năm ngàn người dân Vĩnh Linh đã ngã xuống cho cầu Hiều Lương nối nhịp. Có nơi nào trên trái đất này mỗi người dân phải gồng mình gánh chịu trên bảy tấn bom đạn để tồn tại và tái sinh như ở Vĩnh Linh không? Và cũng chưa có một huyện nào được làm nhiệm vụ chiến lược của một đặc khu hơn 20 năm, được Nhà nước phong tặng 23 đơn vị anh hùng, 18 cá nhân anh hùng, được Bác Hồ tám lần gửi thư khen. Mảnh đất nghèo nhưng bao hy sinh và anh hùng đã cùng cả nước làm tất cả để bắt nhịp cầu cắt chia thành những nhịp cầu vui nối liền mãi mãi.
Sau sự kiện máy bay Mỹ ném bom xuống thị trấn Hồ Xá, trong tình trạng cả nước có chiến tranh, để bảo vệ nguồn lực, thực hiện chủ trương của Khu uỷ, trường cấp III Vĩnh Linh chia thành ba phân hiệu sơ tán về học ở xã Vĩnh Trung gọi là phân hiệu 1, Vĩnh Long phân hiệu 2 và Vĩnh Tân phân hiệu 3. Bạn bè cùng lớp mới quen biết nhau qua một học kỳ nay lại phải chia tay, nên ai cũng lưu luyến, bịn rịn. Tôi nhớ mãi hình ảnh Nguyễn Thị Bích Hải cứ ôm lấy Nguyễn Thị Nghĩa một bạn gái cùng lớp người xã Vĩnh Tân vừa cười, vừa khóc trông thật tội nghiệp. Trước khi về Vĩnh Tân, các lớp thuộc phân hiệu 3 phải học nhờ trường trung cấp nông nghiệp huyện tại xã Vĩnh Hoà vào ban đêm. Thế là suốt học kỳ II cứ bốn giờ chiều là học sinh thuộc các xã vùng đông Vĩnh Linh, ăn cơm sớm mang theo đèn dầu đi lên xã Vĩnh Hoà để học. Buổi học ban đêm thường bắt đầu từ 5h30 đến 9h30. Những hôm trời tạnh và có trăng thì không sao, nhưng những lúc gặp trời mưa, đường trơn lại phải leo dốc thì vất vả không tưởng tượng được. Có đêm trời mưa, học xong cả bọn bám vai nhau mò mẫm về đến nhà thì đã 12h đêm. Đấy là chưa kể trường hợp có đứa trượt chân ngã lấm lem cả quần áo, sách vở, đèn dầu, hôm sau phải vào chợ Do mua lại. Có một câu chuyện buồn cười mà đến giờ các học sinh cũ của lớp 8D ngày ấy vẫn còn nhớ là trường hợp Ngô Thị Huệ người cùng làng với tôi, sau khi nghe thầy Tình giáo viên dạy môn Sinh kể câu chuyện khoa học viễn tưởng: “Đầu giáo sư Oen” sợ quá, đêm nào cũng bắt cả bọn đem về tận nhà. Thế là hàng đêm bọn con trai phải thay nhau đưa Huệ về tận ngõ mới thôi. Bù lại, cả bọn chiều nào cũng được ăn ổi, vì nhà Huệ trồng rất nhiều ổi.
Năm học lớp 9, phân hiệu 3 chuyển về xã Vĩnh Tân, sát đường 70 về bãi tắm Cửa Tùng bây giờ. Để chuẩn bị cho năm học mới trong điều kiện chiến tranh, sau khi dựng xong phòng học, lớp nào cũng lao động một tháng để đào hầm hào phòng tránh. Phòng học là những hầm lán sâu một mét, có trần trát bằng đất để tránh bom bi. Hai bên phòng học có những đường giao thông hào ăn liền với hệ thống hầm ếch, hầm chữ A, địa đạo để thầy trò ẩn nấp khi có máy bay ném bom hoặc pháo hạm của Mỹ từ biển bắn vào. Tôi nhớ có bạn đang giờ ra chơi, bất thần pháo hạm của Mỹ từ biển bắn vào, cả lớp ùa nhau chạy xuống giao thông hào để tìm hầm ẩn nấp. Hết đợt pháo kích, mọi người lại vào lớp tiếp tục học thì thấy thiếu hai người là Ngô Thị Huệ và Ngô Thị Thành.  Tưởng hai người có mệnh hệ gì, cả lớp nháo nhào chạy đi tìm. Mãi lúc sau mới phát hiện cả hai người đang cố tìm cách leo lên trong cái giếng cạn của nhà ông thợ rèn. Thì ra vốn đã nhát, khi nghe pháo hạm nổ, cả hai người phát hoảng, không chạy xuống giao thông hào để tìm hầm tránh mà chạy tuốt vào xóm nhà dân và nhảy đại xuống giếng lấp trong vườn nhà ông thợ rèn. Thật là một phen hú vía!...
 

Địa lý hành chính Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử

27/04/2022 lúc 09:13






T





rước khi thuộc về người Việt (đầu thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XIV), vùng đất Đông Hà hiện nay về cơ bản là một phần của đất châu Ô (phía nam sông Hiếu) và châu Ma Linh (phía bắc sông Hiếu) của vương quốc Chămpa. Sau năm 1069, một phần đất của Đông Hà hiện tại nằm phía bắc sông Hiếu thuộc châu Ma Linh sát nhập vào bản đồ Đại Việt. Để hợp thức hóa lãnh thổ, năm 1075, nhà Lý cho đổi châu Ma Linh thành châu Minh Linh (1), đặt quan cai trị, chiêu mộ nhân dân đến khai thác. Tuy nhiên, thời gian này do hoàn cảnh chiến tranh liên miên nên người Việt vẫn chưa vào đến vùng đất phía bắc sông Hiếu .
Cuối thời Trần, suốt thời Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ, vùng đất Đông Hà hiện nay là một phần của huyện Lợi Điều thuộc châu Thuận, trấn/ phủ/ lộ Thuận Hoá (2) (và có thể là một phần của huyện Dạ Độ thuộc châu Minh Linh (từ năm 1407 đổi thành châu Nam Linh), trấn/ phủ/ lộ Tây Bình/ Tân Bình ở phía bắc sông Hiếu). Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất Đông Hà thời kỳ này chủ yếu là các làng Chăm còn ở lại sống cộng cư với các nhóm chiến binh Việt. Các làng Việt và cư dân Việt còn rất thưa thớt. Phải đến sau năm 1471, với chiến dịch của Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Vijaya, kéo biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên, kết thúc sự tồn tại của vương quốc Chămpa; đồng thời mở ra một trào lưu di dân mạnh mẽ của người Việt tiếp tục vào khai phá vùng Thuận - Quảng, thì vùng đất Đông Hà hiện nay mới đồng loạt xuất hiện nhiều làng/ xã của người Việt.
Từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, châu Nam Linh đổi làm huyện Minh Linh (gồm 8 tổng, 63 xã), thuộc phủ Tân Bình. Châu Thuận cải đặt thành hai huyện: Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ Xương (8 tổng, 53 xã) cùng với 2 châu: Sa Bôi (10 tổng, 68 xã) và Thuận Bình (6 tổng, 26 xã) ở miền Tây, thuộc phủ Triệu Phong nằm trong thừa tuyên Thuận Hóa (3). Đông Hà vào thời Lê - Mạc thuộc huyện Vũ/ Võ Xương (tương ứng với huyện Triệu Phong nay), châu Thuận, thừa tuyên Thuận Hoá. Theo sách “Ô châu cận lục”, vào giữa thế kỷ XVI, huyện Võ Xương có 59 xã/ làng thì trên đất Đông Hà đã có các làng/ xã như sau: Hướng Ngao (sau đổi là Điếu Ngao), Hạ Đô, Thượng Đô (sau đổi là Thượng Nghĩa), Trung Chỉ, Thượng Độ, Hạ Độ (sau đổi là Đại Độ), Nghĩa Đoan (sau đổi là Nghĩa An), Vĩnh Phước, Thiên Áng, Tiểu Áng (sau đổi thành Đại Áng), Lai Cách (sau đổi là Lai Phước), Vĩnh Phúc/Vĩnh Phước, Liên Trì (sau đổi là Tây Trì) (4).
Đông Hà thời các chúa Nguyễn theo Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục” là đất của hai tổng An Đôn và tổng An Lạc thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá.
Thuộc tổng An Đôn có các xã, phường sau: Vĩnh Phúc (tức Vĩnh Phước), Lai Phúc (tức Lai Phước), Vân An, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Phưng Lương, Phú An, Lãng Phúc, Điếu Ngao, Đông Hà, Liên Trì (tức Tây Trì), Đông Vu (tức Đông Lai), Thượng Đô (tức Thượng Nghĩa), Thiết Trường tử chính, Thiết Trường hạ phường, Sơn Trập, Sơn Bàng, An Trung ngũ giáp.
Thuộc tổng An Lạc có các xã phường sau: An Lạc, Nghĩa An, Thanh Lương, Đình Tổ, Thượng Độ, Hạ Độ (tức Đại Độ), Thiết Trường (tức Thiết Tràng) (5).
Năm 1801, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, (tháng 8 năm 1801) đã cho tổ chức sắp xếp lại các địa danh hành chính trong cả nước. Trong bối cảnh đó, Quảng Trị cũng được sắp xếp lại bằng việc Gia Long cho lấy hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình, đặt thành dinh Quảng Trị. Công đường và lỵ sở của dinh Quảng Trị được đặt tại khu vực Trà Bát - Ái Tử nằm sát nách các xã thuộc vùng đất Đông Hà ở phía nam. Riêng phía tây lại đặt đạo Cam Lộ, mọi việc cống Man, thuế Man ở đạo Cam Lộ đều lệ vào Quảng Trị (6).
Đất Đông Hà lúc đó phần lớn thuộc huyện Đăng Xương. Phía tây huyện Đăng Xương là đạo Cam Lộ. Đất của phường Đông Thanh (có thể là cả Đông Giang) hiện nay lúc đó thuộc đạo Cam Lộ. Thành đạo Cam Lộ lúc đó đóng ở làng Nghĩa An. Thành được đắp bằng đất bốn mặt thành tạo thành một chiến luỹ kiên cố (7)....
 

Vang dội Coóc Bai

27/04/2022 lúc 09:13

Sau thắng lợi ở 935, Sư đoàn được lệnh phát triển tiến công tiêu diệt căn cứ Coóc Bai. Điểm cao Coóc Bai nằm trên đường ranh giới hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên, cách đông bắc căn cứ 935 khoảng 9km, diện tích trên đỉnh không lớn, sườn dốc đứng nên dung lượng chứa quân không bằng 935.
Coóc Bai nằm kẹp giữa con sông Ô Lâu và Mỹ Chánh, Coóc Bai vừa là một căn cứ pháo binh, vừa là căn cứ hành quân của Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 nguỵ Sài Gòn. Được xây dựng cùng thời điểm 935, căn cứ 935 là lá chắn cho Coóc Bai. 935 bị đạp vỡ, Coóc Bai trở thành căn cứ vòng ngoài chiến tuyến phòng thủ sông Bồ của địch, trên Coóc Bai có tiểu đoàn 3, Trung đoàn 54, tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 nguỵ và một trận địa pháo.
Xung quanh Coóc Bai có tiểu đoàn 1 dù Mỹ ở điểm cao 316, tiểu đoàn 2 ở Củng Cáp, tiểu đoàn 2 và 3 Trung đoàn 1 ở khu vực Động Ngãi, Cô Pung và CôVaLaĐạt. Pháo binh chi viện cho Coóc Bai có căn cứ Chiêm Dòng 267 Củng Cáp 316, 700 và các trận địa pháo tầm xa ở đồng bằng. Khi Coóc Bai bị tấn công, địch có điều kiện tăng quân nhanh để giải toả.
Sau khi cứ điểm 935 bị tiêu diệt 1 ngày Tổng thống Việt Nam cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đáp trực thăng xuống căn cứ Coóc Bai lên giây cót cho bọn lính nguỵ bị cô lập. Thiệu nói: “Bọn mũi lõ bỏ chạy, quân lực Việt Nam cộng hoà chúng ta quyết không chạy phải tử thủ đến cùng” Cánh quạt trực thăng của Tổng thống phải quay liên tụ sẵn sàng cất cánh để đưa Thiệu đi ngay tránh ăn đạn pháo của quân giải phóng. Lúc đó là 15 giờ ngày 29/8/1970.
Trận địa phòng ngự của địch xây theo tuyến dọc trên điểm cao bên bờ hai con sông, lấy Coóc Bai và 935 làm điểm hội tụ, để từ đây chúng có thể vươn tới bất kỳ mảnh đất nào ở tây đường 12. Vì vậy, Coóc Bai là vị trí chiến lược quan trọng mà địch quyết giữ bằng được. Song sau khi căn cứ 935 mất Coóc Bai thành khu vực độc lập, không cho phép địch dễ dàng chi viện cho nhau bằng bộ binh. S
Trung đoàn 3 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yếu tiến công dứt điểm căn cứ Coóc Bai, phối hợp với Trung đoàn có tiểu đoàn 1 Trung đoàn 6 (Thừa Thiên) và Tiểu đoàn 7B đặc công.
Đội hình tác chiến: Tiểu đoàn 9 cùng Tiểu đoàn 1 (Thừa Thiên) có nhiệm vụ vây lấn từ hướng đông Nam sang tây Nam Coóc Bai.
Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn đặc công 7B bố trí ở Coóc Muộn và điểm cao 1314 sẵn sàng phát triển sang điểm cao 787, 884, Coóc Pe-Lai để đánh địch đổ bộ đường không phía sau hậu phương ta.
Tiểu đoàn 8 sẵn sàng đánh địch phản kích ở Quảng Trị vào. Phương châm chỉ đạo tác chiến là vây điểm, diệt viện, lấy mục tiêu diệt địch đóng dã ngoại là chính.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao Đảng uỷ các tiểu đoàn họp quán triệt quyết định phương án tác chiến và làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu.
16 giờ ngày 6/8 vào thời điểm nắng nóng trong ngày hè, lúc Mỹ - nguỵ đang căng thẳng nhất về tâm lý và tinh thần. Trung đoàn trưởng phát lệnh tiến công. Các trận địa hoả lực đồng loạt dội lửa xuống Coóc Bai, hàng chục tên nguỵ đang giành nhau nước tắm bị trúng đạn, 4 khẩu pháo 105 bị hất nghiêng sang bờ công sự, một số công sự bị phá, trận tập kích hoả lực đầu tiên vào Coóc Bai kéo dài 30 phút, gây thiệt hại nặng cho đại đội Nguỵ cùng với bọn chỉ huy tiểu đoàn 1, Trung đoàn 54 Nguỵ, một trận địa pháo bị phá huỷ.
Mười phút sau khi pháo ta phát hoả, các trận địa pháo của địch ở các điểm cao 367, 316, 700, Củng Cáp quay nòng vãi đạn suốt đêm vào khoảng rừng xung quanh Coóc Bai.
Từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 8 địch liên tục đổ quân để giải toả Coóc Bai, các đợt đổ quân này đều bị Trung đoàn 6 Thừa Thiên đánh thiệt hại nặng. Ngày 13 tháng 8 chúng phải đổ bộ tiếp hai tiểu đoàn còn lại. Như vậy toàn bộ Trung đoàn 1 và tiểu đoàn 3, Trung đoàn 54 ngụy đã có mặt ở Coóc Bai...
 

Mối quan hệ giữa đình và chợ làng ở Quảng Trị đôi điều suy nghĩ

27/04/2022 lúc 09:13






Đ





ình - Chợ làng là một khái niệm đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân quê Quảng Trị. Từ bao đời nay người ta nhắc đến đình là gắn liền với khái niệm chợ như khu đình và chợ làng Bích La, khu đình và chợ phiên Cam Lộ, khu đình và chợ làng Câu Nhi...
Qua khảo sát thực tế ở một số chợ làng Quảng Trị chúng tôi thấy rằng hầu hết các chợ làng đều được nhóm họp cạnh hoặc trước đình làng. Tuy nhiên đa số các chợ làng đều ra đời muộn hơn đình làng. Chính vì nằm cạnh hay trước các đình làng nên mặc dù khác nhau về mặt cấu trúc, sinh hoạt nhưng chợ và đình làng có mối quan hệ nhất định với nhau về mặt không gian, cảnh trí cũng như địa điểm.
Về mặt không gian, đình gắn với làng là trung tâm sinh hoạt tinh  thần của một làng. Đình là biểu tượng tập trung nhất của làng trên tất cả mọi phương diện. Trước hết, nó là một trung tâm hành chính, là nơi hội họp, nơi diễn ra mọi công việc quan trọng của làng... Đình cũng là trung tâm văn hoá, là nơi tổ chức các lễ tiết, hội hè, tiệc tùng, nơi biểu diễn văn nghệ truyền thống. Ngoài ra, đình còn là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng, tất cả các yếu tố phong thuỷ như: thế đất, hướng đình... đều có tác động chi phối đến vận mệnh của cả làng, là nơi thờ Thành Hoàng - vị thần bảo hộ cho làng. Và cuối cùng đình cũng là điểm tựa, nơi bám víu tình cảm của mọi gia đình và các cá nhân thành viên trong làng, là một trong những chất keo kết dính tính cộng đồng, làng xã.
Dựa vào những lợi thế về vị trí của đình và sự tập trung mọi thành viên trong làng đến sinh hoạt tại đình mà nhân dân đã sử dụng địa điểm này để họp chợ. Ngày xưa khi dựng đình làng người dân thường để một khoảng đất trống có diện tích khá rộng trước đình để làm nơi tổ chức các lễ tiết hội hè, tiệc tùng... vào những ngày lễ hội của làng. Những ngày lễ hội này được tổ chức một lần hoặc hai, ba lần trong một năm còn các ngày còn lại trong năm không tổ chức gì thì khoảng đất đó để trống. Nếu người ta cho trồng các loại cây rau màu, khoai, sắn... nơi đây thì khi cần lấy lại không gian để tổ chức các buổi họp làng đột xuất hoặc định kỳ rất khó khăn và tốn kém. Chính vì vậy, người ta tận dụng khoảng trống đó để cho họp chợ là thích hợp. Việc nhóm họp chợ ở đây chỉ đơn thuần vài ba gánh hàng của người dân địa phương đến để trao đổi những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, chợ được dựng lên ở đây tạm bợ mang tính chất “dã chiến” nếu khi cần không gian đó để sử dụng thì chợ sẽ trả về vị trí cho đình làng nên rất thuận lợi trong việc tæ chức các buổi họp của làng ở đình. Ban đầu chợ được nhóm họp mang tính chất tạm thời như vậy về sau lâu dần người mua bán ngày càng đông đúc, các lều quán được dựng lên nhiều hơn. Chợ bắt đầu hình thành dần và ổn định phát triển ngay trước cổng đình. Sự hình thành và phát triển đó của chợ được sự chấp nhận của dân làng và chính quyền địa phương nên việc tổ chức trong chợ được thiết lập với nhiều bộ phận để quản lý chợ.
Bên cạnh đó, chợ làng còn dựa vào vị trí của đình, đình thường dựng ở các trung tâm, các trục đường giao thông có nhiều người qua lại, gần các con sông uốn khúc bởi dòng sông ngày xưa là mối giao thông quan trọng của người dân trong vùng. Chính dòng sông đã trở thành mạch nguồn chuyển tải các yếu tố văn hoá, để lắng đọng trong nhận thức, tư duy của người dân. Từ đó sản sinh ra những nét văn hoá chợ độc đáo mang sắc thái riêng biệt của vùng quê Quảng Trị. Đặc biệt đình còn là ngôi nhà chung của mọi thành viên trong làng. Sinh hoạt ở đình làng là một nét văn hoá đã xuất hiện từ lâu trong đời sống của người dân nên mọi người đều tập trung ở đình rất thường xuyên không chỉ trong những ngày diễn ra các kỳ lễ tết mà cả ngày thường vì vậy thuận lợi cho việc nhóm họp chợ. Khi chợ đã phát triển ổn định thì trở lại phục vụ cho yêu cầu sinh hoạt cúng lễ của đình. Chợ cung cấp các loại hàng hoá cần thiết cho những buổi cúng lễ của đình như: hương đèn, hoa quả, giấy vàng bạc... Do vậy, đình làng có tác dụng rất lớn trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của chợ làng...
 

« 4243444546 »

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground